Gian lận thi cử Hà Giang: Ai là chủ nhân những vật chứng 'nóng'?

P.V tổng hợp Thứ năm, ngày 04/07/2019 17:21 PM (GMT+7)
Trong bản cáo trạng của VKSND tỉnh Hà Giang, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã thu giữ vật chứng liên quan đến vụ án...
Bình luận 0

img

Trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang. Ảnh: Tiền Phong

Liên quan đến vụ gian lận thi cử ở Hà Giang mà Lao động vừa thông tin, theo cáo trạng, để phục vụ cho việc nâng điểm, ngày 27/6, ông Lương (Vũ Trọng Lương-Phó phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục) tải đáp án chính thức các bài thi do Bộ GDĐT công bố về máy tính chứa phần mềm chấm thi trắc nghiệm.

Từ 30/6 đến 2/7/2018, ông Lương sao chép đáp án đúng đã được tải về và dán vào 309 bài thi các môn trên 249 ảnh gốc phiếu trả lời trắc nghiệm để nâng điểm cho 107 thí sinh.

Sau khi xử lý xong bài thi trắc nghiệm, ông Lương sao lưu kết quả vào đĩa CD để gửi về bộ và chủ tịch hội đồng thi. Ngày 7/7, Lương nói với ông Hoài (Nguyễn Thanh Hoài-Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Sở GDĐT Hà Giang) rằng số thí sinh được nâng điểm rất cao nên sợ khi thông báo điểm Bộ GDĐT kiểm tra. Bởi vậy, ông Lương đề xuất cần sửa chữa bài thi của các thí sinh đã được nâng điểm cho phù hợp với kết quả trong đĩa CD đã gửi về Bộ.

Trong quá trình điều tra, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã thu giữ vật chứng liên quan đến vụ án.

Trong đó, vật chứng liên quan đến vụ án, gồm 1 tờ giấy có kích thước 20x14 cm, trong đó có ghi danh sách của 13 thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 (do Nguyễn Thanh Hoài giao nộp); 1 tờ giấy có kích thước 15x20 cm, trên tờ giấy có chữ "chuyên 3"; 1 mẩu giấy khổ 10x9 cm trên có ghi: P.T.H.T. (viết tắt), SBD: 0703XX; P: 17; HĐT Hùng An (thu giữ tại nhà bị can Nguyễn Thanh Hoài); 1 mẩu giấy khổ 10 x 4 cm trên có ghi: (Bê) N.M.L. (viết tắt), SBD: 2002XX; P ll (thu giữ tại nhà bị can Nguyễn Thanh Hoài)...

Tuy nhiên, bản cáo trạng này chỉ nêu những vật chứng thu được nhưng lại không nêu rõ những tờ giấy, mẩu giấy này là do ai viết, hay chủ nhân của nó là ai, do ai gửi.

Trước đó, thông tin về vụ gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang, theo báo Tuổi Trẻ, trong bản kết luận điều tra vụ án gian lận thi cử do Đại tá Nguyễn Viết Giang, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang, ký chuyển Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh hôm 15/4, chỉ có duy nhất 1 phụ huynh của 107 thí sinh thuộc diện nâng điểm được cơ quan tố tụng công khai danh tính.

Đó là ông Phạm Văn Khuông, khi xảy ra vụ án đang là Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang và sau đó cũng bị khởi tố trong vụ án này. Con trai của cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang được nâng 13,3 điểm.

Các phụ huynh còn lại chỉ được nhắc đến "đang làm việc trong các cơ quan, ban ngành sự nghiệp, đơn vị kinh doanh và làm nghề nông nghiệp, kinh doanh, lao động tự do... tại tỉnh Hà Giang và tỉnh khác".

Đáng chú ý, Công an tỉnh Hà Giang có thu giữ được tại nhà ông Nguyễn Thanh Hoài (cựu trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) một mẩu giấy khổ 10x9cm, trên giấy có ghi "P.T.H.Tr. (tên thí sinh), SBD: 070389; P: 17; HĐT Hùng An (Lão phật gia nhờ)".

Nội dung này được hiểu là thí sinh H.Tr. có số báo danh, phòng thi như trên tại hội đồng thi Trường THPT Hùng An (tại huyện Bắc Quang, Hà Giang), người nhắn "nhờ vả" ông Hoài có biệt danh là "lão phật gia".

Tuy nhiên, trong kết luận điều tra của cơ quan công an, nhân vật bí ẩn "lão phật gia" này không được nhắc đến gây khó hiểu cho dư luận.

img

Bị can Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương.

Như tin đã đưa, liên quan đến vụ án gian lận điểm thi tại Hà Giang năm 2018, các cơ quan tố tụng tỉnh hoàn tất hồ sơ truy tố 5 bị can trong vụ án này. Trong số 5 bị can bị truy tố, có 2 bị can bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là: Nguyễn Thanh Hoài (Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục Sở GDĐT Hà Giang, Phó Trưởng ban thường trực Ban chấm thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang) và Vũ Trọng Lương (Phó Trưởng phòng Khảo thí, kỹ thuật viên xử lý bài thi trắc nghiệm kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Hà Giang).

2 bị can bị truy tố về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” gồm: Phạm Văn Khuông (Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Giang) và Lê Thị Dung (Phó đội trưởng Đội Giáo dục đào tạo, Y tế, Lao động xã hội thuộc Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang). Bị can còn lại là Triệu Thị Chính (Phó Giám đốc Sở GĐĐT tỉnh Hà Giang) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Quá trình điều tra có đủ cơ sở để kết luận 5 bị can trong vụ án đã có sự bàn bạc, thống nhất, tác động thực hiện việc nâng điểm cho các thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 môn trắc nghiệm, làm thay đổi điểm 309 bài thi của 107 thí sinh.

Trong số này, có 102 bài thi môn toán, 85 bài thi môn lý, 56 bài thi môn hóa, 7 bài thi môn sử, 1 bài thi môn địa, 50 bài thi môn tiếng Anh và 8 bài thi môn sinh.

Cùng với đó, trong vụ án này còn có trách nhiệm của một số đối tượng liên quan, là phụ huynh của các thí sinh đã được nâng, sửa điểm. Hiện nay, cơ quan tố tụng tiếp tục thu thập chứng cứ để xử lý theo quy định pháp luật.

Theo thông tin từ Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang, trong tháng 7/2019, vụ án liên quan đến vụ gian lận điểm thi tại Hà Giang sẽ được đưa ra xét xử. Tuy nhiên, đến nay Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang chưa có lịch xét xử cụ thể.

Trong quá trình điều tra, cơ quan An ninh điều tra đã áp dụng tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật nhưng không thu thập được chứng cứ để chứng minh được có yếu tố vụ lợi trong vụ án.

Cơ quan chức năng cũng đã đấu tranh với gia đình các thí sinh. Tuy nhiên, không một gia đình nào khai nhận có đưa tiền hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị để nhờ nâng điểm.

Ngoài ra, lời khai của bị can Hoài, Lương không thừa nhận mà chỉ nhận giúp nâng điểm do mối quan hệ quen biết, bạn bè, người thân.

Cả 5 bị can trong vụ án này đều không xét tình tiết tăng nặng, chỉ xem xét tình tiết giảm nhẹ.

Cụ thể, đối với các bị can: Vũ Trọng Lương, Nguyễn Thanh Hoài, Phạm Văn Khuông, Lê Thị Dung, quá trình điều tra, các bị can đã thành khẩn khai báo và thừa nhận toàn bộ hành vi sai phạm của mình, có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, có nhiều thành tích trong quá trình công tác.

Ngoài ra, gia đình các bị can: Vũ Trọng Lương, Nguyễn Thanh Hoài, Phạm Văn Khuông đều là gia đình có công với cách mạng. Riêng bị can Lê Thị Dung có bác ruột là liệt sĩ nên xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị can.

Đối với bị can Triệu Thị Chính, quá trình điều tra không thừa nhận hành vi phạm tội của mình nên không được áp dụng tình tiết thành khẩn khai báo. Tuy nhiên, bị can có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, có nhiều thành tích trong quá trình công tác, gia đình bị can có bố là người có công với cách mạng, nên xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị can.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem