“Giải cứu” Vietnam Airlines: Phương án của Ngân hàng Nhà nước thế nào?

H.Anh Thứ ba, ngày 09/03/2021 17:30 PM (GMT+7)
Theo Dự thảo Thông tư đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến nhằm tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines, tổng số tiền tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay tối đa là 4.000 tỷ đồng, lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm.
Bình luận 0

"Giải cứu" Vietnam Airlines, tổng số tiền tái cấp vốn tối đa là 4.000 tỷ đồng

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Thông tư về tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng sau khi tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay và về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Cụ thể, tổng số tiền tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng tối đa là 4.000 tỷ đồng. Lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm, áp dụng đối với thời hạn tái cấp vốn và thời hạn gia hạn tái cấp vốn.

Lãi suất tái cấp vốn đối với nợ gốc quá hạn bằng 150% lãi suất tái cấp vốn do Ngân hàng Nhà nước công bố trong từng thời kỳ tại thời điểm khoản tái cấp vốn được chuyển quá hạn; không tính lãi đối với nợ lãi quá hạn.

Dự thảo cũng quy định, thời hạn tái cấp vốn theo đề nghị của tổ chức tín dụng, tối đa bằng thời hạn của khoản cho vay của tổ chức tín dụng theo Nghị quyết và không vượt quá 364 ngày. Khoản tái cấp vốn được gia hạn tự động 2 lần tại thời điểm đến hạn đối với dư nợ gốc tái cấp vốn còn lại. Tổng thời gian tái cấp vốn và các lần gia hạn tái cấp vốn không vượt quá 1.092 ngày.

Về tài sản đảm bảo, theo Dự thảo Ngân hàng Nhà nước sẽ tái cấp vốn không có tài sản đảm bảo đối với các tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước giải ngân tái cấp vốn theo đề nghị của tổ chức tín dụng trong phạm vi số tiền tái cấp vốn tối đa là 4.000 tỷ đồng và đảm bảo số dư gốc khoản tái cấp vốn sau khi giải ngân không vượt quá dư nợ gốc khoản vay của tổ chức tín dụng theo Nghị quyết tại thời điểm số liệu tổ chức tín dụng báo cáo trong Giấy đề nghị giải ngân tái cấp vốn. Ngân hàng Nhà nước dừng giải ngân tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng khi đã giải hết số tiền quy định nhưng không muộn hơn ngày 31/12/2021.

“Giải cứu” Vietnam Airlines, Dự thảo do Ngân hàng Nhà nước ban hành có gì đặc biệt? - Ảnh 2.

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Thông tư về tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng sau khi tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay và về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Về việc trả nợ vay tái cấp vốn, Dự thảo đề cập: Tổ chức tín dụng phải trả hết nợ gốc tái cấp vốn cho Ngân hàng Nhà nước khi khoản vay đến hạn. Đến cuối ngày, trường hợp dư nợ gốc khoản vay tái cấp vốn đã giải ngân lớn hơn số dư khoản cho vay của tổ chức tín dụng, trong thời hạn 3 ngày làm việc tiếp theo, tổ chức tín dụng phải chủ động trả nợ khoản vay theo thứ tự từ Khế ước nhận nợ còn dư nợ được ký kết sớm nhất của khoản tái cấp vốn tương ứng với khoản vay của tổ chức tín dụng theo Nghị quyết, đảm bảo dư nợ gốc vay tái cấp vốn bằng số dư khoản cho vay của tổ chức tín dụng theo Nghị quyết tính theo từng khoản.

Quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và trích lập dự phòng rủi ro

Về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và trích lập dự phòng rủi ro. Quy định, tổ chức tín dụng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ trong thời hạn tối đa không quá 3 năm (bao gồm cả thời gian cho vay và cơ cấu lại thời hạn trả nợ) kể từ ngày Quyết định của Thủ tướng về việc Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng sau khi tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay và về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữa nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 có hiệu lực thi hành.

Trường hợp khoản nợ đến hạn trả nợ mà không được tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tổ chức tín dụng thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Đồng thời, tổ chức tín dụng xác định số tiền trích lập dự phòng rủi ro cụ thể phải trích lập theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng và phân bổ số tiền này theo năng lực tài chính trong thời gian tối đa 3 năm kể từ ngày Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành. 

Các tổ chức tín dụng khi có nhu cầu tái cấp vốn, giải ngân tái cấp vốn gửi văn bản đề nghị có xác nhận của Vietnam Airlines theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp của văn bản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem