Giáo viên gặp khó khăn khi dạy học online: Không rành công nghệ cùng nhiều áp lực chồng chất
Giáo viên gặp khó khăn khi dạy học online: Không rành công nghệ cùng nhiều áp lực chồng chất
Thanh Thanh
Thứ sáu, ngày 19/11/2021 08:34 AM (GMT+7)
Không chỉ học sinh, rất nhiều giáo viên cũng gặp khó khăn khi dạy học online vì thiếu thiết bị hoặc không rành về công nghệ, bối rối khi xử lý các tình huống trong tiết dạy trực tuyến.
Thầy cô không rành công nghệ, "đánh vật" với từng tiết học
Thời gian vừa qua, đã có rất nhiều sự cố mà giáo viên gặp phải trong quá trình dạy học online (trực tuyến). Trong đó, một số giáo viên đã vô tình để lộ những hình ảnh, video nhạy cảm khi chia sẻ thông tin với học sinh trong tiết học online.
Thực tế cho thấy, dù đã có một thời gian làm quen với việc dạy học online nhưng nhiều giáo viên vẫn gặp vô vàn khó khăn khi không rành về công nghệ, phải "đánh vật" với từng tiết học. Đặc biệt là những giáo viên đã lớn tuổi và ít được tiếp xúc với công nghệ, thầy cô chưa thể làm chủ được công cụ giảng dạy nên không thể tự khắc phục các vấn đề kỹ thuật, các sự cố xảy ra trong quá trình dạy online.
Cô Thảo, 45 tuổi, dạy môn Văn học tại một trường THCS ở Hà Nội đã gặp rất nhiều vấn đề rắc rối khi chuyển từ dạy trực tuyến sang dạy học online. Cô phải nhờ một đồng nghiệp trẻ tuổi ở trường cài hộ phần mềm Google Meet rồi hướng dẫn qua về các sử dụng.
"Dù đã dạy học online mấy tháng nay những mỗi lần vào tiết học tôi vẫn cảm thấy bất an lo lắng. Tôi cũng gặp nhiều vấn đề khó khăn khi chia sẻ các file thông tin với học sinh. Vì không rành công nghệ nên các thao tác tôi phải nhờ đồng nghiệp hoặc con cái hướng dẫn, lưu sẵn mọi thao tác", cô Thảo chia sẻ.
Chung cảnh ngộ với cô Hương, thầy Sơn, 50 tuổi, giáo viên môn Địa Lý cũng không ít lần gặp sự cố khi dạy học trực tuyến. Vì môn Địa lý cần nhiều các dạng sơ đồ, biểu đồ, thường khi dạy trực tiếp tại trường học, thầy sẽ vẽ lên bảng ở lớp cho học sinh dễ hiểu. Tuy nhiên, khi dạy online, muốn vẽ biểu đồ thì lại phải thành thạo các phần mềm văn phòng như Word hoặc PowerPoint.
Bên cạnh đó, khi dạy online, thầy còn không ít lần gửi nhầm file tài liệu cho học sinh hoặc một số ứng dụng liên tục nhảy thông báo gây khó chịu trong giờ học. Gần 30 năm trong nghề, thầy Sơn mới gặp những tình huống rắc rối như vậy nhưng thầy vẫn cố gắng làm quen và xử lý tốt các sự cố xảy ra.
"Tôi phải nhờ con tập huấn về cách sử dụng phần mềm, xử lý các sự cố xảy ra trong quá trình dạy học. Thao tác dần dần thì cũng thấy quen nhưng không biết thì thấy rất phức tạp, không biết phải xử lý ra sao", thầy Sơn cho biết.
Áp lực chồng chất với thầy cô dạy học online
Không chỉ gặp khó khăn khi không rành về công nghệ, các thầy cô còn đối mặt với áp lực chồng chất khi dạy trực tuyến. Ngoài việc đầu tư, chuẩn bị giáo án cho từng tiết học, thầy cô còn có hàng tá công việc không tên như giải đáp thắc mắc của phụ huynh, báo cáo tình hình học tập của học sinh, liên lạc với phụ huynh nếu học sinh không vào lớp.
"Dù dạy online ở nhà nhưng thời gian tôi phải online liên tục để có thể nắm được tình hình của lớp học, của học sinh và giải đáp thắc mắc của các bậc phụ huynh. Mỗi lần vào tiết, điểm danh nếu thấy em nào chưa vào lớp thì phải liên lạc với phụ huynh để nắm được tình hình", cô Mai, giáo viên một trường tiểu học ở Hà Nam chia sẻ.
Không những thế, khi dạy học online, thầy cô còn gặp vô số tình huống như học sinh xin đi vệ sinh, ăn sáng hoặc một số em thì không tập trung, thậm chí khi gọi đến thì trốn mất. Thầy cô phải vừa làm giáo viên, vừa kiêm luôn vai trò của phụ huynh kèm cho các em học sinh học.
"Tôi thường xuyên phải túc trực điện thoại, nếu học sinh thắc mắc gì thì tôi có thể giải đáp được luôn. Đồng thời, cũng phải động viên, quan tâm đến từng em học sinh để biết được các em hiểu bài đến đâu, tiếp thu đến đâu, tiết học online của mình có hiệu quả hay không", thầy Khoa, giáo viên dạy Toán trường THPT ở Hà Nội cho biết.
Khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, giáo viên, học sinh và phụ huynh đều phải làm quen với việc dạy học online trực tuyến. Hơn ai hết, các thầy cô phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và áp lực. Tuy nhiên, những "người lái đò" vẫn đang miệt mài học hỏi, tự hoàn thiện, cố gắng từng ngày để việc mang kiến thức đến cho học sinh không bị cản trở trong mọi hoàn cảnh. Sự nỗ lực của các thầy cô thật đáng quý, đáng trân trọng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.