Giao trẻ dưới 15 tuổi giữ tiền quỹ là sai luật

Chủ nhật, ngày 28/10/2012 12:50 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trẻ em dưới 15 tuổi non nớt như quả trứng, mà giao quỹ lớp thì chẳng khác nào giao ác cho... trứng. Những vụ việc đau lòng xảy ra trong thời gian qua liên quan đến tiền quỹ lớp đã khiến dư luận xôn xao, lo lắng.
Bình luận 0

Từ chuyện học sinh Nguyễn Thị Cẩm Tú (SN 1998) đã uống thuốc diệt cỏ chết vì lỡ làm mất hơn 600.000 đồng tiền quỹ của lớp 9/6, Trường THCS Trung Lập, xã Trung Lập Thượng, Củ Chi, TP.HCM, dư luận đang rất quan tâm và lo lắng.

Quan tâm và lo lắng về việc giao trẻ em dưới 15 tuổi giữ tiền quỹ là đúng, vì các em không đủ tuổi chịu trách nhiệm dân sự, lại không có công cụ giữ tiền an toàn, không biết nghiệp vụ kế toán chi thu, và không đủ trí khôn để xử trí khi làm mất quỹ.

“Giao… ác cho trứng”

img
Di ảnh của em Cẩm Tú, một học sinh đã tự tử vì lỡ làm mất hơn 600.000 đồng tiền quỹ lớp

Một phụ huynh đã ví von với người viết bài này, tiền bạc là con ác, nó đã làm mờ mắt rất nhiều thủ quỹ có nghiệp vụ kế toán mà vẫn biển thủ hàng chục tỷ đồng. Trẻ 14 tuổi như Cẩm Tú non nớt như quả trứng, mà giao quỹ lớp hơn 600.000 đồng cho em giữ, thì khác nào giao ác cho trứng giữ? Hậu quả là ác ăn trứng!

Luật sư Trịnh Thanh (Trưởng văn phòng Luật sư người nghèo, Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết theo Điều 606 và Điều 621 Bộ luật Dân sự: Người chưa thành niên dưới 15 tuổi gây thiệt hại tài sản mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu.

Điều tra cả trẻ 10 tuổi!

Theo Bộ luật Hình sự, trẻ chưa đủ 14 tuổi thì không chịu trách nhiệm hình sự, và người đủ 16 tuổi nếu trộm 2 triệu đồng trở lên mới chịu trách nhiệm hình sự. Vậy mà chỉ vì bị nghi lấy cắp 47.800 đồng, em Huỳnh Thị Ngọc Trâm 10 tuổi, trường Tiểu học An Hiệp 2 (xã An Hiệp, huyện Châu Thành, Đồng Tháp) đã bị công an điều tra truy xét.

Người dưới 15 tuổi trong thời gian học tại trường mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra. Nếu trường học nơi các cháu đang theo học chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý thì cha, mẹ cháu phải có trách nhiệm bồi thường.

Như vậy, việc cô giáo chủ nhiệm giao quỹ lớp cho em Cẩm Tú giữ là sai, vì em chưa đủ năng lực giao dịch dân sự. Nhưng quan trọng hơn là cách hành xử của cô chủ nhiệm khi biết em làm mất quỹ. Theo báo chí đăng tải, khi biết Cẩm Tú mất tiền quỹ, cô chủ nhiệm có la Tú vài câu nhưng ngày 7.10.2012, mẹ Cẩm Tú đi họp hội phụ huynh, cô chủ nhiệm không thông báo cho bà biết việc Cẩm Tú làm mất quỹ lớp.

Trong khi đó, sáng hôm sau 8.10, cô chủ nhiệm lại yêu cầu Cẩm Tú phải đem trả số tiền đó lại cho lớp vào buổi chiều cùng ngày. Nghĩ nhà mình nghèo khó, Tú không dám nói với mẹ nên trưa đó nghĩ quẫn rồi mua thuốc diệt cỏ về uống. Lẽ ra, theo Điều 606 và Điều 621, cô chủ nhiệm phải chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý tiền của Cẩm Tú giữ và thông báo cha mẹ Cẩm Tú phải có trách nhiệm đền bù cho quỹ lớp.

Hậu quả nghiêm trọng xảy ra, nhưng lãnh đạo Trường THCS Trung Lập và Phòng GD-ĐT huyện Củ Chi đều né tránh báo chí. Thậm chí ngày 16.10, bà Nguyễn Thị Loan, Phó Phòng GD-ĐT Củ Chi còn trả lời: “Không có căn cứ để nói là em Tú giữ quỹ làm mất rồi tự tử. Sáng nay (16.10) Trường THCS Trung Lập có gửi tờ trình báo cáo có một học sinh tự tử chết tại nhà. Trường không thấy em này đi học nên điện thoại về nhà và được gia đình cho biết là em uống thuốc tự tử. Nhà trường cho biết nguyên nhân chưa được xác định nên Phòng GD-ĐT hoàn toàn không biết gì về chuyện em này có giữ quỹ hay không”.

Hành xử vô luật pháp

Giống thảm kịch của Cẩm Tú, em Nguyễn Thị Tố Uyên (lớp 7 THCS Phú Túc, Đồng Nai) mới 12 tuổi cũng được giao giữ quỹ lớp 160.000 đồng, em lỡ xài hết số tiền này và ngày 7.1.2010, Tố Uyên đã uống thuốc diệt cỏ ra đi để “đền nợ”. Kết cục, Trường THCS Phú Túc không chịu trách nhiệm về kết cục tang thương, mà cha mẹ của em phải gánh hết.

Nhưng kinh khủng nhất là cách hành xử của Trường tiểu học An Hiệp 2 (xã An Hiệp, huyện Châu Thành, Đồng Tháp), thầy chủ nhiệm đã giao một học sinh lớp 5 (10 tuổi) giữ quỹ lớp trong cặp táp của em. Ngày 14.3.2007, trong giờ ra chơi em giữ quỹ lớp bị mất 47.800 đồng trong cặp, và tố cáo em Huỳnh Thị Ngọc Trâm, 10 tuổi, bạn cùng lớp lấy cắp. Lẽ ra, thầy chủ nhiệm gặp riêng em Trâm động viên, nếu em lỡ lấy thì trả lại, thầy hứa không phạt và không cho cả lớp biết.

Đằng này, thầy báo với thầy hiệu trưởng. Chuyện nhỏ xé ra to, thầy hiệu trưởng sai thầy tổng phụ trách Đội áp giải em Ngọc Trâm bằng xe máy đến Công an xã An Hiệp, đưa vào phòng riêng lấy lời khai, viết bản tường trình, mà không mời cha mẹ em đến giám hộ.

Kết quả, em Ngọc Trâm sau đó đã rơi vào tình trạng hoảng loạn, không thể đến trường. Bị báo chí lên án liên tục, Phòng GD-ĐT huyện Châu Thành và các ban ngành đã đến gặp gia đình em Trâm và thống nhất các cá nhân sai phạm trong vụ hỏi cung em Trâm sẽ chịu trách nhiệm bồi hoàn thiệt hại tinh thần cho em 25 triệu đồng. Dù vậy, em vẫn đã phải bỏ kỳ thi học kỳ II năm 2007.

Việc giao trẻ con giữ quỹ lớp rất phổ biến trong các trường tiểu học và trung học cơ sở, đã gây ra 3 vụ hậu quả rất nghiêm trọng. Đề nghị Bộ GD-ĐT nghiêm cấm việc giao cho học sinh dưới 15 tuổi giữ quỹ lớp, đồng thời tập huấn cho các thầy cô hiểu biết pháp luật về tuổi giao dịch dân sự, cũng như không nên cho thầy cô chủ nhiệm gián tiếp quản lý quỹ lớp, mà giao cho hội phụ huynh đảm trách quỹ này.

Pháp luật đã quy định rõ

Điều 20. Năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi

1. Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác.

2. Trong trường hợp người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Tuổi chịu trách nhiệm hình sự đầy đủ là: 16 tuổi

- Tuổi chịu trách nhiệm dân sự đầy đủ là: 18 tuổi

- Tuổi chịu trách nhiệm hành chính đầy đủ là: 16 tuổi

Theo Dòng Đời

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem