Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội nói đại biểu hỏi "không sát với Sở", chủ tọa khẳng định "không lạc đề"

Bách Thuận Thứ tư, ngày 05/07/2023 10:19 AM (GMT+7)
Sáng nay (5/7), HĐND TP.Hà Nội đã tiến hành tái chất vấn việc thực hiện các cam kết, lời hứa của các thành viên UBND thành phố và lãnh đạo các cơ quan liên quan về một số nội dung, vấn đề đến hạn giải quyết nhưng thực hiện còn chậm, chưa hiệu quả.
Bình luận 0

Còn gặp khó khăn về cơ chế chính sách

Cụ thể, đại biểu Trịnh Xuân Quang – tổ đại biểu quận Thanh Xuân chất vấn, dự án cải thiện hệ thống tiêu nước chống ngập khu vực phía Tây TP.Hà Nội, trạm bơm Yên Nghĩa, UBND TP.Hà Nội có cam kết đến hết 2022 sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng 100% để đầu năm 2023 sẽ tiếp tục triển khai phần còn lại của dự án; tháng 6/2023 sẽ hoàn thành dự án. Thường trực Thành ủy đã kiểm tra và kết luận nội dung này. Qua theo dõi, UBND TP.Hà Nội cũng đã có những chỉ đạo rất sát sao, Sở NN&PTNT và UBND quận Hà Đông rất nỗ lực tập trung giải quyết, tuy nhiên đến nay công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thành, dự án chưa được tiếp tục triển khai. Đề nghị UBND quận Hà Đông trả lời về những vấn đề liên quan.

Trả lời chất vấn của đại biểu Trịnh Xuân Quang, bà Cấn Thị Việt Hà – Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết, liên quan đến dự án, diện tích cần giải phóng mặt bằng là 30,7 hécta, tuy nhiên sau rà soát, diện tích là 29,15 hécta. Đến nay, quận Hà Đông đã giải phóng mặt bằng được 28,45 hécta, đạt 97,59%, UBND quận đã bàn giao cho chủ đầu tư 26,32 hécta.

Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội nói đại biểu hỏi "không sát với Sở", chủ tọa khẳng định "không lạc đề" - Ảnh 1.

Bà Cấn Thị Việt Hà cho biết, quá trình triển khai giải phóng mặt bằng liên quan dự án đã gặp một số vấn đề khó khăn về cơ chế, chính sách. Ảnh: BT

Theo Chủ tịch UBND quận Hà Đông, quá trình triển khai công tác giải phóng mặt bằng cũng gặp khó khăn về cơ chế, chính sách vì dự án trải qua nhiều giai đoạn. Hiện nay cơ chế, chính sách đã được thành phố tháo gỡ, UBND quận Hà Đông đang xây dựng quy trình bổ sung phần giải phóng mặt bằng.

Theo đó, tháng 6 đã xây dựng quy chế bốc thăm với 43 hộ được tái định cư tại khu B Yên Nghĩa, với 122 trường hợp không đủ điều kiện tái định cư, tuy nhiên theo quy định thì người dân được mua một căn hộ chung cư, quận Hà Đông đang xây dựng phương án.

Vị lãnh đạo UBND quận Hà Đông cho biết, xác định đây là dự án trọng điểm của thành phố, quận Hà Đông cố gắng đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành giải phóng mặt bằng trong năm 2023.

Đại biểu hỏi "không lạc đề"

Ở một diễn biến khác, đại biểu Đoàn Việt Cường cho biết, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 66, khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện và giải ngân đầu tư công, đồng thời cũng ban hành các kế hoạch giải ngân đầu tư công từng quý, chỉ đạo đẩy mạnh kế hoạch giải ngân đầu tư công của từng đơn vị, từng dự án.

Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội nói đại biểu hỏi "không sát với Sở", chủ tọa khẳng định "không lạc đề" - Ảnh 2.

Đại biểu Đoàn Việt Cường đặt câu hỏi liên quan vấn đề khảo sát, lập dự án. Ảnh: BT

Mặc dù vậy, đến nay việc giải ngân chậm, vướng mắc ở đây ngoài công tác giải phóng mặt bằng, qua theo dõi các dự án đầu tư công, một số chủ đầu tư có báo cáo liên quan việc khảo sát chưa kỹ, dẫn đến bổ sung khối lượng, đội vốn. Đại biểu đề nghị UBND TP.Hà Nội cho biết giải pháp nâng cao chất lượng khảo sát, lập dự án; các dự án không hoàn thành tiến độ, điều chỉnh dự án nhiều lần, quan điểm của UBND thành phố như thế nào?

Với câu hỏi này, Chủ tọa phiên chất vấn đã mời Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội Lê Anh Quân trả lời.

Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội nói đại biểu hỏi "không sát với Sở", chủ tọa khẳng định "không lạc đề" - Ảnh 3.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội trả lời chất vấn tại phiên chất vấn. Ảnh: BT

Trả lời chất vấn của đại biểu, vị lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội cho biết, câu hỏi của đại biểu "chúng tôi thấy cũng không sát lắm với Sở Kế hoạch và Đầu tư" nhưng ông vẫn trả lời.

Theo ông Quân, 6 tháng đầu năm, Sở này đã tham mưu cho thành phố có kế hoạch giải ngân theo từng quý, đến từng dự án, đến từng chủ đầu tư. Đã giải ngân được 33,9% kế hoạch đầu tư công, nếu so với trung bình chung của cả nước là cao hơn.

Liên quan các dự án phải điều chỉnh nhiều lần, có phát sinh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội cho biết, thời gian vừa qua có một số vấn đề, giá cả vật tư, vật liệu biến động, giá cả lạm phát dẫn đến nhiều tổng mức đầu tư phải điều chỉnh, ông cho rằng là chuyện rất bình thường.

Về việc chủ đầu tư tiến hành khảo sát, người đứng đầu Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội nhìn nhận đó là trách nhiệm chính của chủ đầu tư trong quản lý chất lượng. Với những dự án điều chỉnh nhiều lần, đội vốn mà không hiệu quả, ông Quân đề nghị xem xét cho dừng.

Kết thúc phần trả lời của ông quân, Chủ tọa kỳ họp đánh giá, việc đại biểu nêu vấn đề như trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội trả lời là phù hợp, không lạc đề.

"Tất nhiên quá trình đầu tư công liên quan nhiều đơn vị, nhiều ngành, nhiều địa phương, mình là tư lệnh, cơ quan tham mưu thì đại biểu nêu là phù hợp" – Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem