Giao lưu trực tuyến về đổ ải vụ Đông Xuân 2016-2017

NTNN/Dân Việt Thứ tư, ngày 18/01/2017 10:09 AM (GMT+7)
Từ thời điểm nào nông dân có thể lấy nước các đợt xả, công tác chuẩn bị cho đổ ải vụ Đông Xuân 2016-2017 được chuẩn bị ra sao? Phương án cấp điện cho các trạm bơm như thế nào? EVN và các đơn vị hữu quan kế hoạch gì cho các đợt xả nước phục vụ gieo cấy tiếp theo... Những nội dung trên đã được các khách mời của Giao lưu trực tuyến “Sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm đổ ải vụ Đông Xuân 2016-2017” giải đáp.
Bình luận 0

Trong vụ Đông Xuân 2016-2017, những ngày qua, cùng với nguồn nước xả từ các hồ thủy điện, lượng mưa tương đối khá (trung bình 30 - 70mm) đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương lấy nước, làm đất. Bộ NNPTNT đã thống nhất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam giảm thời gian lấy nước đợt 1 tổng cộng 1,5 ngày, kết thúc vào 12h ngày 14.1.2017. Thời gian lấy nước đợt 2 và đợt 3 vẫn tiếp tục thực hiện theo lịch đã thống nhất. 

Vậy từ thời điểm nào nông dân có thể lấy nước các đợt xả, công tác chuẩn bị cho đổ ải vụ Đông Xuân 2016-2017 được chuẩn bị ra sao? Phương án cấp điện cho các trạm bơm như thế nào?... Tất cả những nội dung đó được các khách mời trả lời trong cuộc Giao lưu trực tuyến “Sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm đổ ải vụ Đông Xuân 2016-2017” diễn ra từ 10h - 11h30 sáng nay (18.1).

Các khách mời tham gia trực tuyến:

1. Ông Nguyễn Quốc Chính - Phó trưởng Ban Kỹ thuật - Sản xuất Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam (EVN)

2. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT)

img imggiao luu truc tuyen ve do ai vu dong xuan 2016-2017 hinh anh 1

Ông Nguyễn Văn Hoài (trái) - Phó Tổng biên tập Báo Nông Thôn Ngày Nay - báo điện tử Dân Việt tặng hoa các khách mời.

img imggiao luu truc tuyen ve do ai vu dong xuan 2016-2017 hinh anh 2

Clip: Giao lưu trực tuyến về đổ ải vụ Đông Xuân 2016-2017

img imggiao luu truc tuyen ve do ai vu dong xuan 2016-2017 hinh anh 3

Câu hỏi đầu tiên đến từ hòm thư binhminhnguyen1966@... gửi tới ông Nguyễn Mạnh Hùng: Thưa ông Hùng, hiện, Bộ NNPTNT, Tổng cục Thủy lợi đã có kế hoạch đổ ải vụ Đông Xuân 2016-2017 khu vực trung du và đồng bằng Bắc bộ với kế hoạch 3 đợt. Hiện tại đã triển khai lấy nước đổ ải đợt 1 kết thúc, ông có thể cho biết kết quả sơ bộ của các tỉnh đã đổ ải tới thời điểm này?

img imggiao luu truc tuyen ve do ai vu dong xuan 2016-2017 hinh anh 4

Ông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời: Theo thống nhất giữa Bộ NNPTNT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, kế hoạch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2016-2017, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ gồm 3 đợt, tổng cộng 18 ngày; trong đó, Đợt 1 từ 0 giờ ngày 10.1 đến 24 giờ ngày 15.1.2017. Tuy nhiên, do thời tiết có mưa (phổ biến tổng lượng đạt từ 50-100mm), nguồn nước diễn biến thuận lợi, Đợt 1 đã rút ngắn 1,5 ngày, kết thúc lúc 12h ngày 14.1.2017. Trong thời gian lấy nước, mực nước sông Hồng tại Hà Nội được duy trì ở mức trung bình 2,47m, thời điểm cao nhất đạt đến 2,78m.

Thực tế, nguồn nước hệ thống sông sau 12h ngày 14.1.2017 vẫn được duy trì ở mức cao, mực nước tại Hà Nội trung bình ngày 14.1 đạt 2,51m, ngày 15.1 đạt 2,08m, tạo điều kiện thuận lợi cho các công trình thủy lợi vận hành lấy nước.  

Diện tích có nước tính đến kết thúc Đợt 1 (12h ngày 14.1) là: 150.400 ha, đạt 24,23 % tổng diện tích gieo cấy theo kế hoạch. Các địa phương diện tích có nước đạt cao là: Phú Thọ (63,67%), Ninh Bình (58,87%), Nam Định (45,61%) và Thái Bình (24,11%).

Sau khi kết thúc Đợt 1 lấy nước, các công ty khai thác công trình thủy lợi sẽ tiếp tục vận hành hệ thống bơm để đưa nước lên ruộng từ nguồn nước của các sông nội địa, hệ thống kênh mương, hồ chứa thủy lợi và lợi dụng thủy triều. Tính đến 15h ngày 15.1, một số địa phương có điều kiện nguồn nước thuận lợi có diện tích đủ nước tăng đáng kể: Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam…

Số liệu mới nhất, diện tích có nước mới nhất theo cập nhật của chúng tôi đến ngày 17.1 là hơn 38%.

Đánh giá chung, do nhu cầu lấy nước vào ruộng chủ yếu ở các tỉnh ven biển nên các địa phương này có diện tích đủ nước tương đối cao, các địa phương khác chỉ lấy nước tích trữ vào hệ thống kênh mương, khu trũng, hồ, ao..v.v, chưa lấy nước vào ruộng nên diện tích đủ nước còn thấp. 

img imggiao luu truc tuyen ve do ai vu dong xuan 2016-2017 hinh anh 3

Bạn đọc Nguyễn Văn Bằng (Hà Nam) hỏi: Vụ Đông Xuân 2016-2017, dự kiến khối lượng xả nước từ các hồ thủy điện thuộc EVN sẽ như thế nào thưa ông, liệu có tăng so với vụ Đông Xuân năm ngoái?

img imggiao luu truc tuyen ve do ai vu dong xuan 2016-2017 hinh anh 6

Ông Nguyễn Quốc Chính trả lời: Theo kế hoạch trong 18 ngày của 3 đợt xả, tổng lượng dòng chảy xuống hạ lưu khoảng trên 5 tỷ m3. Đợt 1 vừa qua, nhờ sự chuẩn bị, phối hợp giữa hai ngành và thời tiết thuận lợi, chúng ta đã giảm được 1,5 ngày tương đương với tiết kiệm khoảng 500 triệu m3, đợt 2 và đợt 3 sẽ cố gắng tận dụng đến mức tối đa lượng nước xả. Tuy nhiên mục tiêu là vẫn phải đảm bảo lấy đủ nước cho tổng diện tích trên 600 ngàn ha theo kế hoạch, nếu thời tiết thuận lợi thì sẽ phấn đấu tiết kiệm tương đương năm 2016.

img imggiao luu truc tuyen ve do ai vu dong xuan 2016-2017 hinh anh 3

Ban đọc Trịnh Văn Lương ở Khoái Châu (Hưng Yên) hỏi: Năm ngoái mùa khô nhưng lại có thuận lợi là đúng đợt lấy nước gieo cấy gặp mưa nên chúng tôi mới may mắn lấy đủ nước. Tuy nhiên, năm nay cả mùa khô hầu như rất ít mưa, cánh đồng gieo cấy của chúng tôi hầu hết đều đang để ải khô trắng, số diện tích còn lại là trồng cây vụ Đông. Liệu chỉ với 3 đợt xả nước, có đủ nước cho chúng tôi lấy nước gieo cấy không?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời: Phương án đã được xây dựng dựa trên các tiêu chí cơ bản như: bảo đảm đủ nước phục vụ gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất;  tiết kiệm lượng nước xả từ các hồ chứa thủy điện; khả thi trong việc lấy nước, tránh kỳ nghỉ Tết Nguyên đán; ưu tiên lịch lấy nước thuận lợi hơn cho các địa phương thường gặp khó khăn về nguồn nước; đảm bảo tỷ lệ lấy nước của các địa phương đồng đều.

Các phương án được tính toán bằng mô hình toán, phương án đề nghị được chọn là phương án có tổng lượng nước xả thấp, đồng thời thỏa mãn các tiêu chí về thời vụ, thời gian lấy nước...v.v. Việc thời tiết khô, hanh cũng đã được dự kiến; do vậy, bảo đảm sẽ cung cấp đủ nước phục vụ gieo cấy. Tuy nhiên, thực tế, trong Đợt 1 đã có mưa, làm việc lấy nước thuận lợi hơn rất nhiều. Thực tế cho thấy, các phương án này là những phương án được tính toán bằng phương pháp toán học để đảm bảo hiệu quả nhất. Thực tế, đợt 1 vừa qua đã rút ngắn được 1,5 ngày lấy nước, tức là đã thuận lợi hơn so với dự kiến.

img imggiao luu truc tuyen ve do ai vu dong xuan 2016-2017 hinh anh 3

Bạn đọc có địa chỉ hòm thư nguyenkhangpt@... có hỏi: Hiện khu vực của tôi điện áp khá chập chờn do phải mua điện trực tiếp từ các hợp tác xã dịch vụ điện năng, chưa được mua điện trực tiếp từ EVN, tôi muốn lắp thêm các máy bơm mới nhưng lại không tải được, tôi phải làm sao?

Ông Nguyễn Quốc Chính trả lời: Về câu hỏi của bạn Nguyên Khang, chúng tôi không rõ bạn đang ở khu vực nào nên không thể trả lời cụ thể được. Tuy nhiên ngành điện đã có kế hoạch cho tất cả các vùng. Tất cả các công ty điện lực đều có trung tâm dịch vụ khách hàng, có số điện thoại đường dây nóng, bạn có thể chủ động liên hệ với các trung tâm để được phục vụ tốt nhất. Chúng tôi sẽ cố gắng cung cấp điện theo nhu cầu của bạn trong thời gian sớm nhất có thể.

img imggiao luu truc tuyen ve do ai vu dong xuan 2016-2017 hinh anh 9

img imggiao luu truc tuyen ve do ai vu dong xuan 2016-2017 hinh anh 3

Bạn đọc Lê Quang (Thanh Hóa) đặt câu hỏi: Trong đợt đầu tiên lấy nước phục vụ gieo cấy của vụ Đông Xuân 2016 – 2017 vừa qua, ông có thể cho biết các địa phương đang gặp những khó khăn gì, liệu có đảm bảo trong 3 đợt lấy đủ nước gieo cấy không?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời: Thực tế, Đợt 1 do điều kiện nguồn nước thuận lợi, cụ thể là mực nước sông được duy trì ở mức cao hơn so với yêu cầu và có mưa, diện tích có nước khi kết thúc Đợt 1 được 24%. Dự kiến, đến trước Đợt 2 lấy nước, do nguồn nước vẫn tốt, các địa phương tiếp tục lấy nước, tổng diện tích có nước sẽ khoảng gần 40%; tiến độ lấy nước như vậy đang vượt mức dự kiến. Đợt 2 và Đợt 3 sẽ được thực hiện như lịch đã thông báo, bảo đảm đủ nước cho toàn bộ diện tích gieo trồng.

img imggiao luu truc tuyen ve do ai vu dong xuan 2016-2017 hinh anh 3

Bạn đọc Nguyễn Hòa (Vĩnh Phúc) hỏi: Để bơm nước hiệu quả nhất, mực nước ở khu vực Vĩnh Phúc phải ít nhất 2,2m, liệu ngành điện có đảm bảo xả nước ở các hồ thủy điện đảm bảo mức nước này không?

Ông Nguyễn Quốc Chính trả lời: Năm nay, EVN vẫn đảm bảo điều tiết nước sao cho mực nước tại Hà Nội tối thiểu là 2m2. Thực tế qua Đợt 1 cho thấy mực nước tại Hà Nội luôn luôn hơn 2,4m (nhiều thời điểm lên đến 2,7 -2,8m). Dự tính, Đợt 2 và Đợt 3 cũng sẽ đảm bảo theo như kế hoạch đã thông báo để tạo điều kiện tốt nhất cho các trạm bơm lấy nước lên đồng.

img imggiao luu truc tuyen ve do ai vu dong xuan 2016-2017 hinh anh 12

img imggiao luu truc tuyen ve do ai vu dong xuan 2016-2017 hinh anh 3

Bạn đọc Mạnh Hậu (Vĩnh Phúc) hỏi: Đợt xả nước vừa qua, đa phần chúng tôi chưa thu hoạch cây vụ đông nên không lấy nước vào đồng để gieo cấy. Theo lịch gieo cấy năm nay, chúng tôi chủ yếu cấy trà Xuân muộn, tức là sẽ lấy nước chủ yếu vào đợt 3. Liệu trong đợt 3 chúng tôi có đủ nước để gieo cấy không?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời: Trên thực tế công tác lấy nước các năm trước đây, các địa phương vùng ven biển (Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng,…) thường có nhu cầu lấy nước sớm, khoảng 20-30 ngày trước thời gian gieo cấy, là vì cần phải ngâm ải, nước trong hệ thống kênh tồn tại lâu ngày nên có hàm lượng mặn, chua phèn vượt quá mức cho phép và đất vùng ven biển cần phải rửa mặn, chua trước khi gieo cấy.

Ngược lại, ở các địa phương vùng không ảnh hưởng triều (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh…v.v), do có nhiều diện tích cây vụ Đông thu hoạch muộn nên không có thời gian ngâm ải, thường làm đất và gieo cấy trong 5-10 ngày; do vậy, các địa phương này có nhu cầu lấy nước muộn hơn.

Trong Đợt 1 vừa qua, nguồn nước bổ sung từ các hồ chứa đã được các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Vĩnh Phúc tích cực bơm trữ vào trong hệ thống kênh mương, sông suối nội địa, vùng trũng, hồ ao để tích trữ, sẵn sàng đưa nước lên ruộng khi đến thời vụ gieo cấy. Nguồn nước từ các hồ chứa trong 2 đợt còn lại và nguồn nước đã tích trữ sẽ bảo đảm đủ cung cấp phục vụ gieo cấy.

Qua đây, chúng tôi cũng đề nghị bà con nhanh chóng thu hoạch các diện tích cây vụ Đông để lấy nước gieo cấy lúa trong 3 đợt xả nước, tuyệt đối không phát sinh nhu cầu lấy nước bổ sung. Đối với Vĩnh Phúc, trong đợt xả nước đợt 1, qua kiểm tra chúng tôi nhận thấy hệ thống sông Phan được trữ nước rất đầy. Dự kiến Vĩnh Phúc sẽ gieo cấy từ ngày 5 – 7 (Tết) trở đi, cùng với đợt xả nước 2 và đợt 3 chúng tôi tính toán, chắc chắn Vĩnh Phúc đảm bảo đủ nước gieo cấy.

img imggiao luu truc tuyen ve do ai vu dong xuan 2016-2017 hinh anh 3

Bạn đọc Nguyễn Thị Yến (Hà Nội) hỏi: Tôi không hiểu rõ lắm quy trình sản xuất điện của thủy điện nhưng nghe nói khi xả nước mạnh tức là sẽ tạo ra điện nhiều hơn. Vậy trong thời gian xả nước phục vụ gieo cấy có phải cũng là lúc sản xuất được ra nhiều điện hơn những lúc không xả không? Nếu sản xuất ra được nhiều điện hơn thì hiện Việt Nam đã có cách gì tích trữ điện lại để dùng về sau chưa?

Ông Nguyễn Quốc Chính trả lời: Về bản chất xả nước như bạn đọc thấy, chúng tôi tăng cường khai thác các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang, số điện năng mang lại mỗi năm có tổng số vẫn không thay đổi nhưng vấn đề là thời điểm chúng ta chạy thủy điện. Hiện nay, phụ tải điện khá thấp, nếu chúng ta sử dụng lượng nước đó vào tháng 1, tháng 2 thì sẽ rất tốt nhưng nếu đến tháng 4, tháng 5 lượng nước không đủ thì chúng ta phải chạy điện có phụ tải giá cao hơn. Tất cả các nhà máy thủy điện, nhiệt điện đều chạy, chúng ta sẽ phải chạy thêm nhiều nguồn khác như chạy dầu, có phí gấp 3-4 lần so với thủy điện, nếu chạy trước thì sẽ giải quyết được khá nhiều về kinh phí.

img imggiao luu truc tuyen ve do ai vu dong xuan 2016-2017 hinh anh 3

Bạn đọc Nguyễn Thị Lan ở Tiên Du (Bắc Ninh) hỏi: Năm ngoái, do lượng nước về ít, chúng tôi được biết ngành thủy lợi đã phải bơm tăng áp mới đủ nước gieo cấy. Năm nay mưa ít hơn, liệu nước từ hồ thủy điện về có đủ cho chúng tôi gieo cấy hay không?

img imggiao luu truc tuyen ve do ai vu dong xuan 2016-2017 hinh anh 16

Ông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời: Huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) được cấp nước từ hệ thống thủy lợi Bắc Đuống, đây là khu vực gặp khó khăn về nguồn nước do công trình đầu mối cấp nước tưới (trạm bơm Trịnh Xá) nằm xa nguồn nước sông Đuống (khoảng 10 km). Thực tế, năm nào khu vực này cũng là nơi cuối cùng được cấp đủ nước. Tuy nhiên, chúng tôi cũng biết tập quán của người dân ở đây gieo cấy rất muộn nên không tranh thủ lấy nước sớm; vì vậy, đề nghị bà con cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thủy nông đưa nước lên ruộng, đắp bờ thửa, bờ vùng cẩn thận để tránh thất thoát nước, đồng thời có kế hoạch gieo cấy trong khung thời vụ khuyến cáo. Tập quán của người dân ở Tiên Du gieo cấy rất muộn nên việc lấy nước không được tập trung. Do đó, qua đây tôi cũng khuyến cáo bà con ở Tiên Dung chủ động lấy nước vào ruộng và đồng thời tích nước ở ao, hồ, chum để đảm bảo lịch gieo cấy của ngành nông nghiệp đã khuyến cáo.

img imggiao luu truc tuyen ve do ai vu dong xuan 2016-2017 hinh anh 3

Bạn đọc Hoàng Minh (Thanh Hóa) hỏi: Tôi được biết có ý tưởng đưa ra là ngăn dòng sông Hồng bằng đập cao su để dâng mực nước lên bơm nước phục vụ gieo cấy sẽ đỡ phải xả hàng tỷ m3 nước mỗi năm. Nếu phương án này triển khai được, ngành điện có nên đầu tư để tiết kiệm việc xả nước hàng năm không?

Ông Nguyễn Quốc Chính trả lời: Đây là một trong nhiều giải pháp nâng mực nước sông Hồng để phục vụ nhiều mục đích. Ở đây là mục đích để cung cấp đầy đủ nước trong gieo trồng. Đây là một bài toán tổng thể cần có nghiên cứu sâu và rộng. Vừa rồi Thủ tướng đã giao cho các Bộ lập kế hoạch khai thác tiềm năng của nhiều vùng để đảm bảo trong thời gian tới sẽ tận dụng tối đa được nguồn nước phục vụ cho sản xuất và kinh doanh.

img imggiao luu truc tuyen ve do ai vu dong xuan 2016-2017 hinh anh 3

Câu hỏi dành cho cả hai khách mời: Từ trước đến nay báo chí cũng đề cập tới nguồn nước quý giá cho nông nghiệp và cho cả sản xuất điện. Trong hoàn cảnh nhất định đã xảy ra “cuộc chiến” về nguồn nước. Tại một số địa phương cũng xảy ra “cuộc chiến” nguồn nước như thế. Trong mùa vụ Đông Xuân này làm thế nào để hài hòa giữa hai bên?

Ông Nguyễn Quốc Chính trả lời: Việc cung cấp nước cho đổ ải cũng như cấp điện cho ngành kinh tế xã hội đều rất quan trọng, nên chúng tôi xác định tập đoàn phải đáp ứng cả hai nhiệm vụ này. Do đó, để hài hòa, chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp để đảm bảo hiệu quả tối đa khi xả nước từ các hồ thủy điện.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời: Diện tích gieo cấy rất lớn ở miền Bắc khoảng 600 ha và cũng là mùa sản xuất có sản lượng chính. Chúng tôi cũng biết, việc điều hành xả nước của EVN cho sản xuất nông nghiệp là ảnh hưởng tới việc phát điện nhưng đây là nhiệm vụ được giao và là nhiệm vụ công ích. Do đó, từ nhiều năm nay, Bộ NNPTNT và EVN đã phối hợp rất tốt để đảm bảo tiết kiệm tốt nhất lượng nước xả từ các hồ thủy điện. Đồng thời, trong điều kiện thực tế lấy nước, nếu có phát sinh, như mưa đột xuất hoặc tiến độ lấy nước nhanh hơn, chúng tôi sẽ rút ngắn thời gian lấy nước và thời gian xả nước.

img imggiao luu truc tuyen ve do ai vu dong xuan 2016-2017 hinh anh 3

Một câu hỏi từ hòm thư nguoihaiduong@... dành cho ông Nguyễn Mạnh Hùng: Việc tiết kiệm nước và lấy nước hiệu quả hơn ở các địa phương cần kiên cố hóa kênh mương. Ông có thể cho biết, công tác kiên cố hóa kênh mương hiện được triển khai như thế nào?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời: Thực tế việc kiên cố hóa kênh mương cho hệ thống thủy lợi sẽ đảm bảo tránh thất thoát nước và dẫn nước nhanh hơn. Do đó, công tác kiên cố hóa kênh mương từ 15 năm nay đã được thực hiện, ngoài các công trình đầu tư trực tiếp của trung ương, Nhà nước đã giao cho các địa phương vay vốn để thực hiện kiên cố hóa kênh mương.

Hiện diện tích kiên cố hóa kênh mương cũng đã triển khai được rất tốt, nhất là kết hợp với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn còn khó khăn chưa kiên cố hóa được hết kênh mương, gây lãng phí nguồn nước và lấy nước, dẫn nước gặp khó khăn nên việc kiên cố hóa kênh mương vẫn đang được tiếp tục thực hiện.

img imggiao luu truc tuyen ve do ai vu dong xuan 2016-2017 hinh anh 3

Bạn đọc Hoàng Thị Huyền từ hòm thư huyenhoangthi@... hỏi: Năm nào ngành điện tới mùa khô cũng phải xả khoảng 5 tỷ m3 nước, nghe nói năm ngoái nhờ rút ngắn thời gian lấy nước thì ngành điện có tiết kiệm được nhiều chi phí không. Cụ thể, nếu 1 tỷ m3 sẽ sản xuất được bao nhiêu điện và trị giá bao nhiêu tiền?

Ông Nguyễn Quốc Chính trả lời: Phụ tải lớn nhất của hệ thống điện Việt Nam xuất hiện vào cuối mùa khô tháng 4, tháng 5. Nếu chúng ta tiết kiệm được nước trên các hồ thì đến cuối mùa khô sẽ tận dụng lượng nước đó phát điện để đáp ứng nhu cầu phụ tải, nếu thiếu nước thì đến thời gian đó phải huy động các nguồn điện thay thế, có giá trị rất cao (như chạy dầu) sẽ gây ảnh hưởng lớn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN.

img imggiao luu truc tuyen ve do ai vu dong xuan 2016-2017 hinh anh 3

Bạn đọc Hoàng Văn Tùng (Hải Dương) hỏi: Tôi nghe nói ngành thủy lợi đang xây dựng quy định chuyển thủy lợi phí sang giá dịch vụ. Liệu tới đây có phải ngành điện và ngành thủy lợi sẽ phối hợp bán nước, người dân muốn có nước đưa vào đồng ruộng để cấy sẽ phải bỏ tiền ra mua hay không?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời: Nhiều công trình thủy lợi có tính chất đa mục tiêu, ngoài phục vụ sản xuất nông nghiệp còn phục vụ nhiều dịch vụ khác, như: tạo nguồn nước cho sản xuất công nghiệp, sinh hoạt, kết hợp phát điện, giao thông thủy, dịch vụ du lịch. Theo Dự thảo Luật Thủy lợi hiện đã được trình lên Quốc hội thông qua, có quy định “Việc định giá được thực hiện theo cơ chế thị trường đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thuỷ lợi không phục vụ mục đích công ích”.

Cơ chế giá dịch vụ thủy lợi sẽ là cơ sở pháp lý để thu đúng, thu đủ từ các dịch vụ thủy lợi phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng thu cho ngân sách nhà nước để tập trung đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp công trình thủy lợi cho khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa trong bối cảnh ngân sách nhà nước có hạn, nhu cầu đầu tư xây dựng công trình thủy lợi còn rất lớn, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt và yêu cầu sử dụng nước ngày càng cao. Đồng thời, cơ chế này sẽ khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc thành phần kinh tế khác tham gia hoạt động thủy lợi, tạo động lực cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tốt hơn và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính ổn định cho phát triển kinh tế-xã hội nói chung và cho sản xuất nông nghiệp nói riêng, Dự thảo Luật có quy định về giá dịch vụ thủy lợi và miễn, giảm tiền sử dụng dịch vụ thủy lợi để bảo đảm tính khả thi và phù hợp khả năng của nền kinh tế theo hướng không thấp hơn các chính sách hiện tại. Theo đó, đối với phục vụ sản xuất nông nghiệp, giá dịch vụ thủy lợi được tiếp tục xem xét để trợ giá.

Ông Nguyễn Quốc Chính bổ sung thêm: Các trạm bơm của ngành thủy lợi cũng là khách hàng của EVN nên bán điện cho các trạm bơm là bán theo giá của Chính phủ và Bộ Công Thương ban hành. Trong tương lai, tôi nghĩ là sẽ vẫn theo cơ chế này để triển khai bán điện cho ngành thủy lợi.

img imggiao luu truc tuyen ve do ai vu dong xuan 2016-2017 hinh anh 22

img imggiao luu truc tuyen ve do ai vu dong xuan 2016-2017 hinh anh 3

Bạn đọc Hoàng Mai (Bắc Ninh) hỏi: Trong thời gian bơm nước, trường hợp xảy ra sự cố mất điện thì ngành điện sẽ xử lý như thế nào. Nhất là nếu máy bơm bị cắt điện vào ban đêm liệu có cán bộ ngành điện sửa chữa khắc phục được ngay không?

Ông Nguyễn Quốc Chính trả lời: Tất cả các Công ty điện lực của EVN đều đã có kế hoạch và bố trí ứng trực 24/24h để xử lý tất cả các sự cố để đưa vào vận hành trở lại các trạm bơm, ngành điện cũng đã chuẩn bị đầy đủ các vật tư thiết bị thiết yếu để thay thế các vật tư thiết bị bị hư hỏng, đảm bảo thời gian xử lý sự cố là ngắn nhất.

img imggiao luu truc tuyen ve do ai vu dong xuan 2016-2017 hinh anh 3

Bạn đọc Bùi Văn Trung (Thái Nguyên) hỏi: Hiện nay, thống kê của ngành thủy lợi cho thấy, các tỉnh phía Bắc có tất cả bao nhiêu tram bơm lớn, nhỏ phục vụ cho tưới tiêu? Nếu hạ thấp đáy của các trạm bơm này có khả thi hay không và để đầu tư liệu có tốn kém không?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời: Số lượng trạm bơm phục vụ tưới, tiêu trên toàn quốc hiện nay khoảng 13.300 trạm; trong đó, số lượng tập trung ở khu vực phía Bắc rất lớn. Các trạm bơm này đã được bắt đầu xây dựng từ những năm 1960, tiếp tục được đầu tư qua hàng năm. Việc các trạm bơm dọc hệ thống sông Hồng có thể hạ thấp được hay không thì phải xem xét điều kiện cụ thể thông qua các dự án quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ bản. Kinh phí chắc chắn sẽ rất lớn và chắc chắn không thể thực hiện được ngay trong một vài năm.

img imggiao luu truc tuyen ve do ai vu dong xuan 2016-2017 hinh anh 3

Bạn đọc tên Giang (Hà Nội) hỏi ông Nguyễn Quốc Chính: Được biết ông công tác nhiều năm trong lĩnh vực sản xuất điện, cụ thể là thủy điện, so sánh với những lần đổ ải trước, đổ ải vụ Đông Xuân 2016-2017 liệu có tiết kiệm nước hơn?

Ông Nguyễn Quốc Chính trả lời: Công tác này đã bắt đầu được khoảng 9-10 năm, trong những năm đầu chúng tôi xả khoảng 2-3 tỉ m3 đã đủ cho đồng bằng Bắc Bộ. Không tính năm ngoái chúng ta tiết kiệm nên chỉ phải xả 3 tỉ m3, còn những năm trước nữa thì chúng ta cần xả đến 4-5 tỷ m3. Lượng xả càng ngày càng tăng do nhiều nguyên nhân như biến đổi khí hậu.

Tôi cũng có thời gian công tác dài ở Thủy điện Thác Bà, tôi thấy các ngành cần có nhiều biện pháp đồng bộ và quyết liệt thì mới đảm bảo đủ nước cho các năm sắp tới. Hiện, mực nước sông Hồng càng ngày càng thấp nên chúng tôi cũng có ý kiến với các địa phương, nghiên cứu các giải pháp về mặt công trình, chúng tôi cũng nghiên cứu đề xuất với Bộ NTNN có những giải pháp đồng bộ trong thời gian sắp tới.

img imggiao luu truc tuyen ve do ai vu dong xuan 2016-2017 hinh anh 26

img imggiao luu truc tuyen ve do ai vu dong xuan 2016-2017 hinh anh 3

Bạn đọc Hoàng Điệp (Phúc Thọ, Hà Nội) hỏi: Tôi được biết là mỗi năm, cứ vào mùa khô là phải triển khai xả nước đổ ải, gieo cấy vụ Đông Xuân ở các tỉnh phía Bắc với mức trung bình khoảng 5 tỷ m3 nước. Việc xả nước để phục vụ gieo cấy cho bà con là rất quan trọng nhưng thực tế, lượng nước chảy đi cũng rất lãng phí, không bơm được hết. Liệu có giải pháp hạ thấp các trạm bơm xuống để vừa bơm được nước phục vụ gieo cấy, vừa tiết kiệm nước cho sản xuất điện được không?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời: Các đợt lấy nước đều được thực hiện trùng với các kỳ triều cường, đây là yếu tố làm giảm lượng nước thất thoát, tạo điều kiện thuận lợi cho các công trình thủy lợi lấy nước. Hiện tại, rất nhiều các trạm bơm dã chiến đã được các địa phương lắp đặt với khả năng bơm được mực nước rất thấp; tuy nhiên, công suất của các trạm bơm này chưa đủ để phục vụ cấp nước cho đổ ải, làm đất vụ Đông Xuân trong thời gian ngắn như hiện nay.

Việc xây dựng những trạm bơm lớn để cấp nước đã và đang được Bộ NNPTNT nghiên cứu, xem xét trong giai đoạn quy hoạch, nhưng khả năng thực hiện sẽ phải trong thời gian dài vì cần lượng vốn đầu tư rất lớn. Hiện nay, rất nhiều các trạm bơm dã chiến ở các địa phương đã lắp đặt rất thấp, chỉ cần có nước chảy là bơm được. Tuy nhiên, các trạm bơm này vẫn không đủ cung cấp nước cho các đợt xả nước, đổ ải, phục vụ gieo cấy trong thời gian rất ngắn. Việc xây dựng các trạm bơm mới cũng như cải tạo các trạm bơm trước đây không phải làm một sớm, một chiều và đòi hỏi nguồn đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, chúng tôi muốn nhấn mạnh thêm, toàn bộ lượng nước xả từ các hồ chứa đều qua máy phát điện, hoàn toàn không xả lãng phí.

img imggiao luu truc tuyen ve do ai vu dong xuan 2016-2017 hinh anh 3

Bạn đọc tuanminhhoang83@... hỏi: Nếu lỡ may đang bơm nước mà chúng tôi bị mất điện thì phải làm sao, thưa ông Chính?

Ông Nguyễn Quốc Chính trả lời: Tất cả các công ty điện lực đều có kịch bản cung cấp điện cho các địa phương, đồng thời đã đề ra các kế hoạch để giải quyết. Nếu mất điện của chi nhánh này, tổng công ty sẽ tiến hành cấp điện vào nhánh khác. Trong điều kiện trạm biến áp hỏng, chúng tôi đã có dự trữ những máy móc để thay ngay.

Trong những năm trước do khó khăn về nguồn điện nên chất lượng điện năng không cao nhưng những năm gần đây chất lượng điện năng tăng cao, chúng tôi đã có các phương án kịp thời. Tại các trạm đều có người trực 24/24.

img imggiao luu truc tuyen ve do ai vu dong xuan 2016-2017 hinh anh 3

Bạn đọc Bùi Hồng Hà (Hải Dương) hỏi: Chúng tôi băn khoăn là đợt lấy nước thứ 2, thứ 3 lại vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Liệu người dân có lấy nước vào đồng ruộng không hay còn mải ăn Tết? Bản thân ngành thủy lợi cũng có trực bơm nước trong những ngày Tết không?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời:  Để tiết kiệm nước thì các đợt lấy nước phải trùng với kỳ triều cường, hoàn toàn trùng với thời gian Tết (thủy triều phụ thuộc vào mặt trăng nên tính theo ngày Âm lịch). Tuy nhiên, để tránh lãng phí nước, lịch lấy nước không trùng với các ngày Tết. Đợt 2 kết thúc lúc 24h ngày 29.12 Âm lịch, Đợt 3 bắt đầu lúc 0h ngày 10.1 Âm lịch. Trong các ngày Tết, tùy điều kiện nguồn nước, các đơn vị quản lý khai thác vẫn trực bơm, cấp nước nếu còn nguồn nước để bơm.

img imggiao luu truc tuyen ve do ai vu dong xuan 2016-2017 hinh anh 3

Câu hỏi của bạn đọc Nguyễn Quân (Ninh Bình) hỏi: Đã có năm nào có trường hợp kết thúc 3 đợt xả nước, EVN gặp khó khăn về phát điện trong các đợt cao điểm mùa khô hay chưa?

Ông Nguyễn Quốc Chính trả lời: Nếu xả đúng kế hoạch là 5 tỷ m3 thì tất nhiên ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của tập đoàn (lãi, lỗ) của tập đoàn. Trong trường hợp xả đủ 5 tỷ m3, chúng tôi phải có giải pháp khác để đảm bảo đủ điện cho sản xuất của nền kinh tế và đời sống của người dân. Khi thiếu hụt nguồn nước, Tập đoàn sẽ phải tính đến việc sử dụng năng lượng thay thế và chi phí sẽ đắt gấp 3 -4 lần thủy điện. Trường hợp nếu như tiết kiệm được nguồn nước thì chắc chắn sẽ đảm bảo được đủ nguồn điện và sẽ tác động trực tiếp tới chi phí và giá điện cũng như kế hoạch và kết quả sản xuất kinh doanh của tập đoàn.

img imggiao luu truc tuyen ve do ai vu dong xuan 2016-2017 hinh anh 3

Trước đó đã có bạn đọc hỏi ông Chính về giải pháp ngăn sông Hồng nhằm tiết kiệm nguồn nước xả từ các hồ thủy điện mỗi năm. Xin hỏi thêm ông Hùng, giải pháp này liệu có khả thi hay không?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời: Giải pháp ngăn sông Hồng là giải pháp được nhiều nhà khoa học đưa ra và nghiên cứu. Hiện tại, Bộ NNPTNT đang giao cho các đơn vị liên quan nghiên cứu để đảm bảo tính khả thi của dự án này. Thực tế, nếu thực hiện được giải pháp này chắc chắn sẽ giảm được nguồn nước của ngành điện xả nước từ các hồ thủy điện hàng năm.

Tuy nhiên, việc triển khai có khả thi không còn phải được xem xét tổng thể vì sông Hồng không chỉ đảm bảo nước gieo cấy cho nông nghiệp mà còn có chức năng thoát lũ và giao thông thủy và đảm bảo nguồn nước cho sản xuất công nghiệp, dân sinh...  Hiện dự án này vẫn đang được các nhà khoa học và cơ quan xem xét kỹ về hiệu quả kinh tế và hệ thống dân sinh.

img imggiao luu truc tuyen ve do ai vu dong xuan 2016-2017 hinh anh 3

Bạn đọc từ hòm thư Ngoctranvan84@... hỏi ông Nguyễn Quốc Chính: Vai trò của các cơ quan truyền thông trong đổ ải vụ Đông Xuân 2016-2017 có ý nghĩa như thế nào?

Ông Nguyễn Quốc Chính trả lời: Tôi thấy vai trò của truyền thông là cực kỳ quan trọng. Truyền thông là cầu nối, từ phía ngành nông nghiệp, ngành điện cũng nhờ phần lớn từ công tác truyền thông. Nhờ truyền thông tại các địa phương, các nhà máy, các trạm bơm, các công trình biết được lịch chính xác lấy nước vào thời điểm nào để có kế hoạch cụ thể. Cũng nhờ truyền thông, giúp nâng cao ý thức cho bà con, của các nhà máy trong việc tiết kiệm tài nguyên của quốc gia, đảm bảo tài nguyên nước. Để nhấn mạnh vai trò của nhà nước, vai trò tiết kiệm tài nguyên nước, vai trò của truyền thông rất lớn.

Sau gần 2 tiếng diễn ra, cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề "Sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm đổ ải vụ Đông Xuân 2016-2017” đã kết thúc với gần trăm câu hỏi từ bạn đọc quan tâm. Tuy nhiên vì thời lượng chương trình có hạn nên chúng tôi xin được giải đáp sau.

Trân trọng cảm ơn quý bạn đọc đã nhiệt tình tham gia và gửi câu hỏi tới chương trình!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem