Đọc tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Một số tài nguyên giữ nguyên mức thuế suất hiện hành (bôxít, niken, nước mặt, yến sào thiên nhiên, dầu thô, khí thiên nhiên, khí than), còn lại khoáng sản kim loại và không kim loại có mức tăng thấp nhất là 2%, cao nhất 6%. Sau điều chỉnh, số thu thuế tài nguyên tăng khoảng 3.177,8 tỷ đồng so với số thu năm 2014.
Đối với nhóm gỗ rừng tự nhiên, tờ trình của Chính phủ đề nghị giảm mức thuế suất thuế tài nguyên với gỗ nhóm I từ 35% xuống 30%; gỗ nhóm II từ 30% xuống 25%; gỗ nhóm III, IV từ 20% xuống 18%; gỗ nhóm V, VI, VII, VIII và các loại gỗ khác từ 15% xuống 12%.
"Với mức thuế suất dự kiến điều chỉnh giảm như trên, số thu thuế tài nguyên đối với sản phẩm của rừng tự nhiên giảm khoảng 6,9 tỷ đồng so với số thu năm 2014 (số thu năm 2014 đối với sản phẩm rừng tự nhiên là 116 tỷ đồng)" - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết: Đối với sản phẩm của rừng tự nhiên, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách không nhất trí với tờ trình của Chính phủ và đề nghị giữ nguyên mức thuế suất như hiện hành. Lý do hiện nay các sản phẩm gỗ nhóm I, II... đều là các loại gỗ quý hiếm, chỉ có ở rừng tự nhiên.
"Việc giảm thuế suất đối với sản phẩm gỗ rừng tự nhiên vô tình khuyến khích việc khai thác, chặt phá rừng, tạo hiệu ứng không tốt đến người dân" - ông Phùng Quốc Hiển cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.