Thiên Địa hội là cái tên không lạ lẫm đối với nhiều người Việt. Đây là một tổ chức hoạt động bí mật ở Trung Quốc thời kỳ cuối nhà Minh đầu nhà Thanh bên Trung Quốc với tôn chỉ mục đích là tiêu diệt nhà Thanh, khôi phục nhà Minh.
Hoạt động của Thiên Địa hội cho đến nay vẫn còn lưu truyền rất nhiều truyền thuyết. Điều đáng nói là hoạt động của hội Thiên Địa không những rộng khắp Trung Quốc mà còn lan cả ra nước ngoài và hội này từng lập ra 2 quốc gia.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2018/images/2018-02-08/Giai-ma-2-quoc-gia-do-Thien-dia-hoi-lap-ra-o-Indonesia-thien-dia-hoi-1518079760-width640height426.jpg)
Thiên Địa hội khởi nguyên từ Trịnh Chi Long kết đồng minh với 28 người trong Tiểu Đao hội. Sau đó Trịnh Thành Công, con trai Trịnh Chi Long phản Thanh phục Minh, lập Minh Nguyên Đường sáng lập Hồng Môn. Năm Khang Hy 13, sau thất bại của cuộc khởi nghĩa ở Hồng Hoa Đình, Hồng Môn phân tán đến khắp nơi trong toàn quốc, tạo ra 5 tổ đường, danh tiếng và nhân số ngày càng phát triển, liên tục đối địch với triều đình nhà Thanh.
Tổ đường thứ 2 của Hồng Môn chủ yếu phân bố tại Lưỡng Quảng, lại xưng là Tam Hợp hội. Trong lịch sử, người của Tam Hợp hội đã lập ra 2 quốc gia ở bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Một nước tên là Lan Phương cộng hòa quốc, một nước tên là Đới Yên vương quốc.
Nước Cộng hòa Lan Phương do La Phương Bá sáng lập. Ông này là người ở Mai Châu – Quảng Đông, hồi trẻ tuổi nhiều lần tham gia khoa cử nhưng đều bị trượt. Vùng Mai Châu là nơi hoạt động mạnh của Tam Hợp hội, cho nên La Phương Bá và các bạn bè thân đều bí mật gia nhập Tam Hợp hội.
Năm 1773, La Phương Bá và các bạn bè xuống Nam Dương (Indonesia ngày nay) mưu sinh, thành lập ra “Thập bát huynh đệ hội”, sau đó đổi thành “Lan Phương hội”.
Năm 1776, Lan Phương hội đoàn kết được 3 vạn Hoa kiều, đánh bại nhiều tên cướp biển và người Hà Lan. Sau đó 20 vạn dân địa phương quy phụ. La Phương Bá lập ra nước Cộng hòa Lan Phương, bổ nhiệm 12 vị Tổng trưởng, đều là người Hoa. Diện tích đất nước này lên đến 200,000 km2. Bởi vì vốn thuộc Tam Hợp hội cho nên quân đội Lan Phương xưng là Tam Hợp quân. Đến năm 1888, nước Cộng hòa Lan Phương bị quân Hà Lan tiêu diệt.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2018/images/2018-02-08/Giai-ma-2-quoc-gia-do-Thien-dia-hoi-lap-ra-o-Indonesia-doiyen-1518079760-width640height428.jpg)
Ngoài nước Cộng hòa Lan Phương, Đới Yên vương quốc cũng là một nước do Thiên Địa hội lập ra ở nước ngoài. Vương quốc Đới Yên do Ngô Nguyên Thịnh sáng lập. Ngô Nguyên Thịnh cũng người ở Mai Châu – Quảng Đông, là đồng hương với La Phương Bá, từng tham gia khởi sự với Thiên Địa hội tại Quảng Đông. Vì thất bại trong cuộc khởi nghĩa nên phải chạy tới Nam Dương.
Tại Nam Dương, Ngô Nguyên Thịnh cùng La Phương Bá bắt tay sáng lập nước Cộng hòa Lan Phương. Sau đó, La Phương Bá phái Ngô Nguyên Thịnh tới đóng tại phía bắc Vương quốc Đới Yên.
Hồi đó vua nước Đới Yên rất tàn bạo, nên dân tình oán thán căm hận. Năm 1783, Ngô Nguyên Thịnh giết chết vua nước Đới Yên, được dân Đới Yên ủng hộ làm quốc vương. Vương quốc Đới Yên thuộc về phía bắc của Bà La châu. Diện tích lãnh thổ ước chừng 120.000 km2. Đất nước này tồn tại gần 100 năm, có 3 vị quốc vương và 1 nữ vương là Ngô Nguyên Thịnh, vợ Ngô Nguyên Thịnh rồi đến con là Ngô Đức Khuê và cháu là Ngô Quảng Chuẩn.
Vương quốc Đới Yên và Cộng hòa Lan Phương có vận mệnh giống nhau, đều bị người Hà Lan tiêu diệt. Cả hai nước này đều từng nhiều lần cầu nhà Thanh bảo hộ, xin gia nhập Trung Quốc nhưng bị Càn Long cự tuyệt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.