Giáo sư Lê Văn Lan: Người nông dân luôn đóng vai trò chủ thể trong chiều dài lịch sử phát triển của đất nước

Minh Ngọc Thứ sáu, ngày 14/10/2022 05:43 AM (GMT+7)
Đất nước Việt Nam trải qua 4.000 năm lịch sử, từ thời Hùng Vương đã xuất hiện xã hội có giai cấp và trong xã hội ấy thì hình ảnh, sự xuất hiện của người nông dân là chính. Chúng ta có những người làm thủ công nhưng họ sống lẫn vào trong các làng, xã của những người nông dân.
Bình luận 0

Từ thời Hùng Vương cho đến thế kỷ IXX khi xã hội biến động chuyển từ thời cổ đại, trung đại, cận đại và cách mạng công nghiệp thì đã bắt đầu hình thành và xuất hiện thêm giai cấp công nhân. Nhưng vị trí, vai trò và sự đóng góp của người nông dân trong tiến trình phát triển của từng giai đoạn của lịch sử vẫn chiếm một vị thế vô cùng quan trọng. Sơ kết lại chúng ta có cái nhìn tổng quan về người nông dân trong lịch sử dân tộc Việt Nam bằng một hằng số, bao gồm có 3 chữ "N", đó là: "Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn".

Hằng số 3 chữ "N" này là nền cảnh, trong đó, nông dân giữ vai trò chủ thể, họ là những người làm chủ nông thôn và là những người hoạt động để tạo ra kinh tế nông nghiệp và văn hóa, văn minh lúa nước. Lúa nước chứ không phải lúa mỳ, cao lương cho nên từ kinh tế nông nghiệp lúa nước xuyên suốt từ thời Hùng Vương cho đến thời Nguyễn thì vai trò của người nông dân luôn giữ vai trò chủ lực, là số một. Như vậy, từ thời Hùng Vương đến thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn người nông dân Việt Nam góp phần tạo ra nền tảng của sự phát triển lịch sử.

Giáo sư Lê Văn Lan: Người nông dân luôn đóng vai trò chủ thể trong chiều dài lịch sử phát triển của đất nước - Ảnh 1.

Theo Giáo sư Lê Văn Lan, người nông dân luôn đóng vai trò chủ thể trong chiều dài lịch sử phát triển của đất nước. Ảnh: Nguyễn Chương

Từ hoạt động kinh tế ấy đã tạo ra một cấu trúc xã hội. Trong đó, đúc kết của trí thức thời phong kiến là: "sĩ - nông – công – thương", về sau có thêm "binh". Thêm nữa là trên lá cờ 5 sao của chúng ta như nhiều người giải thích thì đó là tượng trưng cho 5 thành giới của xã hội thì ở đó người nông dân được xếp vào hàng thứ hai.

Đứng thứ nhất là "sĩ" tức là trí thức (trí thức nho học), tuy nhiên, trên thực tế thì người nông dân đã có câu đúc kết về vai trò, vị trí xã hội của họ trong lịch sử xuyên suốt là: "nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ" thì trong cấu trúc xã hội vai trò của người nông dân cũng là số một.

Về văn minh, văn hóa thì người nông dân cũng đứng ở vị trí số một trong việc tạo ra đời sống, lối sống, cách ứng xử và những thành tựu cho cuộc sống, cho từng cá thể và từng cộng đồng nông dân, như thế là văn minh nông nghiệp trồng lúa nước. Ở đây có một nền văn minh mang đậm tính chất bởi được tạo ra từ người nông dân. Chúng ta dễ dàng tìm ra được vị trí, thành tựu, sản phẩm về mặt văn minh, văn hóa.

Ở Việt Nam có hai tuyến đường ray làm nên nền văn hóa dân tộc. Một bên là nền văn hóa cung đình (văn hóa bác học) được tạo ra bởi trí thức mà những trí thức ấy cũng phần lớn từ nông dân mà ra. Nhưng tuyến bên kia thì hoàn toàn là nông dân sống ở các vùng nông thôn và hoạt động, sản xuất kinh tế nông nghiệp. Do đó tuyến đường ray thứ hai này hoàn toàn là văn minh, văn hóa do người nông dân tạo ra.

Và chúng ta có cả một thế giới, có cả một kho tàng văn học, trong đó, có ca dao, tục ngữ, hò vè… Về mặt nghệ thuật có kiến trúc của những ngôi đình, đền. Về mặt ý thức chúng ta có cả một hệ thống những tín ngưỡng rất đặc sắc từ thờ trời cho đến kính trọng các bậc tiền bối, tổ tiên cho đến tình thương yêu đồng bào và lòng yêu nước tha thiết…Đều xuất phát từ nông dân.

Giáo sư Lê Văn Lan: Người nông dân luôn đóng vai trò chủ thể trong chiều dài lịch sử phát triển của đất nước - Ảnh 2.

Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) vào năm 1954. Ảnh: Tư liệu

Sơ kết lại về mặt kinh tế, xã hội, văn hóa, văn minh thì toàn bộ tổng thể là cơ sở, thực tế tồn tại của lịch sử đất nước và dân tộc nổi bật lên bao giờ cũng ở hàng đầu là những người nông dân.

Trong lịch sử phát triển của đất nước thì người nông dân có đóng góp rất lớn trong việc giữ nước, đánh đuổi giặc ngoại xâm. Chúng ta đã quen và nói rất nhiều về thực hiện song song hai nhiệm vụ của sự phát triển lịch sử mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người tổng kết, đó là, dựng nước và giữ nước. Dựng nước là làm ăn kinh tế, sáng tạo văn hóa, văn chương nghệ thuật. Giữ nước là chiến tranh, kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Cả hai tuyến phát triển đặc trưng của lịch sử dân tộc ấy đều có vai trò cơ bản, chủ lực của người nông dân.

Anh anh Lê Sỹ Hòa (thôn 8, xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 đến từ Lâm Đồng trồng sầu riêng, lãi 1,2 tỷ-năm. Video: Văn Long.

Ai đánh giặc trên phòng tuyến sông Cầu thời Lý, đó là những người nông dân. Ai đi theo Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông làm nên 3 cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên, là nông dân. Đặc biệt, ai theo Lê Lợi, Nguyễn Trãi làm nên chiến dịch Lam Sơn khởi nghĩa, toàn bộ là những người nông dân. Bấy giờ ngay như tướng lĩnh trong phong trào Lam Sơn ấy chúng ta chỉ nghe kể tên thôi thì cũng đã thấy cái chất nông dân, nguồn gốc nông dân của họ. Theo đó, có một ông tướng họ Bùi tên là Bị và khi kháng chiến thành công thì được đổi thành họ Lê, những cái tên như thế phản ánh rất rõ phong trào Lam Sơn là phong trào yêu nước, giữ nước, chống xâm lược và đô hộ do những người nông dân thực hiện.

Đến thời kỳ Quang Trung, Nguyễn Huệ làm nên cuộc kháng chiến chống 29 vạn quân Thanh xâm lược thì ai đứng dưới lá cờ đỏ kéo dài tung bay trong trận Ngọc Hồi – Đống Đa, vẫn là những người nông dân ở vùng Tây Sơn. Rồi từ vùng Thanh – Nghệ, vùng đồng bằng Bắc bộ họ đứng dưới cờ, là quân chủ lực của những trận đánh và những chiến thắng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Anh Vàng Văn Sưởng, dân tộc Giáy, xã Mường Vi (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) với nấu tinh dầu, thu tiền tỷ là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022. Vieo: Thanh Ngân-Phạm Hoài.

Vai trò, vị trí của người nông dân càng được nâng cao trong thời đại Hồ Chí Minh. Nói đến thời đại Hồ Chí Minh là một lát cắt lịch sử mới, biến động, thay đổi và chuyển hóa rất mạnh mẽ, cơ bản…cho nên xã hội cổ truyền đến lúc này thì gần như giải thể để cho lịch sử và cấu trúc xã hội chuyển sang một thời đại mới, đó là thời đại Hồ Chí Minh.

Lịch sử Việt Nam với nét đặc trưng nổi bật, đó là những giá trị truyền thống luôn được bảo tồn, gìn giữ và phát huy qua hàng nghìn năm lịch sử, trong đó, vai trò, sự đóng góp rất lớn của nông dân đã làm nên cuộc cách mạng tháng 8-1945. Đảng Cộng sản lãnh đạo nhưng thành phần trong lực lượng lãnh đạo ấy, cho đến quảng đại quần chúng thì có sự tham gia của nông dân.

Thời ấy chúng ta nghe nói rất nhiều "nông dân là quân chủ lực". Trong Cách mạng tháng 8-1945, kháng chiến chống Pháp, Mỹ đều nghe đến chiến tranh du kích, cách đánh này là chiến tranh của người nông dân được tổ chức lại với thiên tài quân sự của Võ Nguyên Giáp, đó là những "người chiến sĩ nông dân". Những người nông dân mặc áo lính rồi trở thành những sĩ quan, tướng lĩnh vô cùng tài ba.

Cứ lật áo họ lên mà xem cái da bụng, suốt thời gian niên thiếu úp bụng trên lưng trâu, bây giờ đi đánh nhau cứu nước, giữ nước, rồi trở thành những tướng lĩnh trụ cột của đất nước.

Nữ tỷ phú nuôi tôm công nghệ cao Nguyễn Thanh Thủy (ngụ xã Điền Hải, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) là nông dân Việt Nam xuất sắc 2022. Video: Chúc Ly.

Để giành được thắng lợi cuối cùng, thống nhất đất nước thì vai trò, sự đóng góp, hi sinh của những người nông dân là rất lớn. Thời nay, đi về làng nào cũng có một nghĩa trang liệt sỹ và những người mẹ Việt Nam anh hùng. Có thể kể đến như mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ (tỉnh Quảng Nam) là hình ảnh điển hình, minh chứng cho sự hi sinh cao cả để giành độc lập cho Tổ quốc. Những con người ấy, không phải ai khác mà chính là những người nông dân.

Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, khi xã hội cổ truyền không còn tồn tại nhưng các giá trị truyền thống vẫn được bảo tồn, phát huy, trong đó, có vai trò của người nông dân.

Giáo sư Lê Văn Lan: Người nông dân luôn đóng vai trò chủ thể trong chiều dài lịch sử phát triển của đất nước - Ảnh 3.

Trải qua chiều dài phát triển của lịch sử đất nước, người nông dân luôn có vai trò, đóng góp vô cùng quan trọng. Trong thời đại hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, người nông dân vẫn đang từng ngày thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật để cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần vào phát triển kinh tế đất nước. Trong ảnh là nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 Nguyễn Thị Trâm ở xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh với mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Khương Lực

Từ đổi mới 1986 cho tới nay, người nông dân vẫn cần cù, nhẫn nại, chịu thương chịu khó; "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời"; "đổ mồ hôi sôi nước mắt"; "ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần"… đó là phẩm chất của người nông dân nhưng họ làm nông nghiệp với đầu óc, phẩm chất tinh thần vẫn chỉ là tư duy kinh nghiệm. Vì vậy, họ rất thích lịch sử chứ không phải những người trí thức, những người công nhân, những người có điều kiện để nghiên cứu, sáng tạo. Những phương tiện để giúp cho sáng tạo, kỹ thuật, công nghệ mà có tính hiện đại thì người nông dân không theo kịp.

Hiện nay, nông dân đang sống ở thời đại mới đầy những yếu tố của công nghệ, văn minh, hiện đại nhưng sống với sự bảo lưu các giá trị truyền thống của thời trung cổ và cận đại. Vấn đề bây giờ là người nông dân ở trong thời đại mới phải thay đổi, đổi mới từ tư duy, trí tuệ, lối sống để hội nhập, để theo kịp vào những phức tạp, chuyển động đang cực kỳ rồi rén trong thời hiện đại này. Nếu cứ hiền lành, thủ thỉ, chất phác thì người nông dân sẽ "dậm chân tại chỗ" so với sự phát triển chóng mặt của xã hội. Chính bản thân họ phải tự trang bị, đổi mới để có phẩm chất, kỹ năng, trí tuệ, có phương thức, phương pháp, suy nghĩ hiện đại. Điều này vô cùng khó khăn nhưng không ai khác người nông dân phải tự làm việc này với sự giúp đỡ, đồng hành của toàn xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem