Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Quý - Trưởng phòng Phòng việc làm - An toàn lao động (Sở LĐTBXH tỉnh Lạng Sơn) - xung quanh vấn đề này. Ông Quý cho biết: “Do nhu cầu sử dụng lao động phía bên Trung Quốc quá lớn nên rất nhiều công dân Lạng Sơn và một số tỉnh lân cận dịch chuyển sang lao động thuê”.
Ông Quý cho biết thêm, người lao động sang Trung Quốc làm thuê chủ yếu là lao động phổ thông, trình độ văn hóa thấp, thiếu hiểu biết pháp luật, tự phát xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, do vậy nhiều trường hợp đã bị Công an Trung Quốc bắt, giam giữ, phạt tiền, bị cải tạo hoặc lao dộng công ích một thời gian rồi bí mật đẩy đuổi qua đường mòn về nước; một số lao động đã bị các đối tượng xấu, tổ chức môi giới, dẫn đường đưa người xuất cảnh trái phép sang biên giới lợi dụng để trục lợi và thực hiện các hoạt động tội phạm khác…
Khi đang nhàn rỗi, rất đông người dân muốn tìm được việc làm. (Trong ảnh: Đông người có mặt tại Phòng Xuất nhập cảnh Công an tỉnh Lạng Sơn). ảnh: Liễu Chang
“Việc người lao động đi làm việc tự thỏa thuận với chủ sử dụng lao động Trung Quốc, không có hợp đồng lao động, không có tổ chức trung gian bảo vệ do đó quyền lợi chính đáng của người lao động không được đảm bảo: chủ sử dụng không trả tiền công hoặc trả tiền công không đúng thỏa thuận hoặc bị chiếm đoạt tiền công bằng nhiều thủ đoạn” - ông Quý nhấn mạnh.
Qua số liệu thống kê từ năm 2011 đến nay, trung bình mỗi năm có khoảng 24.000 lượt người sang Trung Quốc làm thuê. Năm 2016 có khoảng 32.000 người trong đó có gần 100 người bị rủi ro, tai nạn và 9 người bị tử vong. Riêng 2 tháng đầu năm 2017 đã có 15.800 người, trong đó có 8 người bị tai nạn. Đây là những con số thống kê lượt người đi qua cửa khẩu nhưng thực tế con số này lớn hơn rất nhiều do nhiều người vượt đường mòn trái phép qua biên giới.
“Theo ông nguyên nhân nào dẫn tới thực trạng nhiều người dân ở các vùng sâu, vùng xa, khu vực giáp biên vượt biên trái phép?”. Trả lời câu hỏi của NTNN, ông Quý cho biết: “Tình trạng công dân Việt Nam tự do ra nước ngoài, cụ thể ở đây là Trung Quốc làm việc chủ yếu do các nguyên nhân: Thiếu hiểu biết các quy định của pháp luật, bị dụ dỗ lôi kéo với những lời mời hấp dẫn công việc tốt và thu nhập cao; được người thân tại nước ngoài giới thiệu nhưng không thực hiện các thủ tục đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật; một số tổ chức, cá nhân dụ dỗ người lao động đưa ra nước ngoài làm việc trái phép; khâu quản lý xuất nhập cảnh còn nhiều khó khăn tại một số địa phương có cửa khẩu quốc tế, địa hình núi đá hiểm trở khó kiểm soát…
Người dân đi lao động “chui” chủ yếu sống ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, khu vực giáp biên tranh thủ lúc nông nhàn cũng muốn tăng thu nhập cho gia đình. Nhiều trường hợp do ở quá xa cơ quan làm thủ tục thông hành, nhưng lại ngay gần biên nên họ thường đi bộ đường mòn vượt biên trái phép. Điều này gây rất nhiều trở ngại trong công tác quản lý”.
Chia sẻ về giải pháp khắc phục tình trạng này, ông Quý nhấn mạnh: “Để ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành trên địa bàn tòan tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức để người dân nhận thức rõ quy định của pháp luật về lao động, xuất nhập cảnh cũng như những hệ lụy của việc xuất nhập cảnh trái phép; tăng cường công tác giám sát lao động, đồng thời triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đặc biệt là việc làm tại chỗ để ổn định đời sống nhân dân nhất là khu vực giáp biên”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.