Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trả lời trong vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 đang bị xét xử tại TAND tỉnh Hoà Bình, chị Trần Thuý Phương hai lần đề nghị HĐXX làm rõ việc tại sao con trai "tự nhiên bị nâng 8,2 điểm cho hai môn". Chị khẳng định gia đình không có nhu cầu "chạy, mua" hay nhờ bất kỳ ai xem trước điểm. Chị nói bức xúc khi chưa có thông tin rõ ràng mà đã bị kỷ luật về Đảng và chính quyền, gây tổn thất lớn về tinh thần, danh dự.
Đối chất, cựu hiệu trưởng Hồng thừa nhận đã "tự lấy thông tin con trai chị Phương" để nhờ Đỗ Mạnh Tuấn (thành viên tổ chấm thi trắc nghiệm, cựu hiệu phó trường Dân tộc nội trú huyện Lạc Thủy) sửa bài nâng điểm. Bà Hồng khai không có mục đích xấu gì mà đây là "hành động rất ngu ngốc nhất thời". Bà thấy thương con chị Phương học không tốt như các học sinh khác và lại chỉ được học lớp cận chuyên nên mới "tự giúp đỡ".
Hồi tháng 10/2018, chồng chị Phương cáu giận gọi điện thoại, bà mới biết sự việc. "Khi lãnh đạo đơn vị chồng chị Phương gặp xác minh, tôi cũng ngớ người vì còn không biết mặt vợ chồng chị Phương. Trước toà hôm nay, tôi xin gửi lời xin lỗi đến gia đình chị Phương vì không cố tình khiến họ bị kỷ luật và bị xúc phạm", bà Hồng trình bày ngày 14/5.
Sáng 15/5, tự bào chữa, cựu hiệu trưởng Hồng bật khóc, lần thứ hai gửi lời xin lỗi đến phụ huynh. Bà phân trần "có thể nhiều người không tin" nhưng lý do nâng điểm chỉ vì "nể nang bạn bè và thương học sinh". Ngoài sự nhầm lẫn là con chị Phương, bà Hồng còn nhận thông tin của gia đình 7 thí sinh khác để nâng điểm.
Suốt bốn ngày diễn ra phiên toà, bà Hồng không chối tội mà chỉ mong được hưởng sự khoan hồng. Cựu hiệu trưởng trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ nói biết đã làm sai và cảm thấy "nhục nhã và đau buồn khi bị đưa ra xét xử".
Thấy bà Hồng bật khóc, nữ thẩm phán nói: "Điều lớn nhất mất đi là niềm tin của phụ huynh, học sinh. Chúng tôi cũng rất đau lòng khi bị cáo Hồng nhận thức đơn giản và vì cả nể, vì thành tích của nhà trường mà thực hiện hành vi phạm tội".
Theo cáo buộc, trước kỳ thi THPT 2018, bà Hồng nhận lời người thân của 8 thí sinh để giúp đỡ nâng điểm. Đầu tháng 6/2018, bà chuyển thông tin của các thí sinh này nhờ Mạnh Tuấn giúp đỡ để các em đạt điểm cao. Kết quả, các thí sinh đều được nâng điểm thành công nên bà Hồng gọi điện cảm ơn ông Tuấn. Bà Hồng bị VKS đề nghị từ 2 đến 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ..
Tuy nhiên, trong 4 ngày xét hỏi, việc "nhờ xem điểm hay nhờ nâng điểm" còn nhiều tranh cãi và chưa được làm rõ. Cáo trạng xác định các bị cáo đã nhận thông tin nhờ vả từ phụ huynh hoặc trực tiếp thí sinh để nâng điểm. Tuy nhiên tại toà không phụ huynh nào thừa nhận điều này.
Bị cáo Hồ Chúc (cựu giáo viên trường THPT Thanh Hà, huyện Lạc Thủy) khai được gia đình hai chị Hà Thị Thuý Liễu và Trần Thị Liên nhờ nâng điểm cho con. Khi một thí sinh được nâng 14,95 điểm cho 5 môn, một em 18,8 điểm 5 môn thì Chúc nhận của hai gia đình này 300 triệu đồng tiền cảm ơn và chuyển cho Mạnh Tuấn, người trực tiếp nâng điểm.
Tuy nhiên, hai phụ huynh này phản bác mọi lời khai và quy kết trong cáo trạng. Họ cho rằng chỉ nhờ Chúc xem trước điểm thi chứ không nhờ nâng điểm và cũng không đưa tiền cảm ơn.
Một trường hợp khác là chị Nguyễn Thị Hạnh cho biết gia đình luôn tin tưởng con trai thi tốt "theo đúng năng lực học hàng ngày" cho đến khi có thông báo được nâng điểm. Chị Hạnh khẳng định cả trước, trong và sau kỳ thi đều không nhờ bất kỳ ai xem hay nâng điểm cho con trai.
Theo cáo trạng, trong kỳ thi THPT 2018, 15 bị can là người có chức vụ quyền hạn liên quan trực tiếp đến công tác chấm thi đã vì động cơ vụ lợi, động cơ cá nhân mà câu kết can thiệp nâng điểm bài thi cho 65 thí sinh. Các thí sinh sau đó sử dụng kết quả thi để xét tuyển THPT và đại học nhưng sau đó 45 thí sinh trúng tuyển bị buộc thôi học, 10 thí sinh vẫn đủ điểm tiếp tục theo học, 6 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học.
Trong vụ án này, cựu trưởng phòng khảo thí Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình Nguyễn Quang Vinh được xác định là chủ mưu, chỉ đạo các đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, ông Vinh vẫn một mực khẳng định không phạm tội như cáo trạng quy kết.
Từ ngày 11 đến 18/5, TAND tỉnh Hoà Bình xét xử 15 người trong vụ án sửa điểm thi về các tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Đưa hối lộ và Nhận hối lộ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.