Giá xăng tăng không điểm dừng, nguy cơ lạm phát chực chờ
Giá xăng dầu chiều nay dự báo tăng mạnh, nỗi lo nào hiện hữu?
Thanh Phong
Thứ ba, ngày 26/10/2021 13:20 PM (GMT+7)
Trước bối cảnh giá xăng tăng liên tục thời gian qua, trong khi nền kinh tế gặp khó khăn do dịch Covid-19, giới chuyên gia bày tỏ lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống xã hội.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tại thị trường Singapore, giá xăng thành phẩm bình quân đang "neo" ở mức cao. Cụ thể, cập nhật đến gần đây cho thấy xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 là 95,89 USD/thùng; xăng RON 95 là 98,62 USD/thùng…
Như vậy, giá cả hai loại xăng nói đều tăng mạnh hơn so với chu kỳ trước. Trong đó, xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 tiến gần về mốc 100 USD/thùng. Còn xăng RON 95 đã vượt mức 100 USD/thùng. Giá dầu diesel nhiều thời điểm cũng lên gần 97 USD/thùng.
Trước diễn biến trên, giới chuyên môn dự báo, giá xăng dầu trong nước vào kỳ điều chỉnh chiều nay (26/10) sẽ tăng mạnh theo xu hướng chung của thế giới. Cụ thể, xăng RON 95 có thể rơi tăng khoảng 1.200-1.700 đồng/lít. Ngoài ra, xăng E5 RON 92 có thể sẽ tăng ở mức thấp hơn, từ 1.000 - 1.360 đồng/lít. Giá dầu có thể tăng ở mức 1.000 đồng/lít.
Với những diễn biến liên tục tăng mạnh của giá xăng dầu có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ lạm phát, trao đổi với Dân Việt, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên giám đốc Sở Thương mại Hà Nội đã bày tỏ quan điểm về vấn đề này:
Hiện tại, giá xăng thế giới đang "neo" ở mức cao khiến nhiều khả năng, chiều nay, giá xăng tiếp tục tăng và lên mức cao trong nhiều năm trở lại đây. Xin ông cho biết đánh giá của mình về vấn đề này như thế nào?
Khi giá xăng tăng, ai cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay thu nhập bị giảm sút, cùng với đó, giá cả hàng hóa sẽ tăng lên. Cách đây hơn một tháng, giá các mặt hàng cơ bản từ dầu ăn, giấy vệ sinh đã tăng lên.
Cùng với việc tiêu dùng nội địa trở nên đắt đỏ, áp lực cạnh tranh của hàng hóa Việt đối với các loại hàng hóa nhập khẩu cùng rất cao. Đó là những ảnh hưởng trực tiếp nhất đến đời sống, thương mại nội địa khi giá xăng dầu, gas tăng lên.
Đối với hoạt động của các doanh nghiệp, việc giá xăng dầu tăng ảnh hưởng đến hoạt động máy móc, vận chuyển, logistics,… Qua đó, giá cả mặt hàng sẽ bị đẩy lên, sức cạnh tranh hàng hóa trong thị trường nội địa cũng như xuất khẩu cũng sẽ bị suy giảm.
Trong khi đó, hiện tại, doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc thu hút lao động trở lại sau dịch. Cùng với đó là việc giữ chân lao động lâu dài trong bối cảnh nhiều biến động.
Theo ông nhận định, tình trạng giá xăng "kéo" theo giá các mặt hàng nhiều khả năng cũng buộc phải tăng như vậy sẽ tiềm ẩn nguy cơ lạm phát như thế nào?
Nhìn chung lạm phát 9 tháng chỉ tăng 1,82%, nhiều khả năng trong năm 2021 có thể đạt mức 4%. Mức này vẫn ở trong "tầm tay", tuy nhiên, tôi dự đoán năm nay lạm phát chỉ ở mức 2,8% đến 3%.
Nhưng đằng sau đó là nhiều nỗi lo, thứ nhất là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm, trong khi đời sống nhân dân chưa được cải thiện. Điển hình, giá các mặt hàng thiết yếu như rau, thịt liên tục "nhảy múa", riêng giá xăng dầu đã tăng khoảng 15 lần.
Thứ hai, con số nói trên chỉ tính trong phạm vi 500 mặt hàng để tính CPI. Nếu tính rộng ra các mặt hàng khác, chỉ số giá tăng khoảng 23%, hai con số này trước đây gần như tiệm cận nhau. Hiện tại, sự chênh lệch là rất lớn, cho thấy nguy cơ lạm phát đang tiềm ẩn.
Vấn đề thứ 3 khi nói tới lạm phát cần nhắc đến là sản xuất và thương mại. Theo tôi đánh giá, sản xuất năm nay sẽ phục hồi khoảng 70%, thương mại và dịch vụ phục hồi khoảng 60%. Sức mua chưa được cải thiện chỉ bằng khoảng 60% so với trước đây.
Vậy trong những tháng cuối năm, các ngành chức năng cần làm gì để hoạt động kinh tế có thể khôi phục như trên?
Từ nay đến cuối năm, Chính phủ và các bộ ngành cần tái khởi động lại sản xuất, tạo công ăn việc làm, khôi phục sức mua,… Khởi động đầu tư công, chi tiêu của nhà nước về cơ sở vật chất để vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa và giải ngân.
Chúng ta cần mở rộng đầu tư trong nước và nước ngoài. Cùng với đó, nhà nước cần nắm vai trò "cầm trịch" trong các chính sách tài khóa và tiền tệ. Trong 9 tháng vừa qua, chúng ta thiên về chính sách tiền tệ, cấp tiền cho các gói cứu trợ theo các Nghị quyết.
Nếu kéo dài tình trạng này, ngân sách sẽ không còn đảm bảo, do đó, cần dùng chính sách tài khóa để tăng thu và chi tiêu tiết kiệm. Khi các hoạt động kinh tế trở lại cần tăng thu thuế và các khoản thất thoát, phòng chống gian lận thương mại. Chi tiết kiệm là giảm bớt các khoản chi mua sắm công gây lãng phí.
Có thể thấy rõ ràng ngay việc cải cách tiền lương cũng đã được Quốc hội dừng lại. Nếu chi hàng trăm nghìn tỉ để cải cách tiền lương có thể gây ra nguy cơ lạm phát rất cao.
Quay trở lại vấn đề giá xăng, theo ông nhận định, nếu giá xăng buộc phải điều chỉnh tăng thì các ngành chức năng cần làm gì để có thể hạn chế tác động tiêu cực cho thị trường?
Có thể nói "xăng dầu là đầu vào xã hội", cần phải lưu ý, hiện tại đang có vấn đề mâu thuẫn khi chúng ta tồn đọng hàng chục triệu tấn ở 2 nhà máy lọc hóa dầu thì chúng ta lại đi nhập khẩu xăng.
Theo tôi, chúng ta cần giải quyết vấn đề này để có nguồn cung trong nước, không thể cứ điều hành dựa trên quỹ bình ổn giá. Dự báo, thời gian tới, giá dầu thế giới có thể sẽ lên trên 100 USD/thùng, chúng ta phải có những dự báo trong tình huống xấu nhất của giá xăng dầu.
Chúng ta có 70 – 80% nguồn cung xăng dầu trong nước, không thể mãi phụ thuộc vào việc nhập khẩu và không có nguồn dự trữ. Có thể thấy các nước đều dự trữ từ 3 – 6 tháng, trong khi Việt Nam chỉ khoảng 20 ngày. Khi giá dầu thấp họ nhập dầu vào, khi giá cao họ đưa lượng dự trữ ra tiêu thụ nên giá cả rất ổn định còn hơn rất nhiều với cách dùng quỹ bình ổn giá, thực chất là tiền của người dân như hiện nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.