Lựa chọn ngành học ít người theo đuổi tuy có nhiều thách thức nhưng không ít cơ hội là cách mà Nguyễn Văn Đức, cựu sinh viên Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội đến với ngành Công nghệ Hàng không Vũ trụ.
Nghe thông báo con trai nhận được học bổng đi du học tiến sĩ của 5 trường ĐH tại Mỹ, trái tim ông Nguyễn Văn Ảnh chưa bao giờ rộn ràng đến thế. Vậy là con đã thực hiện được ước mơ và lời hứa cách đây 5 năm. Ông Ảnh nhớ vài năm trước, khi đứng trước ngã rẽ chọn ngành nghề, Đức chia sẻ, tâm sự với ông lí do lựa chọn ngành Công nghệ Hàng không Vũ trụ. Nghe con chia sẻ thế thôi chứ ông nào biết ngành
Công nghệ thông tin
như thế nào, ngành Hàng không Vũ trụ ra sao để mà khuyên con chọn hay không. Ông chỉ nhớ con nói ngành Công nghệ thông tin tuy nóng nhưng có nhiều bạn chọn, đến khi con tốt nghiệp, có thể thị trường bão hòa, lại khó khăn kiếm việc làm. Ngành Hàng không Vũ trụ ít người chọn lại không phổ biến ở Việt Nam nên tuy nhiều thách thức nhưng cũng lắm cơ hội. Không phân tích, định hướng được cho con, ông Ảnh chỉ nói ủng hộ lựa chọn của con. Rồi Đức cũng trúng tuyển vào ngành Công nghệ Hàng không Vũ trụ của Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội và thừa 5 điểm. Con xách ba lô đi học xa nhà lần đầu tiên vợ chồng ông cũng lo lắng nhưng rồi cũng chấp nhận để con có cơ hội trưởng thành. Cũng may, trong suốt quá trình học, Đức luôn phấn đấu nên giành được khá nhiều các loại học bổng, phần thưởng nên gần như vợ chồng ông chỉ hỗ trợ con một phần sinh hoạt phí. Vì ông làm thợ xây còn vợ làm nông nghiệp nên kinh tế gia đình cũng không khá giả. Đến giờ con thông báo sắp tới sẽ đi Mỹ du học ở trường mà ông nghe đến chục lần cũng không nhớ được vì tên tiếng Anh, không liên quan đến gạch, vôi vữa, cát sỏi như nghề thợ xây của ông thì vợ chồng ông một lần nữa lại lo lắng nơi đất khách quê người con xoay xở thế nào. Nhưng cũng hiểu tính con biết lo xa, độc lập, luôn tự thân vận động nên ông Ảnh an tâm phần nào.
Chạm tới ước mơ
Chia sẻ về mình, Đức cho biết em học THPT tại trường THPT Việt Yên 1 của Bắc Giang. Ngày nhỏ Đức rất hứng thú với các chương trình
khoa học
trên ti vi. Do vậy, khi đăng kí nguyện vọng xét tuyển ĐH, ban đầu Đức muốn đăng kí ngành Công nghệ thông tin của ĐH Bách khoa Hà Nội vì thấy ti vi, đài báo nói rằng đó là ngành hot. Nhưng vô tình Đức đọc được thông tin ĐH Quốc gia Hà Nội mở ngành Công nghệ Hàng không Vũ trụ với sự hỗ trợ của Viettel. Đức dành vài ngày để suy nghĩ một cách nghiêm túc về lựa chọn
ngành nghề
sẽ học. Quyết định xong, Đức chia sẻ mong muốn với bố, nêu ra ngành dự định học và phân tích tại sao lại chọn ngành đó với bố. “Cân nhắc nhiều rủi ro nên em không ưu tiên xét tuyển. Ngành Hàng không, dù không mới nhưng chưa được phát triển ở Việt Nam thời điểm đó và cơ hội để em có thể góp phần thúc đẩy sự phát triển của nó trong nước rất cao, rủi ro sẽ đi đôi với cơ hội nếu mình có thể là người dẫn đầu”, Đức nói và ngay từ ngày đó đã lên kế hoạch cố gắng học tập để có thể đi du học với ngành này.
Do yêu thích môn Toán từ hồi cấp 3 nên Đức bắt nhịp các môn học kỹ thuật trên ĐH khá tốt. Trong quá trình học tập, Đức có thói quen tổng hợp kiến thức để ôn tập. Tự nhận không thực sự chăm chỉ, thay vào đó Đức cố gắng phân chia thời gian học tập hợp lý và học vào những thời điểm cần thiết.
Một số thành tích Đức đã đạt được
Tốt nghiệp loại giỏi
với vị trí á khoa điểm trung bình học tập 3.54/4.0. Bảo vệ đồ án tốt nghiệp với điểm cao nhất khoa 9.9/10. Đạt giải thưởng sinh viên 5 tốt cấp trường 2 năm. Học bổng khuyến khích học tập 5 kì. Học bổng Vallet 2 năm. Học bổng tập đoàn Viettel 6 kì. Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường 2 năm.
Đồng thời cho biết bản thân không có sở thích gì đặc biệt, có chăng là hay đắm chìm vào việc nghiên cứu và lập trình để tạo ra công cụ, phần mềm giúp ích trong nghiên cứu của bản thân. Từ năm thứ 2, Đức đã tham gia nghiên cứu cùng các thầy cô trong trường. Lĩnh vực nghiên cứu của Đức liên quan đến động lực học dòng, ví dụ như là nghiên cứu tác động của gió tới 1 căn nhà hay phân tích dòng không khí tác dụng lên bề mặt máy bay khi đang bay. Ở Việt Nam chưa có phòng thí nghiệm thực tế để có thể thực hiện được các nghiên cứu này nên Đức phải tự
xây dựng
1 phần mềm mô phỏng để phân tích các bài toán thực tế trong vấn đề hàng không. Đức tự hào cho biết đồ án tốt nghiệp của em là 1 phần mềm như vậy, độc nhất ở Việt Nam đến thời điểm hiện tại. Đức mất 3 năm để hoàn thành đồ án với tên gọi nghiên cứu và phát triển bộ giải dòng lưu chất không nén cho các biến dạng phức tạp sử dụng phương pháp Lattice Boltzmann.
Hiện tại Đức đã có hoặc đóng góp vào 3 công bố Q1/Q2 trên tạp chí quốc tế uy tín và 2 công bố tại các hội nghị khoa học quốc gia. Ngoài ra em còn một số nghiên cứu vẫn đang trong giai đoạn đánh giá bởi các tạp chí quốc tế trước khi xuất bản.
Nói về
học bổng
đi làm nghiên cứu sinh, Đức cho hay sau khi tốt nghiệp ĐH em dự kiến học thạc sĩ tại Việt Nam để có thêm nhiều kinh nghiệm. Đức mang băn khoăn không biết các giáo sư quốc tế sẽ đánh giá mình như nào hỏi giảng viên hướng dẫn đồ án tốt nghiệp ĐH. Có một vài giáo sư đã động viên em nộp hồ sơ vào chương trình tiến sĩ tại Mỹ. Theo Đức, khi nộp hồ sơ xin học bổng tiến sĩ, tâm lí của em khá thoải mái vì biết mình đang “chơi tất tay” nên nhận được học bổng của 5 trường ĐH tại Mỹ, Đức rất bất ngờ. Các trường trao học bổng cho Đức gồm University of Connecticut, State University of New York at Binghamton, Iowa State University of Science and Technology, University of Texas at Dallas, và North Dakota State University. Cả 5 trường đều là những những trường ĐH có hoạt động nghiên cứu cao (nhóm R1 tại Mỹ) và môi trường học tập chất lượng. Em quyết định chọn trường University of Connecticut (UConn), trường ĐH được xếp hạng là trường đại học công lập tốt nhất của khu vực New England, để làm nghiên cứu sinh và sẽ sang Mỹ nhập học vào tháng 8 tới.
Đức mong muốn được tham gia vào nhiều đề tài, dự án khoa học. Em muốn mang những kiến thức mới, hiện đại này vào công cuộc xây dựng đất nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.