Người có công chiếm 1,2% tổng số hộ nghèo
Theo Bộ LĐTBXH, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ mức 58% năm 1993 xuống còn 5,23% vào năm 2018. Tuy nhiên vẫn còn không ít hộ nghèo “bền vững”, rất khó vươn lên thay đổi cuộc sống, trong đó có không ít các hộ thuộc diện đối tượng chính sách. Đến cuối năm 2018, cả nước còn trên 16.000 hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách NCC (chiếm khoảng 1,2% so với tổng số hộ nghèo trong cả nước). Đây thực sự là điều trăn trở khi mà chủ trương của Đảng và Nhà nước là không để NCC sống dưới mức sàn an sinh xã hội.
Bà Hồ Thị Châu Loan - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An cho biết, Nghệ An là 1 trong 2 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo là NCC cao nhất cả nước (sau Quảng Bình). Hiện toàn tỉnh có 712.000 đối tượng NCC, trong đó có 1.026 hộ gia đình nghèo có NCC (chiếm 1,98% số hộ nghèo toàn tỉnh).
Bà Loan chia sẻ, sở dĩ tỷ lệ hộ nghèo NCC ở tỉnh này cao là bởi tỷ lệ hộ nghèo nói chung ở tỉnh này cũng cao hơn so với mặt bằng chung cả nước. “Về nguyên nhân, ngoài yếu tố khách quan như thiếu tư liệu sản xuất, vốn vay, NCC đã cao tuổi, mất sức lao động… thì một bộ phận thân nhân của NCC thuộc diện hộ nghèo còn chưa nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Chính quyền địa phương nhiều nơi còn chưa chủ động, quyết liệt trong việc tìm giải pháp hỗ trợ đối tượng NCC thoát nghèo” - bà Loan nhận định.
Ông Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thăm hỏi, tặng quà cho đối tượng người có công thuộc diện hộ nghèo tại huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. (ảnh: Minh Nguyệt)
Theo bà Loan, hiện nay công tác điều tra, rà soát NCC thuộc diện hộ nghèo cũng chưa đồng bộ, còn tình trạng mỗi nơi một cách thống kê. Có nơi chỉ thống kê NCC thuộc diện trợ cấp hàng tháng (thương binh, bệnh binh, người hoạt động cách mạng trước 1945), có nơi lại thống kê tới 12 loại đối tượng NCC (người hưởng trợ cấp hàng tháng và đối tượng hưởng trợ cấp 1 lần) vì thế kết quả chưa chính xác. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới việc hoạch định các chế độ chính sách giảm nghèo cho nhóm đối tượng này chưa phù hợp.
Mặc dù tổng số NCC thuộc dạng hộ nghèo thấp hơn Nghệ An, nhưng Yên Bái lại là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo là NCC cao hơn với tỷ lệ đạt 2,2%. Ông Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, đến đầu năm 2019, tỉnh đang quản lý 68.409 hồ sơ NCC. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 17,68% với tổng số 37.634 hộ nghèo. Trong đó, có 836 hộ nghèo có thành viên thuộc diện chính sách ưu đãi NCC, chiếm tỷ lệ 2,22% trong tổng số hộ nghèo của tỉnh.
Ông Tiến cho hay, phần lớn các thành viên là đối tượng chính sách NCC thuộc các hộ nghèo hiện nay là những người tham gia hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế chỉ hưởng trợ cấp một lần và được hưởng các ưu đãi về bảo hiểm y tế (không phải là đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng).
“Nguyên nhân tỷ lệ hộ nghèo diện NCC còn cao chủ yếu là do thiếu kinh nghiệm làm ăn, thiếu sức lao động, thiếu tư liệu sản xuất, thiếu việc làm thường xuyên dẫn đến thu nhập thấp và không ổn định. Một số thành viên trong các hộ nghèo NCC tuy ở trong độ tuổi lao động nhưng chưa nỗ lực cố gắng vươn lên, chưa tích cực tham gia học nghề, hoặc sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ không hiệu quả nên chưa thoát nghèo” - ông Tiến nói.
Giải pháp giảm nghèo cần sát hơn
Ông Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, nghị quyết của Quốc hội đặt mục tiêu đến hết năm 2020 cả nước không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách NCC. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này là điều không hề đơn giản. Theo ông Dũng, cần phải đề xuất các giải pháp phù hợp với tình hình đặc điểm thực tế của các hộ nhằm đảm bảo đời sống của NCC thuộc hộ nghèo từng bước được nâng lên, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, không để hộ NCC nào sống dưới mức sống trung bình của cả nước.
Ông Ngô Trường Thi - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo đánh giá: Hiện còn nhiều tỉnh chưa có giải pháp căn cơ để giảm nghèo cho NCC thuộc diện hộ nghèo, do số lượng hộ nghèo thuộc chính sách khá lớn (như Nghệ An, Quảng Bình là hơn 1.000 hộ) so với tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh. Mặt khác, đa phần NCC thuộc hộ nghèo là người không được hưởng trợ cấp hàng tháng, bản thân họ lại là người cao tuổi, hoặc có nhiều nhân khẩu ăn theo, không có lao động hoặc bệnh tật… |
Về phía các địa phương, ông Tiến cho biết: “Bộ LĐTBXH sẽ phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù đối với nhóm hộ nghèo có thành viên là đối tượng NCC. Cụ thể là hỗ trợ vay vốn; hỗ trợ đất sản xuất, phương tiện sản xuất và các tư liệu sản xuất khác; hỗ trợ học nghề, việc làm, xuất khẩu lao động… tạo động lực mạnh mẽ để giúp họ có điều kiện tốt hơn vươn lên thoát nghèo. Như tỉnh Yên Bái đã đề ra mục tiêu tập trung các nguồn lực để hỗ trợ cho toàn bộ 836 hộ nghèo có thành viên là NCC trên địa bàn tỉnh thoát nghèo trong năm 2019”.
Bà Đỗ Thị Hồng Hà - Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐTBXH) đề xuất: Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của NCC và con em họ về giải quyết việc làm, chủ động tìm kiếm, tự tạo việc làm cho bản thân và thu hút lao động vào làm việc để tăng thu nhập; Hỗ trợ ưu tiên cho hộ nghèo có NCC thông qua chương trình giảm nghèo như chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ưu tiên trong vay vốn... Bên cạnh đó, hỗ trợ tạo việc làm, học nghề, vay vốn cho con em của NCC thuộc diện hộ nghèo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.