Vừa qua, người dân miền Trung đã chịu thiệt hại nặng nề bởi trận lũ lụt lịch sử, mùa màng thất bát, nhiều nông dân trắng tay. Ngành ngân hàng có động thái nào để hỗ trợ cho nông dân miền Trung, thưa ông?
- Ngay ngày 18.10.2016, Thống đốc NHNN Việt Nam đã có Văn bản số 7921/NHNN-TD chỉ đạo các NHTM, Ngân hàng Chính sách xã hội và NHNN chi nhánh các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên- Huế nhanh chóng triển khai công tác hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do mưa lũ.
Lãnh đạo NHNN trao tặng tặng 10 tỷ đồng cho Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương. Ảnh: SBV
“Ngay sau khi có thông tin về trận lũ lụt lịch sử ở miền Trung, ngân hàng đã bám sát định hướng chỉ đạo điều hành của Chính phủ và NHNN, chỉ đạo toàn hệ thống hỗ trợ lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 5,5%/năm đối với ngư dân, hộ sản xuất, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão lũ tại các tỉnh miền Trung, giúp doanh nghiệp và người dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống”.
Ông Lê Đức Thọ -
Tổng Giám đốc VietinBank
|
Cùng với đó, NHNN đã gửi ngay văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn, các giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tiếp cận ngay đối với bà con vùng lũ, xác định các thiệt hại.
Trước mắt, các ngân hàng sẽ cho khoanh nợ, giãn nợ ngay những khoản vay bị bão lũ gây thiệt hại. Sau đó, chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của các khách hàng đang vay vốn và căn cứ vào khả năng trả nợ của khách hàng để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, cho vay mới để khách hàng tiếp tục duy trì và ổn định sản xuất.
Thưa ông, chỉ đạo của Thống đốc đã được triển khai quyết liệt tại các tổ chức tín dụng chưa, việc hỗ trợ nông dân thiệt hại do lũ hay thảm họa thiên tai từ trước tới nay được thực hiện thế nào?
- Với cơ chế vay hiện nay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9.6.2015 của Chính phủ, đã có những quy định rất rõ ràng đối với các khoản vay bị thiệt hại nặng, giảm lãi, miễn lãi, cơ cấu lại nợ. Ngành ngân hàng cùng với các cấp chính quyền địa phương đã phối hợp, xác định một cách cụ thể những thiệt hại lớn mà bà con không thể khắc phục được nhằm xem xét cho miễn, xóa nợ.
Trên cơ sở xác định số lượng cụ thể, các địa phương báo cáo NHNN và Bộ Tài chính trình Thủ tướng nhằm thực hiện việc xóa nợ và việc cho vay lại tiếp tục khắc phục ngay hậu quả của bão lũ.
Thực tế, ngành ngân hàng chúng tôi đã cử các đoàn cán bộ lãnh đạo của các ngân hàng thương mại, trước hết là Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội vào trực tiếp các tỉnh để xử lý những khó khăn, vướng mắc trong vấn đề hỗ trợ cho bà con để tái cơ cấu nợ, khoanh nợ, giãn nợ, những vấn đề về lãi suất… đồng thời có ngay những khoản hỗ trợ để giúp cho những người chịu thiệt hại, đang chịu nhiều thiệt hại.
Phóng viên NTNN ghi nhận, trong đợt lũ lịch sử ngày 14-15.10 vừa qua, có những nông – ngư dân vùng biển vừa bị ảnh hưởng bởi sự cố Formosa lại bị lũ gây thiệt hại thêm. Với đối tượng này, NHNN có chính sách đặc biệt nào để hỗ trợ bởi thiệt hại kép này?
- Về sự cố môi trường biển ở miền Trung, NHNN đã kịp thời có các văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng và NHNN chi nhánh 4 tỉnh có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bị thiệt hại do sự cố Formosa xả thải tại 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế). Theo đó, NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại phải kịp thời thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay; đồng thời tiếp tục xem xét cho vay mới giúp khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất theo quy định tại Nghị định 55 của Chính phủ.
Tính đến ngày 30.9.2016, các ngân hàng đã hỗ trợ ngư dân khắc phục thiệt hại với tổng số tiền cho vay mới 339,3 tỷ đồng cho 4.113 lượt khách hàng; dư nợ được cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ là 118,9 tỷ đồng cho 1.501 khách hàng và dư nợ được miễn, giảm lãi là 897,2 tỷ đồng cho 570 khách hàng (số tiền lãi được miễn, giảm là 2,73 tỷ đồng) và đang đề nghị khoanh nợ số tiền 891 triệu đồng cho 44 khách hàng.
Ngoài ra, 4 Ngân hàng Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV đã triển khai việc cho vay thu mua, tạm trữ hải sản trên địa bàn 4 tỉnh miền Trung. Tính đến ngày 5.7.2016 (thời điểm kết thúc chương trình), các ngân hàng đã cho vay 208,93 tỷ đồng để thu mua 7.302 tấn hải sản (trong đó Vietinbank cho vay nhiều nhất là 101,26 tỷ đồng để thu mua 1.419 tấn hải sản).
Ngoài việc triển khai chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, các ngân hàng thương mại Nhà nước chủ động xây dựng các chính sách hỗ trợ riêng như Agribank triển khai gói tín dụng 500 tỷ đồng, BIDV triển khai gói tín dụng 1.500 tỷ đồng với lãi suất cho vay 6-8%/năm, Vietinbank triển khai gói tín dụng 2.000 tỷ đồng với lãi suất 6-7%/năm; Ngân hàng Chính sách triển khai gói tín dụng 125 tỷ đồng…
Ngoài động thái trên, phía ngân hàng còn có những giải pháp gì để hỗ trợ cho nông dân sản xuất, thưa ông?
- Đối với công tác an sinh xã hội, hiện nay, toàn ngành ngân hàng đã phát động phong trào “Tất cả vì đồng bào miền Trung yêu thương”. Toàn thể cán bộ, nhân viên ngành ngân hàng đã đóng góp đồng lương của mình và ước tính sẽ quyên góp được khoảng 5 tỷ đồng để ủng hộ cho đồng bào miền Trung.
Theo thống kê nhanh, các ngân hàng thương mại đã quyên góp được trên 5 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bằng nhiều hình thức tiền mặt hoặc hiện vật đã chuyển vào miền Trung. Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cũng đã và đang chủ động có những nghĩa cử cao đẹp, nhiều ngân hàng phối hợp với cơ quan báo chí thực hiện cứu trợ đồng bào miền Trung để thể hiện trách nhiệm cộng đồng lớn đối với miền Trung ruột thịt.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.