Giải mã "vùng tối" Tam quốc diễn nghĩa: Bí mật Trường Bản

Thứ bảy, ngày 13/10/2018 06:33 AM (GMT+7)
Trận chiến Xích Bích là một trong những chiến dịch nổi tiếng nhất trong lịch sử ba nước Ngụy, Thục, Ngô. Đó là trận đánh đã chặn đứng tiến trình thống nhất Trung Quốc của Tào Tháo và đặt nền móng cho việc chia ba thiên hạ của Thục, Ngô sau này.
Bình luận 0

img

Quan Tịnh đuổi theo Triệu Vân trong Tam quốc chí bình thoại

Mặc dù vậy, đối với một chiến dịch quan trọng như thế, Trần Thọ lại mô tả hết sức sơ sài. Lẽ đơn giản, đó là trận đánh mà Tào Tháo thua bại thê thảm, không có gì đáng để Trần Thọ đào sâu, nói kỹ. Tuy nhiên, những tác giả dân gian ủng hộ tập đoàn Lưu Bị đối với trận chiến này lại vô cùng xem trọng. Từ tác giả dân gian trong Tam quốc chí bình thoại cho đến tác giả tiểu thuyết như La Quán Trung đã nối nhau dày công xây dựng, bồi đắp các tình tiết, biến trận đánh này thành một chiến dịch li kỳ hấp dẫn. Trong đó có bao nhiêu phần là thực?

Khoác lác Trường Bản

Chúng ta đều biết sau khi nghe tin Tào Tháo kéo đến, Lưu Bị đã dẫn người của mình rút chạy về phía nam. Mục tiêu của Lưu Bị là tiến chiếm Giang Lăng, một trọng địa về quân sự. Trần Thọ nói rằng “Giang Lăng có quân thực”. Quân thực là ám chỉ những thứ cung cấp cho quân đội, như lương thảo, khí giới. Có điều đoàn quân của Lưu Bị đi rất chậm. Ngoài số người theo đi từ Phàn Thành, còn có số lượng lớn các bộ thuộc của Lưu Tông ở Tương Dương. Trên đường đi lại không ngừng nhận thêm người. Tới gần Đương Dương thì con số ấy đã lên đến hơn mười vạn, mấy ngàn xe truy trọng (xe chở đồ đạc nặng). Đoàn người đông đảo ấy hành quân vô cùng chậm chạp, “ngày đi hơn mười dặm” (khoảng 5km).

Tào Tháo lo Lưu Bị sẽ chiếm được Giang Lăng, liền đem khinh binh đuổi theo, bắt kịp Lưu Bị ở Trường Bản thuộc huyện Đương Dương. Lưu Bị lúc này người đông, quân ít, đã thua trận tan tác. Lưu Bị bỏ vợ con mà chạy. Thế là diễn ra màn Triệu Tử Long một ngựa xông vào vòng vây của tám mươi vạn quân Tào cứu ấu chúa vô cùng đặc sắc.Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa mô tả rằng: “Triệu Vân mình ôm hậu chủ ở trong lòng, xuyên qua vòng vây trùng trùng, chém đổ hai lá cờ lớn, đoạt ba ngọn giáo, thương đâm kiếm chém hết trước lại sau, chém chết hơn năm mươi viên tướng trong doanh Tào”. Tuy nhiên, chiến công bậc nhất này của Triệu Vân chỉ là nói khoác, nhân chính sử ghi chép mà diễn nghĩa thêm ra.

Việc này trong Tam quốc chí, Triệu Vân truyện chỉ nói: “Lúc Tiên chủ bị Tào công truy đuổi ở Đương Dương Trường Bản, bỏ cả vợ con chạy trốn về phía Nam, Vân tự thân bồng ấu chủ, tức hậu chủ, bảo hộ Cam phu nhân, là mẹ hậu chủ, đều thoát được về Nam”. Có điều, chưa chắc Triệu Vân đã anh dũng tới mức một mình cầm Thanh Công kiếm, xông pha giữa trăm vạn quân Tào. Ngay cả Vân biệt truyện là sách viết về nhiều công trạng của Triệu Vân cũng không nói tới chuyện Triệu Tử Long một ngựa cứu chúa.Điển tích đặc sắc đó e rằng chưa bao giờ diễn ra. Thứ nhất, Tào quân ở Đương Dương – Trường Bản chỉ có năm ngàn quân kỵ, không phải tám mươi vạn.Thứ hai, Triệu Vân không phải một ngựa, mà còn hộ vệ Cam phu nhân.Những ngời kể chuyện dân gian đã tưởng tượng ra chuyện một ngựa cứu chúa.

img

Triệu Vân cứu chúa dốc Trường Bản

Ngay từ thời Tống, Tư Mã Quang đã làm thơ ca ngợi chuyện Triệu Vân ở Trường Bản. “Cỏ Đương Dương, cỏ Đương Dương. Đốm đốm quầng quầng như máu nhuộm. Cho hỏi năm xưa có tích gì? Tử Long một trận chém chinh kỳ. Quân tướng Tào Công hồn bay lạc.Đánh tới vòng vây cứu người nhà. Đến nay máu ấy còn vương vất. Chẳng gặp anh hùng, uất hận thay!”. Bình thoại thời Tống-Nguyên cũng đã nói rõ chuyện một ngựa cứu chúa, nhưng cũng chẳng đến nỗi cho Tử Long xông xáo quá mức. Lúc bấy giờ Triệu Vân không chém đến năm mươi viên tướng, mà chỉ bắn chết được một tướng Tào tên là Quan Tịnh.

Đến lúc La Quán Trung chấp bút, tác giả đã phải bịa ra nhiều viên tướng tưởng tượng để cho Triệu Vân chém giết. Bởi vì là tưởng tượng nên dễ dàng tăng quân Tào thành tám mươi vạn, lại bởi vì địch quá đông nên không thể để ai đi cùng Triệu Vân. La Quán Trung đã viết thành: Triệu Vân gặp Cam phu nhân trước, lại cứu Mi Trúc rồi đưa tới cầu Trường Bản. Đoạn rồi, Triệu Vân lại quay lại, gặp Mi phu nhân ôm A Đẩu. Mi phu nhân bị thương ở chân, không chạy xa được nên đã nhảy xuống giếng tự tận.

Mi phu nhân thực sự chết như thế nào, sử sách không chép. Có điều, Nhị chủ phi tử truyện trong Tam quốc chí có nói: “Gặp lúc quân Tào Công đến, đuổi kịp Tiên Chủ ở Đương Dương Trường Bản, trong lúc khốn quẫn, (Hậu – tức Cam phu nhân) bị bỏ lại sau cùng với Hậu Chủ. Nhờ có Triệu Vân bảo vệ mới thoát khỏi nguy nan”.

Điều này cùng với Triệu Vân truyện cho thấy rõ ràng Cam phu nhân đi cùng Hậu chủ, không phải Mi phu nhân. Tam quốc chí bình thoại cũng đã nói rằng Cam phu nhân mới là người bồng A Đẩu và là người bị thương ở bên hông. Vấn đề nằm ở chỗ, xông qua trăm vạn quân Tào không phải chuyện dễ, mang theo Hậu chủ đã là kỳ công, nếu đem thêm cả Cam phu nhân nữa lại là điều không tưởng.

Vì vậy, Tam quốc chí bình thoại đã để Cam phu nhân trao A Đẩu cho Triệu Vân, rồi tới chết dưới bức tường đổ. La Quán Trung phải bám sát chính sử, mới nói Triệu Vân cứu được Cam phu nhân trước, cứu A Đẩu sau. Vấn đề cũng nằm ở chỗ, năm đó A Đẩu còn nhỏ, không thể tự đi, nên La Quán Trung mới để Mi phu nhân bồng. Lại vì không thể để Triệu Vân dẫn cả Mi phu nhân theo để xông qua vòng vây dày đặc (tưởng tượng) của quân địch, nên La Quán Trung mới làm bà bị thương ở chân, mới đẩy bà xuống giếng! Dù là thế nào đi nữa, sự nghiệp anh hùng tô vẽ của Triệu Vân phải được viết bằng máu của một ai đó. Nếu như không phải bằng máu của Cam phu nhân thì là máu của Mi phu nhân. Có điều chỉ là máu giả, tưởng tượng, người bẩn tay chính là La Quán Trung.

Thường bại tướng quân

Triệu Vân được dân gian đánh giá là một trong Ngũ hổ tướng của Thục Hán và thậm chí còn được gọi là Hổ Uy tướng quân, Thường Thắng tướng quân. Tuy nhiên, đối với hành trạng được Trần Thọ ghi chép trong chính văn Tam quốc chí thì lại quá tầm thường, sơ sài. Phần lớn công lao và đức độ của Triệu Vân là nhờ Bùi Tùng Chi chú thích lại từ Vân biệt truyện.Nhưng Vân biệt truyện là tác phẩm thế nào thì hãy còn mờ mịt. Lư Bật cho biết rằng tác phẩm này không hề thấy ghi trong Kinh tịch chí thời Tùy, Đường. Lý Quang Địa đặt nghi vấn rằng: “Mỹ đức của Vân đều thấy trong Biệt truyện, mà bản truyện lược không nói đến, là sao đây?”. Hà Chước cho rằng tác phẩm này là gia truyện (truyện do con cháu viết). Vì thế, những chiến công và mĩ đức của Triệu Vân “sợ là gia truyện giành lấy cái hay thôi”.

Chiến công của Triệu Vân theo như Trần Thọ ghi chép là chẳng đáng kể gì. Triệu Vân theo Lưu Bị, nắm quân kỵ cho Bị từ lúc Lưu Bị còn ở dưới trướng Công Tôn Toản, lúc Toản sai Lưu Bị theo Điền Khải ở Thanh Châu đi chống Viên Thiệu. Cho đến tận chiến dịch Bắc phạt lần thứ nhất của Gia Cát Lượng, Triệu Vân thường có mặt trong những chiến dịch lớn. Nhưng hầu như không có nhiều chiến công của Triệu Vân đáng được ghi chép lại, ngoài chuyện “ẵm A Đẩu, hộ vệ Cam phu nhân” trong trận Đương Dương. Chiến dịch bình Xuyên, Trương Phi, Gia Cát Lượng, Triệu Vân chia ba đường tiến vào. Nhưng rốt cuộc chỉ có Gia Cát Lượng, Trương Phi và Quan Vũ được thưởng, Triệu Vân thì chẳng được gì. Điều đó hàm ý Triệu Vân không có công trạng gì đáng thưởng.Ngược lại, Trương Phi vì nghĩa thả Nghiêm Nhan đã làm thành câu chuyện điển tích trong chiến dịch ấy.

img

Trong phiên bản thời Tống-Nguyên, người ôm A Đẩu và chết dưới bức tường đổ là Cam phu nhân

Ngay cả khi thu nhận cả những chiến công trong Vân biệt truyện, ta vẫn thấy nổi lên một đặc trưng trong chiến tích của Triệu Vân. Những chiến tích ấy hầu hết đều được lập sau khi Triệu Vân đưa cánh quân của mình vào cảnh thất bại. Chẳng hạn, chiến dịch Hán Trung, Triệu Vân đưa quân đi tiếp ứng cho Hoàng Trung cướp lương, giữa đường bị quân Tào tập kích phải rút chạy. Triệu Vân tỏ rõ thần oai đánh khỏi vòng vây, rồi quay lại cứu bộ tướng Trương Trứ, chạy trở về doanh trại cũ, rồi tổ chức phản công. Trận ấy Lưu Bị khen Vân “toàn thân đều là mật”.

Trong quân thì gọi Vân là Hổ Uy tướng quân. Chiến dịch Cơ Cốc, Triệu Vân bị Tào Chân đánh bại phải rút lui, nhưng Vân một mình đi sau đoạn hậu, nên toàn quân mới an toàn rút về. Ngay chính Vân biệt truyện khi tổng kết công lao của Triệu Vân để đặt thụy cũng chỉ nhắc được chuyện “bại trận Đương Dương, nghĩa xuyên vàng đá”. Câu chuyện một ngựa cứu chúa ở Đương Dương được tính là một trong những hào quang hiếm hoi của phe Lưu Bị trong trận thất bại này, nhưng nó chỉ là bịa đặt. Liệu còn có chuyện gì khác nữa mà ta chưa biết?.

Ngô Du (Pháp luật Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem