Liên Bộ Công Thương - Bộ Tài chính vừa có quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu từ 15 giờ ngày 25/7, theo đó giá xăng E5 RON92, giảm giảm 274 đồng/lít, giá bán lẻ hơn 21.900 đồng/lít; giá xăng RON 95 giảm giảm 294 đồng/lít, giá bán lẻ 22.884 đồng/lít.
Dầu các loại giảm mạnh, trong đó dầu diesel giảm 310 đồng/lít, giá bán lẻ 20.194 đồng/lít; dầu hoả giảm 338 đồng/lít, giá bán lẻ 20.326 đồng/lít, dầu mazut 180CST 3.5S giảm mạnh 433 đồng/kg, giá bán lẻ không cao hơn 17.178 đồng/kg.
Giống như nhiều lần trước, liên Bộ Công Thương - Bộ Tài chính quyết định không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95 và các loại xăng dầu khác.
Từ đầu tháng 7 đến nay, giá xăng dầu bán lẻ đã có hai lần giảm liên tiếp, trong đó lần gần nhất là ngày 18/7, giá xăng E5 RON 92 giảm 108 đồng/lít, giá bán là 22.174 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm 116 đồng, giá bán còn 23.178 đồng/lít; Giá dầu diesel cũng được điều chỉnh giảm 330 đồng/lít, giá bán ở mức 20.504 đồng/lít. Dầu hoả giảm 374 đồng, giá bán lẻ 20.664 đồng/lít, dầu mazut 180CST 3.5S giảm 173 đồng, giá bán lẻ 17.611 đồng/kg.
Trước đó, ngày 11/7, giá xăng E5RON92 giảm 179 đồng, giá bán lẻ không cao hơn 22.282 đồng/lít, xăng RON95-III giảm 258 đồng/lít, giá bán lẻ không cao hơn 23.294 đồng/lít. Dầu các loại cũng chung xu hướng giảm, trong đó dầu diesel giảm 342 đồng, giá bán lẻ hơn 20.830 đồng/lít, dầu hỏa giảm 178 đồng, giá bán lẻ không cao hơn 21.038 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S: tăng 250 đồng, giá bán lẻ không cao hơn 17.784 đồng/kg.
Một thông tin liên quan đến chuỗi cung ứng xăng dầu, theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến ngày 25/7 đã có 18 thương nhân phân phối xăng dầu xin trả Giấy phép kinh doanh xăng dầu về Bộ, trong đó hai trường hợp mới nhất trả Giấy phép là Công ty CP Thương mại nhiên liệu Cửu Long tại địa chỉ số 85 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh và Công ty TNHH Đầu tư phát triển xăng dầu Việt Nhật tại SN 18 Phía Nam trường Đại học Hoa Lư, xã Ninh Tiến, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình trả Giấy phép ngày 17/7.
Như vậy, trên cả nước hiện còn khoảng 296 thương nhân phân phối xăng dầu, cùng 36 thương nhân đầu mối và hàng trăm, hàng nghìn đại lý xăng dầu bán lẻ trên khắp cả nước.
Mới đây, tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 83, Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu của Chính phủ do Bộ Công Thương chủ trì, cơ quan soạn thảo đưa ra hai kiến nghị, đề xuất lớn đối với kinh doanh xăng dầu: Doanh nghiệp không được quyền quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như trước đây mà chuyển Quỹ Bình ổn giá xăng dầu về cho ngân sách Nhà nước quản lý; hai là cơ quan soạn thảo tiếp tục bảo lưu đề xuất doanh nghiệp xăng dầu được quyền tự định đoạt giá xăng dầu trên cơ sở giá trần, giá cơ sở do Nhà nước đưa ra.
Trước những đề xuất trên, nhiều chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp xăng dầu trong nước đã có phản ứng trái chiều. Nhiều người ủng hộ đề xuất cho doanh nghiệp tự định giá xăng dầu để họ chủ động chi phí, xây dựng cơ chế giá để có tính cạnh tranh trên thị trường.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại việc thị trường xăng dầu có tính độc quyền tự nhiên, thị trường xăng dầu bán lẻ hiện 60-70% thị phần nằm trong tay các doanh nghiệp lớn như Petrolimex, PVOil, vì vậy lo ngại cấu kết, làm giá và lợi ích nhóm trong doanh nghiệp xăng dầu có thể đẩy giá xăng dầu đến giá trần Nhà nước quy định, thủ tiêu động lực cạnh tranh giá trên thị trường.
Nhiều chuyên gia đòi hỏi cơ quan soạn thảo cần đưa ra giải pháp để hạn chế thao túng thị trường, độc quyền của nhóm doanh nghiệp lớn có thể ảnh hưởng đến tính cạnh tranh trên thị trường xăng dầu. Đồng thời, có "lằn ranh chính sách" khắc chế hoạt động độc quyền xăng dầu có thể xảy ra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.