Sau cuộc "khẩu chiến xăng dầu" hồi tháng 9, lãnh đạo Petrolimex cho biết họ đã có kiến nghị lên Bộ Tài chính về mức phí 600 đồng cho mỗi lít xăng, dầu tính từ nhập khẩu đến lưu thông là ít, không đủ bù đắp các chi phí thực mà doanh nghiệp phải chịu. "Mức phí này duy trì từ năm 2007 mặc dù lạm phát liên tục tăng cao"- Tổng Giám đốc Bùi Ngọc Bảo nói.
Tại cuộc họp báo ngày hôm qua, đã có một câu hỏi đặt ra xung quanh "con số 600 đồng" này. Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết: Có những đại lý thậm chí được trích tới 1.000 đồng/lít. Lý do tăng cao là do không có quy định về thù lao định mức và chi phí kinh doanh, nên sau khi kiểm tra mới đặt ra vấn đề này. Dù thẳng thắn rằng: Việc đẩy thù lao đại lý lên cao để chiếm giữ thị phần là sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp đầu mối, tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho biết: Mức 600 đồng có còn phù hợp hay không thì cần phải khảo sát...
Xăng dầu, một loại hàng hóa là các DN độc quyền chỉ làm mỗi một việc đơn giản là mang ngoại tệ đi nhập về để bán, vậy mà chỉ 600 đồng định mức lợi nhuận, trích đại lý đến Bộ Tài chính còn không biết có còn phù hợp hay không, hoặc trả lời rất "đơn giản" là "chưa có quy định", thì làm sao người tiêu dùng hàng ngày phải móc hầu bao trả tiền chấp nhận được. Bởi, rất rõ ràng, là nếu không biết khoản chi này đúng hay sai, phù hợp hay không, thì làm sao Bộ Tài chính có thể xác định chính xác giá bán lẻ xăng dầu cho dân chúng là đắt, hay rẻ, hợp lý, hay bất hợp lý.
Ngày 15.3.2010, sau rất nhiều sức ép, lần đầu tiên Petrolimex công khai công thức tính giá xăng, dầu. Nhưng những kỳ vọng về sự minh bạch tan biến ngay lập tức khi ngay cả các chuyên gia kinh tế nhìn vào bảng giá cơ sở cũng như nhìn vào một ma trận. Các thông số để có thể vẽ đồ thị giá, trong đó có "yếu tố 600 đồng" chi phí, lợi nhuận định mức... hoặc không có, hoặc không đầy đủ.
Phó Viện trưởng Viện Khoa học thị trường giá cả Bộ Tài chính, TS Vũ Đình Ánh đã bình luận một câu rất chua chát, rằng: Việc công khai giá cơ sở "Không phải là sự tiến bộ của doanh nghiệp mà chẳng qua vì họ đã đẩy người tiêu dùng đến trạng thái mất lòng tin nên phải công khai để người dân kiểm định và tin rằng tất cả các yếu tố tính giá đều đáng tin cậy... Quốc gia nào cũng phải tiêu dùng xăng dầu nhưng người dân không phải bận tâm đến giá bán. Ở VN thì khác, người dân rất quan tâm vì họ mất lòng tin".
Và đến giờ, Bộ Tài chính vẫn còn nợ dân chúng câu trả lời về sự minh bạch giá xăng dầu.
Anh Đào
Vui lòng nhập nội dung bình luận.