Giám đốc Công ty bảo vệ cầm súng dọa bắn người khác, đối mặt với hình phạt nào?
Ngông nghênh cầm súng dọa bắn người khác: Đe dọa giết người giữa đường phố?
Nguyễn Đức
Chủ nhật, ngày 06/09/2020 07:41 AM (GMT+7)
Theo luật sư, trong trường hợp có căn cứ cho thấy người đàn ông cầm súng quân dụng dọa bắn tài xế thì có thể bị khởi tố về tội tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Trước đó, cũng đã có nhiều trường hợp dùng súng đe dọa người khác khi có mâu thuẫn bị cơ quan chức năng xử lý.
Như Dân Việt đã đưa tin, khoảng 13h chiều 5/9/2020, trên mạng xã hội facebook chia sẻ hình ảnh và clip một người đàn ông mặc áo trắng đang cầm một vật giống khẩu súng chĩa vào một thanh niên tại đoạn Cầu Ngà, TP.Bắc Ninh.
Sau đó, Công an tỉnh Bắc Ninh đã xác định người đàn ông cầm súng đe dọa trong clip là Nguyễn Văn Sướng, 52 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Hàm Long, có địa chỉ tại số 15 đường Hai Bà Trưng, phường Suối Hoa, TP.Bắc Ninh.
Cơ quan Công an cũng đã thu giữ 1 khẩu súng là công cụ hỗ trợ, nhãn hiệu RC88, số hiệu 17470285G, 2 viên đạn cao su và 1 viên đạn hơi cay.
Tại cơ quan công an, Sướng khai nhận đã sử dụng khẩu súng trên do mâu thuẫn trong quá trình tham gia giao thông với phương tiện xe tải.
Trước đó, tháng 4/2020 cũng trong một vụ va chạm giao thông, ông Huỳnh Văn Đài (53 tuổi, ngụ huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) đã rút súng bắn bi đe dọa người khác.
Còn vào tháng 10/2019, ông Phạm Hồng Tuyền, Phó công an xã Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) cũng rút súng đe dọa người dân khi xảy ra mâu thuẫn.
Trong một vụ việc khác xảy ra năm 2018, ông Nguyễn Hoàng Năm, chủ hãng nước đá ở Cần Thơ đã phải ra tòa về tội "Đe dọa giết người" sau khi cầm súng nhắm vào người khác và nói "Tụi mày không đi tao bắn".
Trong các vụ việc này, luật sư cho rằng ngoài việc xác định nguồn gốc súng, loại súng, cơ quan chức năng cần làm rõ có hành vi đe dọa giết người hay không.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, hành vi của người đàn ông trong clip ở Bắc Ninh thể hiện tính chất côn đồ, manh động, khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ.
Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân, làm rõ hành vi, hậu quả để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật.
Trong trường hợp công an xác định có căn cứ cho thấy đây là súng quân dụng thì có thể bị khởi tố về tội tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Tội danh này được quy định tại điều 304, Bộ luật hình sự 2015, với mức phạt thấp nhất là 5 năm tù, cao nhất là 15 năm tù.
Còn trường hợp người đàn ông sử dụng trái phép công cụ hỗ trợ thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm. Mức phạt của hành vi này là phạt tiền từ 500.000 đồng đến 40 triệu đồng.
Nếu khẩu súng trong clip đúng là công cụ hỗ trợ và với hành vi sử dụng công cụ hỗ trợ trái quy định nhưng chưa gây hậu quả thì ông Sướng có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm d, khoản 3, điều 10 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP, với mức xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng.
Ngoài ra, luật sư Cường cũng cho hay, mọi người ai cũng hiểu rằng nếu ai đó bắn súng vào người thì người bị bắn hoàn toàn có thể thiệt mạng. Bởi vậy, hành vi dí súng vào người khác đe dọa là hành vi đe dọa giết người.
"Rất may cho người đàn ông trong clip là người bị dọa bắn trong vụ việc không sợ hãi. Nếu rơi vào người khác mà họ sợ hãi, nghĩ rằng việc bắn súng, giết người có thể trở thành sự thật thì người đe dọa uy hiếp người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "đe dọa giết người" theo quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự năm 2015", luật sư Cường nói thêm.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho rằng cơ quan chức năng cần tìm gặp nạn nhân bị đe dọa, để xác định họ có hoảng loạn, lo sợ hay không. Việc thực hiện hành vi cầm súng đe dọa diễn ra cụ thể như thế nào.
"Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm" - luật sư Tuấn Anh cho hay.
Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm cụ thể như sau:
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không thực hiện hoặc thực hiện không kịp thời, đầy đủ quy định về kiểm tra định kỳ các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được trang bị;
b) Vi phạm chế độ bảo quản các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;
c) Cho trẻ em sử dụng các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm;
d) Lưu hành các loại giấy phép về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa không còn giá trị sử dụng.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không kê khai và đăng ký đầy đủ các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ với cơ quan có thẩm quyền;
b) Sử dụng các loại pháo mà không được phép.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;
b) Trao đổi, mua bán, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp, làm hỏng các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa;
c) Không thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền về việc mất các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa;
d) Sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái quy định nhưng chưa gây hậu quả;
đ) Sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;
e) Giao vũ khí, công cụ hỗ trợ cho người không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn sử dụng;
g) Không giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định.
Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 1; Điểm b Khoản 2; Điểm d, đ, g Khoản 3; Điểm a, c, d Khoản 4; Khoản 5; Khoản 6 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm e Khoản 3 Điều này;
c) Tước quyền sử dụng các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa trong thời hạn từ 09 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm a, b, d Khoản 3; Điểm b Khoản 4 Điều này.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thu hồi, hủy bỏ giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.