Giám đốc Bệnh viện Quân y 110 bị bắt, có thể đối diện khung hình phạt nào?

Quang Minh Thứ hai, ngày 09/05/2022 09:25 AM (GMT+7)
Cơ quan điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng đã khởi tố, bắt tạm giam đối với đại tá Diêm Đăng Thanh, Giám đốc Bệnh viện Quân y và một Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y – Dược ASEAN. Ở góc độ pháp lý, những người vi phạm có thể bị xử lý sao?
Bình luận 0

Vụ án phức tạp, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho hay, trong vụ án nêu trên, cả hai bị can là Giám đốc Bệnh viện Quân y 110 và hiệu trưởng một trường cao đẳng đều bị khởi tố về một tội danh nên sẽ phải đối mặt với trách nhiệm pháp lý như nhau. 

Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ vai trò của từng bị can đối với việc thực hiện hành vi phạm tội để cá biệt hóa vai trò đồng phạm, làm rõ tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và các yếu tố khác có liên quan đến việc quyết định tội danh và hình phạt.

Thông thường đối với những vụ án có liên quan đến việc cấp bằng cấp, chứng chỉ không đúng quy trình, quy định thì sẽ có liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân. Quy trình để cấp ra bằng cấp, chứng chỉ sẽ qua nhiều khâu, nhiều người thực hiện. 

Bởi vậy, trong trường hợp kết quả điều tra cho thấy có nhiều người cùng biết hành vi là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi thì sẽ xác định là vụ án có đồng phạm, tất cả những người tham gia vào các khâu trong quá trình đào tạo, cấp bằng nhận thức được hành vi của mình là sai phạm nhưng vẫn cố ý thực hiện thì sẽ đều bị xử lý với vai trò đồng phạm và thường sẽ được xác định là phạm tội có tổ chức.

Giám đốc Bệnh viện Quân y 110 vừa bị bắt có thể bị xử lý sao? - Ảnh 1.

Đại tá Diêm Đăng Thanh, Giám đốc Bệnh viện Quân y 110, Quân khu 1. Ảnh Đ.X

Theo quy định của pháp luật, hành vi giả mạo trong công tác là hành vi của một người vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, lợi dụng chức vụ, quyền hạn sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu, làm, cấp giấy tờ giả, giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn. Có hai loại giấy tờ, tài liệu giả là giấy tờ tài liệu giả về nội dung và giấy tờ tài liệu giả về hình thức.

Với các giấy tờ tài liệu mà con dấu, chữ ký không phải là con dấu thật, chữ ký thật, giấy tờ không phải là cơ quan có thẩm quyền cấp thì đây là giấy tờ, tài liệu giả (đây là giả về hình thức). Còn những tài liệu giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp nhưng cấp không đúng thủ tục, không đúng thẩm quyền thì cũng là giấy tờ, tài liệu giả (giả về nội dung).

Trường hợp cấp bằng cấp, chứng chỉ trong các cơ sở giáo dục đào tạo nhưng không tổ chức đào tạo, học viên không tham gia đào tạo thì bằng cấp chứng chỉ đó là giả (về mặt nội dung) dù rằng bằng đó vẫn có thể là phôi thật, chữ ký và con dấu thật nhưng không ghi nhận đúng năng lực trình độ của người học.

Ngoài ra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hoạt động đào tạo của trường cao đẳng nêu trên được thực hiện như thế nào, việc cấp bằng có đúng quy định pháp luật hay không. 

Trong trường hợp kết quả điều tra cho thấy trường này đã vi phạm về quy trình đào tạo, không tổ chức đào tạo nhưng vẫn cấp bằng cho các học viên thì hành vi còn có dấu hiệu của tội giả mạo trong công tác, những người cấp bằng không đúng quy định sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giả mạo trong công tác theo quy định tại điều 359 Bộ luật hình sự 2015.

Những người vi phạm đối diện trách nhiệm hình sự

Theo luật sư Cường, cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng cho biết đây là một vụ án phức tạp, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân, bởi vậy cơ quan điều tra đang tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.

Theo quy định của pháp luật, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật hình sự 2015, với khung hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm. Ngoài hình phạt chính là phạt tù tới 15 năm tù, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

"Bởi vậy, trong vụ án trên cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi phạm tội của các bị can là có tổ chức hay không, có phạm tội nhiều lần hay không và thiệt hại gây ra là bao nhiêu để xác định hành vi phạm tội, đồng thời làm cơ sở để xem xét áp dụng mức hình phạt phù hợp với quy định của pháp luật", luật sư Cường nói.

Giám đốc Bệnh viện Quân y 110 vừa bị bắt có thể bị xử lý sao? - Ảnh 3.

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội).

Theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành, hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ mà gây thiệt hại từ 1.000.000.000 đồng trở lên thì mức hình phạt là phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

Trong trường hợp kết quả điều tra cho thấy trường này đã vi phạm về quy trình đào tạo, không tổ chức đào tạo nhưng vẫn cấp bằng cho các học viên thì hành vi còn có dấu hiệu của tội giả mạo trong công tác. Những người cấp bằng không đúng quy định sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giả mạo trong công tác theo quy định tại Điều 359 Bộ luật hình sự, với hình phạt tù thấp nhất là 1 năm, cao nhất là 20 năm tù. 

Người phạm tội người vi phạm còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Nêu quan điểm về vụ việc, bạn đọc Ngọc Thành (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng học giả, thi giả nhưng cấp bằng thật làm giảm sút chất lượng nguồn nhân lực, gây bức xúc trong dư luận. 

Trong vụ việc nêu trên, cơ quan điều tra chắc chắn sẽ làm rõ mối liên quan giữa trường đẳng Y – Dược ASEAN và Bệnh viện Quân y này để xác định hành vi phạm tội của các bị can, đồng thời làm rõ tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, xác định hậu quả mà các bị can đã gây ra đối với xã hội để xử lý theo quy định của pháp luật.

"Tôi cho rằng, ngoài việc phát hiện xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến giáo dục và đào tạo, liên quan đến việc cấp chứng chỉ, bằng cấp trong thời gian qua thì cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là đối với các trường dân lập, tư thục trong quá trình giáo dục đào tạo để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, giảm bớt những hiện tượng tiêu cực, vi phạm pháp luật như đã xảy ra trong thời gian vừa qua ở một số nơi", anh Ngọc Thành chia sẻ.

Trước đó, như Dân Việt đưa tin, ngày 7/5, cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 2 bị can gồm: Đại tá Diêm Đăng Thanh, Giám đốc Bệnh viện Quân Y 110; Ông Ngô Mạnh Trí, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y – Dược ASEAN về tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Khoản 3 Điều 356 Bộ luật hình sự.

Các quyết định tố tụng của cơ quan điều tra đều được Viện Kiểm sát quân sự Trung ương phê chuẩn.

Đây là vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương chỉ đạo các cơ quan tư pháp quân đội tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan, bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, không có vùng cấm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem