Giáo sư lâm nghiệp hiến kế cho tỉnh Bình Thuận cách trồng mới 1.844ha rừng để bù 619ha rừng làm hồ chứa nước Ka Pét

Minh Ngọc (thực hiện) Thứ sáu, ngày 08/09/2023 06:00 AM (GMT+7)
GS-TSKH Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng Viện Quản lý Rừng bền vững và Chứng chỉ rừng cho biết: "Để trồng hơn 1.800ha rừng thay thế 619ha rừng được chuyển đổi, nhường chỗ xây dựng hồ chứa nước Ka Pét (huyện Hàm Thuận Nam), tỉnh Bình Thuận cần lựa chọn những loại cây bản địa có tác dụng phòng hộ bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn, sạt lở...
Bình luận 0

619ha rừng "nhường chỗ" cho xây dựng hồ chứa nước Ka Pét, chuyên gia nói gì về việc Bình Thuận trồng 1.800ha rừng thay thế? - Ảnh 1.

Thiết kế đập trong dự án hồ thủy lợi Ka Pét. Ảnh: Ban quản lý dự án Công trình NNPTNT Bình Thuận

Liên quan đến việc tỉnh Bình Thuận sẽ triển khai xây dựng hồ chứa nước Ka Pét (huyện Hàm Thuận Nam) trong đó, có sử dụng hơn 619ha rừng hiện hữu được chuyển đổi nhường chỗ cho hồ. Để trồng bù gấp 3 lần diện tích này theo quy định của luật Lâm nghiệp, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ trồng mới hơn 1.844ha rừng ở khu vực khác. Liên quan đến vấn đề này, PV Dân Việt đã phỏng vấn GS-TSKH Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng Viện Quản lý Rừng bền vững và Chứng chỉ rừng.

Thưa Giáo sư, là một người có thời gian dài nghiên cứu về lâm nghiệp, về rừng; Giáo sư đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc bảo vệ, phát triển rừng ở nước ta?

- Việt Nam hiện có hai loại rừng là rừng trồng và rừng tự nhiên. Rừng nguyên sinh là một khái niệm trong rừng tự nhiên, là loại rừng chưa có tác động của con người, nhưng thực chất thì ở Việt Nam chỗ nào cũng bị con người tác động rồi, dù ít hay nhiều. Thời gian qua, đã xảy ra nhiều hiện tượng về sạt lở đất, lũ quét, nguyên nhân thì có nhiều, trong đó không thể bỏ qua yếu tố mất rừng tự nhiên.

Ở thời điểm năm 1945, độ che phủ rừng tự nhiên ở nước ta lên tới 43%. Tuy nhiên, sau đó do tác động của chiến tranh cùng với trình độ quản lý rừng yếu kém trong thời gian dài, đã dẫn đến có thời điểm độ che phủ rừng đã bị mất tới gần một nửa (còn khoảng 27%), gây ra những mối đe dọa tới sinh hoạt, phát triển nông nghiệp.

619ha rừng "nhường chỗ" cho xây dựng hồ chứa nước Ka Pét, chuyên gia nói gì về việc Bình Thuận trồng 1.800ha rừng thay thế? - Ảnh 2.

Theo GS-TSKH Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng Viện Quản lý Rừng bền vững và Chứng chỉ rừng, để trồng rừng thay thế cho 619ha rừng "nhường chỗ" để xây dựng hồ chứa nước Ka Pét, tỉnh Bình Thuận cần tổ chức trồng rừng thay thế với các loài cây bản địa có tác dụng phòng hộ bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn, sạt lở đất.

Năm 1992, chương trình trồng 5 triệu ha rừng được khởi động, diện tích rừng trồng đã được nâng lên khá nhiều. Hiện nay, nhờ các chương trình phát động, diện tích che phủ cũng đã được tăng lên, theo số liệu thì diện tích rừng che phủ hiện lên đến 41,7%.

Tuy nhiên, đó là rừng trồng nên khả năng tích trữ, chống lũ, sụt lún cũng chỉ có tác dụng bằng 1/5 rừng tự nhiên. Vai trò của rừng tự nhiên rất khác. Nó là hệ vi sinh vật, là cân bằng sinh thái. Nếu đất trống, đồi trọc, chỉ có cỏ và cây bụi... khi mưa xuống có tới 95% nước chảy tràn trên mặt, chỉ có 5% thấm một lớp mỏng vào đất. Lượng nước chảy tràn trên mặt gọi là lũ, như lũ ống, lũ quét…

Nhưng có rừng tự nhiên thì 90% nước rơi xuống không chảy tràn trên mặt nữa, mà thấm sâu dưới đất. Một cơn mưa bình thường kéo dài 1 - 2 giờ với lượng mưa khoảng 100mm thì không có nước chảy tràn trên mặt, hết mưa là mặt đất không có nước, mà thẩm thấu trở thành nước ngầm, không còn khả năng gây lũ ống, lũ quét.

Quay trở lại với câu chuyện mà dư luận đang quan tâm hiện nay, đó là tỉnh Bình Thuận đang chuẩn bị triển khi xây dựng hồ chứa nước Ka Pét nằm trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Để xây dựng hồ, dự kiến sẽ có hơn 619ha rừng phải chuyển đổi và tỉnh Bình Thuận sẽ trồng bù lại gấp 3 lần diện tích trên (khoảng 1.844ha). Theo Giáo sư, để trồng bù lại rừng có hiệu quả, Bình Thuận nên trồng rừng như thế nào và với chủng loại cây rừng như thế nào?

- Bình Thuận là một trong những tỉnh khô hạn nhất Việt Nam. Đây là vùng có lượng mưa rất thấp, chỉ 800-1.150 mm/năm. Bởi vậy việc trồng 1.844ha rừng thay thế cho 619ha rừng phải "nhường chỗ" cho xây dựng hồ chứa nước Ka Pét, cần tổ chức trồng các loại cây rừng bản địa, bởi chúng có tác dụng phòng hộ bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn, sạt lở đất cao do có tán lá rậm, hệ rễ phát triển và khả năng chống chịu gió bão tốt, nhất là trong bối cảnh thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp như mưa to, bão lớn, lũ lụt, sạt lở đất, nắng hạn kéo dài,…

Đồng thời còn có giá trị về kinh tế, bảo tồn đa dạng sinh học góp phần nâng cao chất lượng rừng, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Theo Giáo sư, hơn 1.844ha rừng trồng thay thế với kinh phí 177 tỷ đồng để thực hiện, Bình Thuận cần đưa ra những giải pháp gì để trồng rừng có hiệu quả. Song song với đó, cần có giải pháp gì để kiểm tra, giám sát việc trồng rừng đó?

- Đầu tiên, người có quyền hạn phê duyệt dự án trồng rừng thay thế là người có trách nhiệm cao nhất, phải chỉ đạo, giám sát, thông báo sẽ trồng vào thời gian nào, trồng cây gì?.

Tuân thủ quy định tại thông tư số 13/2019/TT-BNNPTNT ngày 25/10/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm và Hạt Kiểm lâm và người được giao trồng rừng phải thường xuyên kiểm tra, chăm sóc.

Có nhiều ý kiến cho rằng, vì sao tỉnh Bình Thuận không trồng rừng thay thế trước khi khởi công dự án hồ chứa nước Ka Pét. Quan điểm của Giáo sư như thế nào?

- Tôi đồng tình với ý kiến này. Theo tôi, nếu tỉnh Bình Thuận đã quy hoạch được đất trồng rừng thay thế và bố trí được kinh phí rồi, thì phải tiến hành ngay việc trồng rừng thay thế chứ không phải đợi sau khi khởi công hồ chứa nước Ka Pét mới tiến hành trồng rừng thay thế. Việc triển khai trồng sớm cũng giúp dư luận yên tâm hơn với việc phải chuyển đổi 619ha rừng đang có để làm hồ chứa nước. Theo tôi, việc này nên làm càng sớm, càng tốt.

Xin cảm ơn Giáo sư

Thông tư số 25/2022 của Bộ NNPTNT cho phép mở rộng rừng, đất rừng để trồng rừng thay thế. Cụ thể, chủ đầu tư được trồng rừng trên đất quy hoạch cho rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất.

Theo tỉnh Bình Thuận, diện tích trồng rừng thay thế trên 1.844ha, sử dụng kinh phí gần 177 tỷ đồng. Tỉnh dự kiến hoàn thành trồng rừng thay thế vào năm 2025 - cùng thời điểm kết thúc dự án xây hồ chứa nước Ka Pét. Theo đó, tỉnh dự kiến mở rộng trồng rừng thay thế cả ở khu vực được quy hoạch rừng sản xuất mà không chỉ giới hạn ở khu quy hoạch rừng đặc dụng, phòng hộ. Với hơn 2.000ha đất rừng sản xuất của tỉnh có thể trồng rừng thay thế.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem