Giảm nghèo ở vùng cao: Cần hướng đi đúng và trúng

Trần Quang Thứ bảy, ngày 17/03/2018 19:00 PM (GMT+7)
Giảm nghèo, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, để công cuộc giảm nghèo bền vững và đạt được những kết quả tích cực hơn thì cần có hướng đi đúng và trúng. NTNN/Dân Việt đăng tải loạt bài về chủ đề này.
Bình luận 0

Bài 1: Nghèo...kinh niên

Trong những năm qua, Nhà nước đã đầu tư ngân sách rất lớn từ các chương trình mục tiêu quốc gia cho các địa phương vùng cao nhằm phát triển mọi mặt kinh tế, xã hội và đặc biệt là giúp bà con vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ hộ nghèo ở các địa phương này vẫn còn cao, nhiều vùng tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 50%, tình trạng thiếu đói, đứt bữa vẫn tiếp diễn thường xuyên.

Không biết nghèo từ bao giờ

img

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng (trái) động viên vợ chồng anh Hoàng Văn Hoạt trong chuyến thăm, tặng quà các hộ nghèo tại xã Vị Quang, huyện Thông Nông (Cao Bằng) vào đầu năm 2018. Ảnh: Trần Quang

"Năm nào không mượn được đất thì vợ chồng lại đi làm nương thuê cho người ta, dù biết giá thuê thấp, chỉ có 60.000 đồng/ngày nhưng công việc cũng không đều, có tháng làm vài buổi, có tháng không, nên chủ yếu vẫn phải trông chờ vào các khoản hỗ trợ, cứu đói từ Nhà nước".

Anh Thào A Chớ

Thông Nông (Cao Bằng) là một  trong những huyện vùng biên nghèo nhất cả nước. Huyện có 11 xã, thị trấn, trong đó có 3 xã biên giới, hơn 90% dân số sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Theo tiêu chí nghèo đa chiều, đầu năm 2016, toàn huyện có 61% hộ nghèo, trên 10% hộ cận nghèo.

Đến thăm gia đình anh Hoàng Văn Hoạt ở xã Vị Quang, huyện Thông Nông vào những ngày đầu năm 2018, chúng tôi được anh tiếp đón bằng chai rượu ngô. Anh Hoạt bảo: "Mùa đông trên này lạnh lắm, chỉ có rượu và bếp củi mới sưởi ấm được người thôi".

Trong nhà sàn lụp xụp, cũ kỹ của gia đình anh Hoạt không có gì đáng giá ngoài những miếng thịt lợn đang treo trên gác bếp. Trò chuyện bên bếp lửa trong căn nhà cũ, anh Hoạt bảo: "Chật vật nuôi cả năm mới được mấy con lợn, vừa rồi nhà có tang mới dám mổ làm lễ, đến giờ còn thừa lại ít treo lên để ăn dần chứ thực tình gia đình nghèo lắm, quanh năm trồng ngô, lúa nhưng vẫn không đủ ăn".

"Chả biết nghèo từ bao giờ, chỉ biết từ ngày ở với bố mẹ đến khi lấy vợ ra ở riêng đến giờ vẫn nghèo" - vừa tiếp củi vào bếp anh Hoạt vừa nói.

Cùng huyện với gia đình anh Hoạt, gia đình bà Lân Thị Vân (60 tuổi) ở xã biên giới Cần Yên - một trong những xã nghèo nhất của cả nước - cũng đang ở tình trạng nghèo kinh niên. Để vào được nhà bà, chúng tôi phải leo đồi đường đất rất vất vả, nhiều đoạn đường trơn có nhiều hố, hốc.

Khi được hỏi về thu nhập của gia đình, bà Vân chỉ các bao ngô đầy các bắp kẹ ở xó nhà bảo: "Cả nhà chỉ có từng này ngô thôi à, đất ít nên không trồng được nhiều nên năm nào nhà nước cũng phải hỗ trợ mới đủ ăn".

Thiếu đói quanh năm

img

Bà Lân Thị Vân ( xã Cẩn Yên, huyện Thông Nông, Cao Bằng) bên các bao ngô nhỏ còn sót lại sau vụ năm 2017 vừa qua của gia đình. Ảnh: Trần Quang

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 có tổng mức vốn thực hiện từ ngân sách nhà nước tối thiểu là gần 46.000 tỷ đồng. Ngoài ra, huy động nguồn viện trợ nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác khoảng 2.000 tỷ đồng. Chương trình dự kiến sẽ gồm 5 dự án thành phần, trong đó bao gồm nhiều tiểu dự án: Dự án Chương trình 30a; Chương trình 135; Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, ngành nghề, dịch vụ, nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã; Dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Dự án 5 là nâng cao năng lực, giám sát và đánh giá thực hiện chương trình.

Gia đình anh Thào A Chớ (dân tộc Mông) ở xã Vàng Đán, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) sống giữa mênh mông đồi núi và quanh năm thiếu đói. "Năm nào mượn được nương trồng ngô, lúa thì đói dăm ba tháng, năm nào không mượn được thì thiếu đói quanh năm" - A Chớ ngậm ngùi.

Quê anh A Chớ ở Sơn La, gần chục năm trước theo bố mẹ di cư lên Nậm Pồ phát rừng làm nương. Nhưng đến đời anh em A Chớ thì rừng bị cấm. Khi lập gia đình bố mẹ không chia nương nên mọi người phải đi mượn nương để làm.

Gia đình A Chớ có 4 miệng ăn, sống trong căn nhà vách nứa, che bạt lụp xụp. Nguồn thu ổn định nhất của gia đình A Chớ và các hộ dân ở Vàng Đán là khoản tiền công 300.000 đồng mỗi năm mà Nhà nước chi trả cho bà con để bảo vệ những mảnh rừng đầu nguồn còn sót lại tại đây.

"Năm nào không mượn được đất thì vợ chồng lại đi làm nương thuê cho người ta, dù biết giá thuê thấp, chỉ có 60.000 đồng/ngày nhưng công việc cũng không đều, có tháng làm vài buổi, có tháng không, nên chủ yếu vẫn phải trông chờ vào các khoản hỗ trợ, cứu đói từ Nhà nước" - A Chớ chia sẻ.

Cùng tình cảnh với gia đình A Chớ là gia đình Giàng A Soi ở bản Huổi Luông - bản xa nhất của xã biên giới Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Hôm chúng tôi đến, gia đình A Soi đang quây quần bên nhau ăn cơm trưa. Trong mâm cơm bên cạnh rá cơm trắng là ít bát dưa muối và 3 bát nhôm đựng nước lã. Nhìn mấy đứa con của A Soi mặt nhem nhuốc xúc cơm ăn chung với nước lã mà chúng tôi không sao cầm được lòng mình.

"Ở đây khổ lắm, có cơm ăn là tốt lắm rồi, chứ thường ngày thiếu vẫn phải ăn ngô thôi" - vừa xúc cơm ăn cùng gia đình A Soi vừa nói.

A Soi cho biết, năm vừa qua thời tiết thất thường, trồng lúa, ngô không được nhiều, cũng may được Nhà nước hỗ trợ 10 bao gạo nên gia đình anh cũng đỡ phải chịu đói.

A Soi cho biết thêm, đường giao thông đi lại khó khăn, từ trung tâm huyện muốn vào được xã, bản, mọi người phải vượt qua 3 con suối. Mùa nước lũ dâng cao thì không đi được, mùa cạn nước cũng còn cao đến bắp đùi người lớn nên các xe ô tô, lái buôn muốn đưa hàng hóa vào hay vào thu mua nông sản gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế mà các nông sản như lúa, ngô của bà con làm ra rất khó bán, có khi còn ế ẩm.

"Có đợt thương lái đưa hàng vào đây bán giá cao ngất ngưởng nhưng dân vẫn phải mua, vì không mua không có cái ăn, cái dùng. Còn việc trồng trọt cũng khó khăn lắm, trồng ngô không bán được nên chủ yếu dân ở đây chỉ trồng lúa nương để ăn thôi" - A Soi cho hay.

Đáng nói là các ruộng nương ở bản Huổi Luông chỗ gia đình A Soi và bà con chỉ làm được một vụ, do không bón phân nên chỉ làm đến vụ thứ 2 là cây lương thực không cho thu hoạch. "Làm hết vụ lại chuyển đi chỗ khác làm, không có thì mượn nương làm mong cố kiếm ít thóc để cứu đói cho gia đình thôi" - A Soi cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem