Giải mã lý do nông dân đổ sữa tươi: Bỏ nuôi bò sữa nhỏ lẻ

Ngọc Lê- Thu Vũ Thứ năm, ngày 29/01/2015 10:32 AM (GMT+7)
Nhằm hạn chế những  rủi ro cho nông dân cũng như hạn chế  việc “nhập nhèm” giữa sữa tươi và sữa hoàn nguyên- nguyên nhân chính cản trở sự phát triển của ngành sữa trong nước, một số ý kiến đề xuất cần thành lập Hội đồng sữa quốc gia để giải quyết vấn đề.
Bình luận 0

Đề xuất thành lập Hội đồng sữa quốc gia

Có nhiều số liệu thống kê khác nhau về đàn bò sữa của nước ta, song số lượng bò tập trung chủ yếu ở một số đơn vị, trong đó lớn nhất là ở trang trại của Tập đoàn TH tại Nghệ An với hơn 40.000 con, cùng đàn bò của Vinamilk, Mộc Châu, Lâm Đồng, Ba Vì và những nơi nhỏ lẻ khác… Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện đàn bò trong nước mới đáp ứng được khoảng 28% nhu cầu tiêu thụ sữa tươi trong nước, nên có thể khẳng định nước ta còn rất nhiều dư địa để phát triển.

img
Việc phát triển hợp lý đàn bò đã giúp sữa tươi Ba Vì (Hà Nội) có nhiều sản phẩm chất lượng cao.  Ảnh: Quang Thiện 
PGS-TS Nguyễn Đăng Vang- Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi trong nước cho biết, hiện nhu cầu tiêu thụ sữa của các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan dao động 60-70 lít sữa tươi cho mỗi người trên một năm. Trong khi với 549 triệu lít sữa như hiện nay của Việt Nam, chia cho 90 triệu người, tức bình quân của chúng ta mới đạt 5 lít sữa/người/năm (bằng 1/10 so với các nước). Do đó, có thể khẳng định, không có chuyện dư thừa nguồn sữa tươi trong nước.

Ngoài ra, để xây dựng một hệ thống chăn nuôi bò sữa đạt chuẩn, doanh nghiệp phải đầu tư một số vốn rất lớn. Hơn nữa, muốn đáp ứng yêu cầu thị trường, các doanh nghiệp trong ngành sữa phải nhập khẩu công nghệ, nguyên liệu, thiết bị từ nước ngoài do kỹ thuật trong nước còn hạn chế ảnh hưởng đến giá thành của sản phẩm, doanh thu của doanh nghiệp. Các công ty sữa phụ thuộc vào sữa bột nhập khẩu hơn là sản xuất sữa tươi trong nước. Sản xuất sữa phải đối mặt với sự mất cân bằng cung và cầu khi đàn bò sữa trong nước chỉ đáp ứng khoảng 20-30% tổng nhu cầu sữa trên toàn quốc. Sự phụ thuộc nhiều vào thị trường nước ngoài đối với nguyên liệu đầu vào tạo ra một nguy cơ chèn ép lợi nhuận do biến động giá của các sản phẩm sữa nhập khẩu. Do đó, theo nhiều chuyên gia, vấn đề này cần giải quyết triệt để.

Còn theo ông Vang, để hạn chế rủi ro cho nông dân, hầu hết các nước đều có Hội đồng sữa quốc gia gồm có 4 nhà: Nhà nước, nhà chế biến, nhà tiêu dùng, nhà sản xuất. Từ đó, để các thành phần này ngồi lại với nhau và phải có quy định về hạn ngạch nhập sữa bột theo hướng anh cứ thu mua được bao nhiêu sữa tươi trong nước, thì cho anh nhập bấy nhiêu sữa bột. Ngoài ra, hội đồng này cũng có nhiệm vụ giám sát, những lúc giá sữa bột rẻ, các doanh nghiệp tập trung mua sữa bột thì quy định ghi rõ nguồn gốc sữa bột được kiểm soát nghiêm ngặt, bắt buộc công bố thông tin nhiều ngày. Khi ghi rõ, với trình độ người tiêu dùng thông minh, doanh nghiệp dùng sữa bột giá rẻ sẽ bị tẩy chay.

Chuyển sang nuôi bò sữa tập trung

Chăn nuôi bò sữa tại nước ta hiện đang tồn tại song song nhiều mô hình, trong đó phổ biến là mô hình chăn nuôi nông hộ, rồi các hộ ký hợp đồng với các nhà máy chế biến sữa để tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, gần đây Việt Nam đã có những mô hình đạt bằng trình độ chăn nuôi tiên tiến nhất của thế giới như TH true Milk với những công nghệ chăn nuôi hiện đại như làm làm nhà bằng mái tôn lạnh, phun sương, tắm mát, nước uống cho bò đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đó là những giải pháp để bò sữa - vốn sinh sống ở vùng đất ôn đới có thể cho sữa đạt năng suất chất lượng tại vùng đất khí hậu nhiệt đới như ở Việt Nam. Ngoài ra, tại TH true Milk đã áp dụng kiểm soát đàn bò bằng chíp dưới sự điều hành của các doanh nghiệp chuyên về thú y hàng đầu thế giới. Thậm chí, tại TH true Milk, bò còn được cho nghe nhạc để kích thích tiết sữa. Những công nghệ như vậy cần khoản đầu tư lớn, nông dân khó có thể tự trang trải.

Đánh giá về mô hình này, PGS-TS Nguyễn Đăng Vang chia sẻ, ông đã từng vào tận trang trại của họ thì thấy, đúng là doanh nghiệp ở đây đã áp dụng công nghệ “siêu cao” của Israel và một số nước khác. Họ chia các khu chuồng, trại rất khoa học, rồi các khu thức ăn, nước uống… của bò hoàn toàn được điều chỉnh bằng hệ thống máy tính tự động. “Mục tiêu của Bộ NNPTNT là đến năm 2020, sản lượng sữa trong nước sẽ đạt 1,1 triệu tấn- tức gấp đôi hiện nay. Nếu chúng ta chỉ nuôi túc tắc từ một vài con lên vài chục con thì rất khó nâng sản lượng sữa lên ngay. Vì vậy, mô hình nuôi tập trung như của TH true Milk là một giải pháp tốt để đẩy nhanh sản lượng sữa tươi trong nước”- ông Vang cho biết thêm.

Khi có Hội đồng sữa quốc gia, 4 nhà sẽ ngồi lại để tính toán chu kỳ thu hoạch sữa cho phù hợp (bò chỉ cho sữa trong 10 tháng; cần tính toán để chu kỳ cạn sữa của bò trong năm rơi vào mùa lạnh). Lúc ấy, lượng sữa mùa đông sẽ giảm; còn nếu dư thừa sẽ cho làm thành sữa bột hoặc phomai.   

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem