Giải mã vụ tráo đổi con chấn động cung đình xưa

Thứ sáu, ngày 10/05/2019 20:33 PM (GMT+7)
Vụ việc bệnh viện Ba Vì trao nhầm con từng khiến dư luận hết sức quan tâm. Thực tế, vụ việc tưởng chừng hy hữu này từng xảy ra không ít trong lịch sử. Thậm chí, ngay chốn hoàng cung thâm nghiêm nhiều khi là nơi việc tráo đổi con dễ xảy ra hơn ở ngoài đời.
Bình luận 0

Những truyền kỳ trong cung đình Trung Quốc

Nói về chuyện cố tình tráo đổi con của người khác trong cung đình, dã sử Trung Quốc có hai câu chuyện điển hình. Một là vụ “Ly miêu hoán thái tử” thời Tống và hai là vụ đánh tráo con trai con gái thời Thanh.

Trong vụ Ly miêu hoán thái tử, dân gian Trung Quốc truyền rằng trong hậu cung của vua Tống Chân Tông thời đó có Lý Thần phi và Lưu Hoàng hậu cùng sinh con một đợt. Lưu Hoàng hậu sinh con gái nhưng chết yểu còn Lý Thần phi sinh con trai. Lưu Hoàng hậu bèn lập mưu cùng hoạn quan tráo con của Lý thần phi bằng một con Ly miêu và nói rằng Lý thị sinh ra yêu nghiệt.

img

 Tranh vẽ dựa trên truyện "Ly miêu hoán thái tử".

Sau đó Lý thị bị đuổi ra khỏi hậu cung và lưu lạc dân gian còn con trai bà sau này được kế vị ngôi vua. Đến cuối đời, Lý thị gặp được Bao Thanh Thiên nên được minh oan và được vua đón vào cung tôn làm Hoàng thái hậu.

Tuy nhiên theo Tống sử thì sự thực khác hẳn. Lý Thần phi vốn là do Lưu Hoàng hậu nhân một lần đi chùa gặp gỡ bèn đưa về hậu cung làm thị nữ. Thời gian đó, Lưu Hoàng hậu mới chỉ là Lưu Mỹ nhân. Tống Chân Tông đang sủng ái bà và muốn lập làm hoàng hậu nhưng quần thần phản đối vì bà xuất thân nghèo khó nên vua chưa có cách gì.

Đúng dịp đó, Lý thị nằm mộng thấy thần nhân báo rằng sẽ sinh long thai kỳ tử. Biết chuyện, vua Chân Tông và Lưu phi bàn nhau lập một kế. Vua cho vời Lý thị vào hầu một đêm. Quả nhiên sau đó Lý thị có thai.

Đến khi Lý thị sinh được hoàng tử, vua bèn tuyên bố là do Lưu phi sinh ra. Nhờ đó Lưu phi về sau được lập làm hoàng hậu. Năm 1022, con của Lý thị kế vị ngôi vua, Lưu hoàng hậu được tôn làm Hoàng thái hậu. Nhưng lúc đó vua vẫn chưa biết rõ mình là con Lý thị. Trong khi đó Lý thị lúc đó cũng đã được thăng lên tước Thuận dung và được điều đến trông nom lăng Vĩnh Định của Tống Chân Tông. Năm 1032 bà Lý thị bệnh nặng, Lưu thái hậu sách phong bà làm Thần phi và đưa Thái y đến cứu chữa nhưng bà không qua khỏi và qua đời ở tuổi 46.

Đến năm 1033, Lưu thái hậu cũng qua đời. Đến lúc đó, Yên vương Triệu Nguyên Nghiễm tiết lộ với vua về thân thế thật của Lý Thần phi và còn thêm bớt rằng Lưu thái hậu đã cướp vua về làm con mình và bỏ rơi Thần phi ở trung cung. Nhà vua xúc động quá độ bèn đến mộ Thần phi khóc lóc thảm thiết. Sau đó truy phong cho bà làm Trang Ý hoàng thái hậu.

Câu chuyện về xuất thân của vua Càn Long lại cũng là một sự tích đánh tráo con rất ly kỳ. Các bộ dã sử, tiểu thuyết và câu chuyện dân gian nói rằng vào ngày 13 tháng 8 năm Khang Hy thứ 50, tức năm 1711, Ung Thân Vương (tức Ung Chính sau này) có thêm một đứa con.

Cùng trong ngày hôm đó, vợ viên quan Trần Thế Quán cũng sinh con. Lúc bấy giờ Vương phi của Ung Chính sinh ra một công chúa còn vợ của Trần Thế Quán thì sinh ra một đứa con trai. Ung Chính nghe nói con trai của Trần Thế Quán sinh cùng ngày với công chúa của mình mới lệnh cho Trần mang con vào vương phủ của mình để xem mặt. Lệnh của vương gia không thể không nghe, Trần Thế Quán không còn cách nào khác đành phải mang con của mình đưa vào vương phủ.

Tuy nhiên, khi đứa bé được trả về cho nhà họ Trần thì ban đầu là con trai giờ lại hóa thành con gái. Trần Thế Quán hiểu rằng nếu nói ra chuyện này thì cả họ có thể bị giết sạch nên đành im lặng, “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Ít lâu sau đó, ông ta chán nản, cáo lão về quê. Đứa con trai nhà họ Trần bị đánh tráo vào phủ Ung Chính sau này chính là Hoàng đế Càn Long.

img

Chân dung hoàng đế Càn Long.

Những truyền kỳ dân gian này nhiều và mạnh đến mức bộ sách “Thanh cung thập tam triều diễn nghĩa” xuất bản năm 1925 của Hứa Tiếu Thiên khi viết về thân thế của vua Càn Long cũng chép thêm: “Càn Long vốn là con trai của Trần Các Lão (tức Trần Thế Quán) ở Hải Ninh, Chiết Giang. Sau bị Ung Chính dùng kế đánh tráo về làm con trai của mình. Càn Long lớn lên, biết được sự thực này từ miệng người vú nuôi của mình. Vì vậy, sau đó Càn Long mới mượn cớ vi hành phía Nam để đi Hải Ninh thăm cha mẹ đẻ của mình. Do vợ chồng Trần Các Lão đã qua đời từ lâu nên Càn Long chỉ còn cách đến trước mộ của hai người, dùng màn vàng che lại rồi làm lễ bái lạy tổ tiên”.

Chuyện tráo con ly kỳ trong cung đình Việt

Khác với Trung Hoa, ở Việt Nam, trong cung đình không có vụ đánh tráo con nào được ghi chép. Thậm chí ngay trong dã sử cũng ít thấy nói đến chuyện đánh tráo con. Tuy nhiên việc đón con người khác để nuôi thì lại là việc thường làm của các ông vua khi rơi vào cảnh hiếm muộn con cái.

Từ thời Lý Nhân Tông, ở tuổi đã khá lớn mà vẫn chưa có con, nhà vua từng ban chiếu cho đón con của các anh em mình vào cung nuôi dưỡng để trong số đó xem ai xuất sắc hơn thì chọn nối ngôi.

Theo sách "Đại Việt sử ký toàn thư", vào mùa đông năm 1117, vua Lý Nhân Tông xuống chiếu rằng: “Trẫm cai trị muôn dân mà lâu không có con, ngôi báu của thiên hạ biết truyền cho ai? Vậy nên trẫm nuôi con trai của các hầu Sùng Hiền, Thành Khánh, Thành Quảng, Thành Chiêu, Thành Hưng, chọn người nào giỏi thì lập làm Thái tử”. Sách lại chép thêm rằng: “Bấy giờ con Sùng Hiền là Dương Hoán mới lên 2 tuổi mà thông minh lanh lợi, vua rất yêu và bèn lập làm Thái tử.

Đến đầu thời Trần, trong lúc triều đình mới xây dựng còn ngổn ngang việc chính sự thì hậu cung lại xảy ra một vụ việc do nguồn cơn từ việc vua chưa có con. Số là vua Trần Thái Tông lấy bà Lý Chiêu Hoàng đã 8 năm mà không có con. Thời phong kiến, con nối dõi là việc rất quan trọng. Người ta quan niệm “bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” nghĩa là việc bất hiếu có ba việc thì không con nối dõi là tội lớn nhất.

img

 Vua Trần Thái Tông. Tranh minh họa.

Bởi vậy ông quan trụ cột triều đình mà cũng là người hai tay tạo nên cư nghiệp nhà Trần là Trần Thủ Độ đã ép vua Trần Thái Tông lấy vợ của anh mình là Trần Liễu. Lúc đó vợ của Trần Liễu đang có bầu và sau này đứa con được sinh ra là Trần Quốc Khang.

Theo sách "Đại Việt sử ký toàn thư", sự việc xảy ra năm 1237. Dưới áp lực của Trần Thủ Độ, vua Trần Thái Tông lấy vợ của anh mình vốn là công chúa Thuận Thiên nhà Lý làm vợ và lập làm hoàng hậu Thuận Thiên. Còn vợ mình là Lý Chiêu Hoàng bị giáng xuống làm Chiêu Thánh công chúa.

Vì sự việc này Trần Liễu phẫn uất nổi binh làm loạn nhưng bị quân triều đình đánh bại. Còn vua Trần Thái Tông vì bị ép làm việc này nên bỏ lên núi Yên Tử định đi tu nhưng về sau Trần Thủ Độ đuổi theo cố sức thuyết phục nên vua lại về. Trần Thái Tông sau khi về triều đã sinh được Trần Hoảng (tức Trần Thánh Tông sau này) cho nên ngôi vua không thuộc về Quốc Khang. Tuy vậy vua Thái Tông vẫn rất yêu quý Quốc Khang và đã phong đến tước Đại vương.

Như vậy, so với cung đình Trung Quốc, việc nuôi con người khác trong cung đình Việt mang ý nghĩa khác hơn nhiều. Nó không thuần túy vì lý do chính trị hoặc lợi ích của một cá nhân như trong các truyện đời Tống, đời Thanh nói ở trên.

Khánh Nam (Kiến Thức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem