Giảm nghèo hướng tới bao trùm toàn diện

Minh Nguyệt Chủ nhật, ngày 14/06/2020 16:59 PM (GMT+7)
Một trong những vấn đề được đặt ra trong giảm nghèo giai đoạn mới là giảm nghèo phải tiệm cận với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt nó phải thể hiện được tính bao phủ, toàn diện, qua đó nâng cao đời sống của hộ nghèo.
Bình luận 0
Giảm nghèo hướng tới bao trùm toàn diện  - Ảnh 1.

Ông Tô Đức - Chánh Văn phòng quốc gia giảm nghèo, Bộ LĐTBXH.

Về vấn đề này, phóng viên Báo NTNN đã phỏng vấn với ông Tô Đức (ảnh) - Chánh Văn phòng quốc gia giảm nghèo, Bộ LĐTBXH.

- Kết thúc giai đoạn giảm nghèo 2015-2020 tỷ lệ nghèo, cận nghèo cả nước đã giảm từ 15,1% (năm 2015) xuống còn 8% (năm 2019), năm 2020 dự kiến là 7%, bình quân giảm 1,53%/năm, đạt vượt so với mục tiêu đề ra là 1-1,5%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo thiếu hụt đa chiều có xu hướng giảm mạnh hơn trong tổng số tỷ lệ hộ nghèo chung, từ 24,4% (năm 2015) xuống còn 6,83% (năm 2019). 

Số lượng hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản được giảm mạnh sau 4 năm (đặc biệt là số lượng hộ nghèo thiếu hụt chỉ số nhà tiêu hợp vệ sinh, chỉ số nước hợp vệ sinh, chỉ số chất lượng nhà ở giảm từ 40-50%).

Ông có thể nói rõ hơn những tồn tại của công tác giảm nghèo giai đoạn 2015-2020?

- Bên cạnh những thành tựu, công tác giảm nghèo cũng đang đối diện với những khó khăn. Mức nghèo thu nhập mới đạt bằng 70% mức sống năm 2015. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, mức sống tối thiểu của chúng ta năm 2020 đã rất khác, vì thế nếu vẫn áp dụng chuẩn nghèo thu nhập theo mức sống tối thiểu năm 2015 thì không còn phù hợp cho giai đoạn hiện nay và không thể áp dụng giai đoạn tới.

Thêm vào đó, một số nhu cầu cho hộ nghèo chưa được nhận diện, chưa được xác định. Chiều việc làm là chiều rất quan trọng đảm bảo người dân có thu nhập, tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, thoát nghèo, nhưng ta chưa nhận diện được trong giai đoạn cũ.

Chúng ta cũng chưa đo lường được tiêu chí chất lượng dinh dưỡng của người nghèo. Một số chỉ số về nước sạch, giáo dục… chưa được cụ thể.

Bên cạnh đó, chưa đưa ra được các biện pháp hỗ trợ thoát nghèo cho nhóm nghèo kinh niên, là nghèo bảo trợ. Việc tách biệt đối tượng nghèo, như nghèo thu nhập, nghèo đa chiều khiến cho việc xác định nguyên nhân nghèo không chính xác. Điều này gây khó khăn cho hoạch định chính sách.

Giảm nghèo hướng tới bao trùm toàn diện  - Ảnh 1.

Hướng dẫn người dân trồng rau ở huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Ảnh Q.T.V

Vậy giai đoạn tới cần phải điều chỉnh như thế nào với những chính sách giảm nghèo, thưa ông?

- Thời gian tới chính sách giảm nghèo sẽ có những điều chỉnh chủ yếu: Xác định mức sống tối thiểu của giai đoạn tới, tiến tới nâng chuẩn nghèo thu nhập bằng mức sống tối thiểu. Đây là mục tiêu chúng ta đã phấn đấu từ năm 1993 tới nay. Về vấn đề này chúng ta đang dự kiến điều chỉnh lên mức 2 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị và 1 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn.

Thứ hai, điều chỉnh thêm chiều thiếu hụt việc làm cùng với 5 chiều dịch vụ xã hội cơ bản cũ. Đồng thời chúng ta sẽ thay thế một số các chỉ số cơ bản theo hướng chính xác, cụ thể, có thể đo đếm được.

Xin cảm ơn ông!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem