Giải mã ẩn số phi đội PO-6 của Không quân Việt Nam

Chủ nhật, ngày 31/12/2017 18:30 PM (GMT+7)
Phi đội PO-6 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân trang bị các loại máy bay cánh mềm phục vụ nông nghiệp và trinh sát.
Bình luận 0

Cách đây 23 năm, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng đất nước, củng cố nền quốc phòng toàn dân (QPTD) trong tình hình mới, Tổ bay máy bay cánh mềm PO-6, đơn vị tiền thân của Phi đội PO-6 thuộc Ban Giáo dục Quốc phòng - Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ), được thành lập.

Tổ bay có nhiệm vụ huấn luyện chuyển loại phi công, nhân viên bay, nhân viên kỹ thuật, thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng (GDQP) và sẵn sàng nhận các nhiệm vụ trên giao.

Những ngày đầu tiên

Khi mới thành lập, Tổ bay cánh mềm chỉ có 3 phi công và 3 nhân viên kỹ thuật hàng không (KTHK) được điều từ các đơn vị trong Quân chủng về xây dựng đội bay. Tuy còn gặp nhiều khó khăn về lực lượng, cơ sở vật chất, tổ chức biên chế nhưng sau khi tiếp nhận máy bay và khí tài từ Binh chủng Đặc công về, đơn vị đã nhanh chóng ổn định biên chế tổ chức, nơi ăn chốn ở và bắt tay vào chuẩn bị các mặt bảo đảm để tiến hành huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ.

img

Thủy phi cơ CHE-22.

Với quyết tâm cao, trong thời gian ngắn các phi công và nhân viên bay, nhân viên kỹ thuật của đơn vị đã nhanh chóng làm chủ khí tài, tổ chức huấn luyện chuyển loại phi công và nhân viên kỹ thuật đảm bảo sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh.

Đến ngày 19.8.1996, Tư lệnh Quân chủng Không quân ký Quyết định chấn chỉnh lại biên chế tổ chức từ Tổ bay thành Phi đội PO-6. Tháng 9.1998, Phi đội được trang bị thêm 1 máy bay CHE-22.

Có thêm lực lượng và trang bị mới được giao, đơn vị như tiếp thêm sức mạnh, gắng sức huấn luyện đạt nhiều thành tích mới.

“Xuất hành” phun thuốc trừ sâu và trồng rừng

Trong lịch sử hình thành và phát triển của Phi đội, không thể không nhắc đến nhiệm vụ đầu tiên -một nhiệm vụ đặc biệt mà cấp trên tin tưởng giao phó, đó là giúp dân phun thuốc trừ sâu.

Vào tháng 4.1994, nạn dịch châu chấu xuất hiện và lan rộng, tàn phá hoa màu và cây trồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân vùng Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai). Mặc dù vừa thành lập nhưng tổ bay đã nhận nhiệm vụ phối hợp với Viện Kỹ thuật Không quân, bay phun thuốc trừ sâu cho hàng trăm hec-ta hoa màu bị châu chấu phá hoại, góp phần tích cực vào việc bảo vệ mùa màng và ổn định đời sống nhân dân. Đây là nhiệm vụ đầu tiên của đơn vị thực hiện, được ngành nông nghiệp và địa phương đánh giá cao.

Tiếp đó trong 2 năm 1996, 1997, phối hợp với Dự án 327 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị đã tham gia bay gieo hạt trồng rừng tại địa bàn 2 tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang.

Đây là một nhiệm vụ mới mẻ và rất khó khăn do phải hoạt động địa bàn vùng núi hiểm trở, khí hậu diễn biến phức tạp… nhưng với quyết tâm cao, đơn vị đã tổ chức bay hàng chục lần chuyến gieo hạt trên diện tích rộng 1.500 héc-ta.

Bay trinh sát bảo vệ Đại hội Đảng

Do đặc điểm cánh bay PO-6 hoạt động tích cực ở độ cao thấp, cơ động trong phạm vi bán kính hẹp… nên tháng 10.1996, máy bay PO-6 đã tham gia bay diễn tập TKCC TC-96 tại Hòa Lạc với lực lượng Hàng không dân dụng. Qua đó cho thấy máy bay PO-6 rất thích hợp với các nhiệm vụ bay quan sát chỉ thị mục tiêu.

Năm 1996, Phi đội bay PO-6 vinh dự được tham gia nhiệm vụ trực SSCĐ, bay quan sát bảo vệ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII.

img

Thủy phi cơ CHE-22.

Năm 2001, Phi đội được giao nhiệm vụ bay làm mục tiêu cho huấn luyện phòng không đạt kết quả tốt, mở ra một hướng khai thác hiệu quả cho máy bay siêu nhẹ. Ngoài ra đơn vị còn tham gia nhiều hoạt động khác như bay cảm giác cho hàng trăm lần chuyến học viên dự khóa bay; bay biểu diễn ở các hội thao; bay chào mừng thành lập Trường Sĩ quan Không quân Nha Trang….

Từ tháng 6.2010 đến 10.2011, Đội bay đã bay huấn luyện đào tạo phi công diều bay cho Tập đoàn Mai Linh tại thành phố Nha Trang đạt gần 1.000 lần/chuyến, 305 giờ bay cho 10 phi công và nhân viên của Tập đoàn…

Qua 20 năm xây dựng và phát triển, do yêu cầu nhiệm vụ, Phi đội nhiều lần được điều chuyển đi các đơn vị cho đến tháng 8.2009, Phi đội được bàn giao thuộc Ban Giáo dục Quốc phòng, Bộ tham mưu Quân chủng.

Dù biên chế ở đơn vị nào, Phi đội vẫn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Tính đến nay, Phi đội đã tổ chức bay được trên 1.000 ban bay, với gần 4.000 giờ bay đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Hai loại máy bay trang bị cho phi đội gồm PO-6 và CHE-22. Trong đó:

PO-6 là loại máy bay lưỡng dụng siêu nhẹ, trọng lượng 165kg, hoạt động ở độ cao 1.000m, thời gian bay hai giờ, chở được ba người. Nó có thể cất, hạ cánh được trên mặt nước. Mức tiêu thụ nhiên liệu là 22 lít/giờ. Máy bay này do Liên Xô sản xuất.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, PO-6 được bộ đội đặc công sử dụng làm phương tiện bí mật đánh luồn sâu vào các căn cứ của địch ở biên giới, khu vực rừng núi hiểm trở.

Sau giải phóng, PO-6 được chuyển giao cho không quân, được biên chế ba phi công, ba thợ máy để bay huấn luyện và bay trồng rừng, phun thuốc trừ sâu, quay phim, chụp ảnh, nhảy dù, bay kéo cờ, bay đội hình trong các ngày lễ lớn... Ở các nước tiên tiến, loại máy bay này còn được dùng trong các hoạt động du lịch, huấn luyện chim, kiểm tra điện, tìm kiếm cứu nạn...

Còn CHE-22 Korvet là loại thủy phi cơ hạng nhẹ 3 chỗ ngồi do hãng Gidroplane OOO (Nga) sản xuất phục vụ cho hoạt động trinh sát, tìm kiếm cứu nạn. CHE-22 trang bị 2 động cơ cánh quạt Rotax 582 cho tốc độ 159km/h, tầm bay 450km, quãng đường cất cánh trên mặt đất chỉ cần 80m, dưới mặt nước là 90m. Mẫu máy bay này khá giống với thủy phi cơ VNS-41 do Việt Nam sản xuất, hay nói cách khác đây có thể là nguyên mẫu của VNS-41.

PV (Khám Phá)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem