1001 lý do giữ giá…
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã giảm tới 9 lần; dầu diesel giảm tới 15 lần, dầu hỏa giảm 12 lần và dầu madut giảm tổng cộng 10 lần; chênh lệch giữa tổng số tiền giảm giá xăng dầu lớn hơn nhiều so với số tiền sau các lần tăng giá. Mức giảm giá 950 đồng/lít từ 11 giờ hôm qua (7.11) cũng là mức giảm sâu nhất trong 9 lần giảm giá trong năm. Đến nay, tổng mức giảm giá mặt hàng xăng RON 92 từ đầu năm đến giờ đã là 4.250 đồng/lít. Giá xăng dầu thời điểm này đã thấp hơn mặt bằng giá năm 2012 và thấp hơn rất nhiều so với thời kỳ giá xăng tăng nóng là năm 2013 và đầu năm 2014.
Giá xăng dầu đã giảm mạnh, thế nhưng giá các loại hàng hóa, cước vận tải vẫn “chây ỳ” chưa chịu giảm giá. Đàm Duy
Còn nhớ khi giá xăng tăng và lập kỷ lục vào ngày 7.7 lên tới 25.640 đồng/lít thì hàng loạt các dịch vụ hàng hoá, vận tải, ăn uống, công nghiệp, vật liệu xây dựng… lần lượt kêu khó và lập tức tăng giá. Khi đó giá cả nhiều mặt hàng đã tăng giá gấp đôi, gấp ba. Song với giá xăng dầu liên tiếp giảm kỷ lục hiện nay, giá cả hàng hóa dịch vụ và cước vận tải vẫn “đứng yên tại chỗ”.
Ông Thân Văn Thanh- Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, chưa kể mức giảm giá xăng dầu hôm qua, thì với mức giảm giá xăng 3.300 đồng/lít lần thứ 8 đã tương ứng với khoảng 12,7%. Trong khi đó, xăng dầu chiếm từ 40-50% chi phí vận tải nên mức giảm cước taxi tương ứng có thể là hơn 6%. Như vậy, giá cước có thể giảm được là 600-1.000 đồng/km.
“Nhưng giá vận tải không thể điều chỉnh tức thì như giá xăng dầu được vì các quy định khá phức tạp, mất thời gian bởi phải đăng ký giá, cài đặt lại đồng hồ, tốn kém rất lớn” – ông Thanh cho biết.
Một số hãng cho biết, cước taxi vẫn giữ nguyên do hãng đã không tăng cước khi xăng dầu tăng liên tiếp ở những tháng đầu năm 2014. Bên cạnh đó, năm nay họ phải gánh nhiều chi phí tăng thêm nên khó có thể giảm giá cước nếu trước đó đã không tăng. Ông Đỗ Xuân Phú- Giám đốc Công ty Vận tải hàng hóa Minh Liên cũng cho biết, hiện doanh nghiệp ông mới đang tính toán dựa trên mức giảm của giá xăng dầu để giảm cước cho khách hàng, sau khi tính xong mới có con số giảm cụ thể.
Tại Hà Nội, hiện mới có Taxi Group công bố giảm giá cước 300 đồng/km cho 30km đầu tiên sau những lần giá xăng dầu điều chỉnh giảm liên tiếp. Hãng này và nhiều hãng như Taxi Mai Linh đã điều chỉnh tăng giá cước, với mức tăng từ 500-1.000 đồng/km khi giá xăng tăng hồi tháng 4.
Chỉ là “ngụy biện”…
Theo ông Đỗ Quốc Bình- Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, mỗi lần điều chỉnh giá sẽ rất tốn kém và phức tạp, do phải cài lại đồng hồ tính cước, in lại giá vé, chỉnh và kẹp lại chì đồng hồ, rồi xin phép cơ quan thuế…Đặc biệt, việc cài lại đồng hồ rất phức tạp, tốn kém vì phải thông qua một cơ quan kiểm định độc lập của Nhà nước để điều chỉnh đồng hồ cho hơn chục ngàn xe taxi. Trong khi đó, giá xăng dầu thì bấp bênh, nay giảm mai tăng rất khó cho các hãng taxi hoạt động. Chi phí điều chỉnh giá cước taxi lên tới 500.000 – 1 triệu đồng/xe trong khi giá xăng được điều chỉnh tăng giảm chỉ trong 10 ngày nên việc điều chỉnh đồng nghĩa với thiệt hại về tài chính của doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, lý do giữ giá cước của các hãng vận tải chỉ là “ngụy biện”. Bởi trước kia doanh nghiệp vận tải vin vào việc giá xăng dầu giảm nhỏ giọt nên khó điều chỉnh giá song giá xăng dầu đã giảm tới 9 lần với gần 4.500 đồng/lít thì không thể nói là “nhỏ giọt” nữa.
Theo các chuyên gia kinh tế, chỉ cần giá xăng dầu giảm 5-6% thì doanh nghiệp vận tải đã có thể giảm giá cước vận chuyển được và tương tự với doanh nghiệp taxi là 10%. Vậy giá xăng đã giảm tổng cộng gần 4.500 đồng/lít (khoảng 14%) thì không có lý do gì để ngành vận tải giữ giá cước ở mức cao như thời điểm hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, tôi cũng là một người tiêu dùng. Vì vậy, tôi cũng bức xúc với việc mỗi khi giá xăng dầu điều chỉnh tăng thì rất nhiều mặt hàng khác cũng đẩy giá tăng theo nhưng trong thời gian qua khi xăng dầu giảm giá liên tiếp với tổng số giảm đến hàng nghìn đồng/lít thì chưa thấy nhóm hàng thực phẩm giảm. Bộ Công Thương sẽ cố gắng thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ được Chính phủ giao, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng để điều hành linh hoạt giá các hàng hóa thiết yếu khác cũng phải bám sát theo giá thị trường.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, giá hàng hóa vận tải không giảm khi giá xăng dầu giảm đang gây những bất bình trong dư luận. Do vậy, Bộ đã đề nghị các bộ ngành địa phương tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải theo quy định, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về quản lý vận tải, quản lý cước vận tải; chỉ đạo doanh nghiệp vận tải tính toán lại giá thành, thực hiện kê khai lại giá cước phù hợp với biến động của chi phí nhiên liệu và giá các yếu tố đầu vào. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiều cho biết, đã đề nghị địa phương tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá trên địa bàn.
Những doanh nghiệp đã kê khai tăng giá cước tại thời điểm xăng dầu tăng giá trong năm 2014 thì nhất thiết phải xem xét để điều chỉnh lại giá.
Ông Võ Văn Quyền- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, hầu hết các sản phẩm hàng hoá trên thị trường đều đã vận hành theo cơ chế thị trường. Vì vậy, việc tăng, giảm giá phải phụ thuộc vào cung - cầu của thị trường. Chúng ta không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính để buộc kéo giá xuống. Ngoài ra, theo ông Quyền, một loạt các vấn đề khác cũng tác động không nhỏ đến thị trường như hàng tồn kho, các nguyên vật liệu khác ngoài xăng, lãi suất ngân hàng, nợ khó đòi... Tất cả những yếu tố này cũng tác động lên giá cả, khiến thị trường hàng hoá biến động theo chiều hướng tăng chứ không giảm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.