Hoạt động của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa

Thứ bảy, ngày 30/12/2017 10:29 AM (GMT+7)
Khoảng 3 giờ sáng ngày 28.11.2017, theo giờ địa phương, Triều Tiên đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15, có khả năng tiếp cận mục tiêu cách bãi phóng 13.000 km.
Bình luận 0

Nói cách khác, nếu bay theo quỹ đạo tiêu chuẩn, Hwasong-15 đủ sức với tới bất kỳ mục tiêu nào trên lãnh thổ nước Mỹ. Mặc dù những lần phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên gần đây chỉ nhằm mục đích thử nghiệm, nhưng nó vẫn khiến dư luận thế giới hết sức quan tâm bởi nếu thành công như được loan báo thì Triều Tiên sẽ trở thành quốc gia tiếp theo sở hữu trong tay loại vũ khí có sức mạnh hủy diệt.

Hầu hết các loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (Intercontinental Ballistic Missiles - ICBM) được phóng ra từ một thiết bị trên mặt đất, đi vào vùng không gian bên ngoài và cuối cùng bay trở lại bầu khí quyển của Trái đất. Nó nhanh chóng lao thẳng xuống cho đến khi tiếp cận mục tiêu.

Trong buổi phóng thử nghiệm, tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên có thời gian bay trên quỹ đạo ước tính khoảng 54 phút, dài hơn đáng kể so với lần phóng thử nghiệm vào ngày 4.7.2017 (37 phút) và lần phóng thử nghiệm vào ngày 28.7.2017 (47 phút).

img

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Titan II được đặt tại Bảo tàng Tên lửa Titan ở Arizona, Mỹ. Ảnh: Brian Cahn/Zuma/ livescience.com

ICBM có tầm bắn xa hơn 5.500 km, được chế tạo để mang nhiều đầu đạn hạt nhân một lúc. Đây là loại vũ khí chiến lược nguy hiểm bởi khả năng gần như không thể bị đánh chặn sau khi phóng. Mặc dù một số quốc gia như Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, sở hữu ICBM nhưng không quốc gia nào từng sử dụng chúng trong một cuộc tấn công có chủ ý chống lại nước khác.

Theo Philip Coyle – cố vấn khoa học cấp cao của Trung tâm Kiểm soát vũ khí và Không phổ biến Vũ khí, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington, D.C (Mỹ) - các quốc gia tiến hành thử nghiệm ICBM chỉ để thể hiện rằng họ có thể làm được. “Cho đến nay, ICBM chưa bao giờ được dùng trong chiến tranh vì nó có thể gây ra cuộc chiến tranh hạt nhân và tất cả loài người sẽ bị xóa sổ” – ông nói.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, giống như tên gọi, có thể di chuyển từ lục địa này sang lục địa khác. Một khi được phóng lên, ICBM di chuyển theo quỹ đạo hình parabol, giống như một quả bóng chày bay trong không khí. Theo lý thuyết, người ta có thể phóng ICBM ở mọi góc độ.

Ba giai đoạn hoạt động của ICBM

Khi được phóng lên, ICBM bước vào giai đoạn tăng tốc trong khoảng từ 2 – 5 phút cho đến khi bay vào không gian. ICBM có thể chứa tới 3 tầng tên lửa. Mỗi tầng sẽ bị loại bỏ hoặc đẩy ra ngoài ngay sau khi đốt cháy hết nhiên liệu. Nói cách khác, các tầng sẽ lần lượt bị đốt cháy. Tên lửa khi tách tầng trở nên rất nhỏ, bay cực nhanh.

ICBM có thể sử dụng nhiên liệu lỏng hoặc rắn. Các loại nhiên liệu lỏng thường đốt cháy lâu hơn nhiên liệu rắn trong giai đoạn tên lửa tăng tốc. Nhiên liệu rắn cung cấp năng lượng trong khoảng thời gian ngắn hơn và đốt cháy nhanh hơn. Tuy nhiên, nhiên liệu lỏng và rắn có khả năng mang tên lửa đi xa với khoảng cách ngang bằng nhau.

"Hầu hết các quốc gia thường bắt đầu bằng công nghệ nhiên liệu lỏng bởi vì họ hiểu rõ nó. Sau khi thành công, các quốc gia chuyển sang sử dụng nhiên liệu rắn để có thời gian đốt nhanh hơn, tránh được mối nguy hiểm của những chất lỏng dễ cháy và độc hại", Coyle nói.

Ở giai đoạn thứ hai, ICBM bay vào không gian trong khi vẫn tiếp tục duy trì quỹ đạo đường đạn học – quỹ đạo của tên lửa trong giai đoạn này thực chất là theo chế độ bay không điều khiển theo phương trình vật chuyển động tự do trong trường trọng lực. Tên lửa bay trong không gian rất nhanh – có thể đạt vận tốc từ 24.140 đến 27.360 km/h – do không còn phải chịu lực cản của không khí. Một số ICBM được tích hợp công nghệ sử dụng vị trí của các ngôi sao để định hướng tốt hơn tới mục tiêu.

Sang giai đoạn thứ ba, ICBM bay trở lại bầu khí quyển và tiếp cận mục tiêu trong vài phút. Tuy nhiên, nhiệt lượng lớn tạo ra do quá trình ma sát với bầu khí quyển có thể khiến ICBM bị đốt cháy và vỡ ra thành từng mảnh. Để ngăn chặn hiện tượng này, ICBM thường được trang bị một tấm chắn nhiệt thích hợp.

Trong quá trình bay đến mục tiêu, máy tính sẽ giám sát quỹ đạo tên lửa dựa vào tín hiệu truyền qua vệ tinh. Nhờ đó tên lửa có thể điều chỉnh phương hướng sao cho vụ tấn công đạt độ chính xác cao nhất. ICBM cũng gần như không thể bị đánh chặn: giới chuyên gia so sánh việc đánh chặn ICBM cũng giống như dùng một viên đạn để bắn vào một viên đạn khác.

Các đầu đạn thường phát nổ tự động khi chạm mục tiêu hoặc chạm mặt đất để phá hủy một thành phố hoặc tổ hợp quân sự lớn. Một số đầu đạn có thể mang bom xung điện từ (ElectroMagnetic Pulse – EMP) phát nổ trên độ cao hàng chục km, làm phá hủy hệ thống điện cũng như các thiết bị điện tử trên quy mô lớn.

Trong nhiều bộ phim Hollywood, trung tâm chỉ huy có khả năng ra lệnh tự hủy tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sau khi phóng. Tuy nhiên, Mỹ và nhiều quốc gia khác không hề có cơ chế tự hủy như vậy, dù có phóng nhầm đi chăng nữa, John Pike – một chuyên gia an ninh Mỹ – cho biết.

Quốc Hùng (Báo Khoa Học Công Nghệ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem