8 năm trước, một "người đi bộ không đúng luật" gây chết người đã bị đưa ra xét xử tại TP.HCM. Vụ này có hậu quả nghiêm trọng là gây chết người. Đây là vụ đầu tiên của cả nước, mang tính chất án điểm dù không xử lưu động công khai. Bị cáo bị phạt 9 tháng cải tạo không giam giữ.
Suốt 8 năm nay, không có thêm vụ thứ hai dù những người đi bộ cản trở giao thông vẫn xảy ra như cơm bữa. Mới biết án điểm chả hề có tác dụng nếu nó chỉ trừng trị mà không có tác dụng giáo dục ý thức pháp luật của người dân.
Khi clip thiếu nữ tóc đỏ, mặt mày hung tợn đẩy dúi, tát cảnh sát giao thông được tung lên mạng, 99% số người xem đều cảm thấy bất bình. Những bình luận đều cho thấy họ phẫn nộ trước hành vi quá chợ búa và vô giáo dục của một cô gái còn rất trẻ. Hành vi của cô cần được xử lý bằng pháp luật, để đảm bảo sự nghiêm mình của pháp luật.
Nhưng khi cô nữ sinh 18 tuổi mặc áo trắng, đứng lẻ loi trước vành móng ngựa và nhận bản án 9 tháng tù cho một cái tát, thì dư luận lại bức xúc với bản án của các vị phán quan. 9 tháng tù cho một cái tát, theo rất nhiều người, là một bản án quá nặng nề.
Sự nặng nề có ngay trong phần lập luận của bản án khi hành vi của cô được đánh giá là "nguy hiểm cho xã hội", là "ảnh hưởng tới tính mạng và sức khỏe" của những người thực thi pháp luật. Có đến mức độ như thế hay không? Có nguy hiểm đến mức nhất thiết "cách ly khỏi xã hội" hay không? Có lẽ phản ứng của hàng trăm người dân dự tòa và hàng ngàn ý kiến trên mạng Internet cũng đủ để trả lời.
Nền pháp luật của thời đại văn minh phải đặt giáo dục lên trên sự trừng phạt. Nếu một bản án điểm, xử lưu động, gây phản ứng dư luận về sự nghiêm khắc, thì liệu đó có phải là bản án phản tác dụng giáo dục ý thức pháp luật chung?
Nữ sinh 18 tuổi - nữ bị cáo đã khóc tại tòa. Cô nói cô hối hận. Cô bảo cô đã sống trong sự dằn vặt và sợ hãi. Và một chi tiết, tưởng nhỏ, là cô đã nhuộm lại mái tóc đen của mình.
Liệu có nên trừng phạt nặng một người đã nhận ra và hứa sửa chữa lỗi lầm của mình?
Anh Đào
Vui lòng nhập nội dung bình luận.