Giáo viên trường Trung cấp bị tố “chạy” bằng THCS

Duy Hậu Thứ sáu, ngày 08/01/2016 15:05 PM (GMT+7)
Một giáo viên tại trường Trung cấp nghề Vinasme Tây Nguyên (viết tắt là Vinasme, trụ sở tại Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) vừa bị tố nhận làm bằng giả THCS cho các học viên. Ngoài ra, người này cũng bị tố có khả năng “bao học” và “lo” giấy khám sức khỏe cho học viên.
Bình luận 0

“Tất tật 17 triệu đồng”

Ông Trần Minh Lợi (SN 1968, ngụ xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) vừa gửi đơn tố cáo ông Nguyễn Văn Lai (giáo viên tại Vinasme), cho rằng ông này nhận tiền để làm bằng THCS giả.

Theo đó, ngày 25.12.2015, ông Lợi gọi điện đến Vinasme để hỏi thủ tục nâng bằng lái xe và được hẹn sẽ gọi lại. Cùng ngày, một người xưng là giáo viên của trường tên Lai đã gọi lại cho ông Lợi và hẹn gặp nhau. Ngày 28.12.2015, trong cuộc trò chuyện với ông Lợi, ông Lai cho biết sẽ “lo” cho ông Lợi bằng THCS. Bên cạnh đó, ông Lai cũng hứa sẽ “lo” giấy khám sức khỏe, giảm bớt giờ học. Toàn bộ việc chi phí này, kể cả học phí hết 17 triệu đồng. Cụ thể học phí: 4,2 triệu đồng, tiền lấy giấy khám sức khỏe: 800.000 đồng, tiền làm bằng THPT giả: 7 triệu đồng…

img

Ông Lai (giữa) cho rằng mình nhận tiền chỉ để giúp học viên chứ không có khả năng làm bằng giả.

Bên cạnh những băng ghi âm thể hiện nội dung tố cáo trên, ông Lợi còn cung cấp một số băng ghi âm được cho là giao dịch qua điện thoại của ông Lai với một người tên Tú. Cụ thể, trong các cuộc điện thoại này, khi thấy Tú tỏ ra lo lắng về việc mình không có bằng THPT (không đủ điều kiện nâng bằng lái xe), người tên Lai trấn an: “Lên trường gặp anh hướng dẫn làm một cách nhanh nhất gọn nhất, không cần bằng”. Tú hỏi bằng hết 7 triệu hả anh? “Đúng rồi! Ok”. “Khám sức khỏe không anh?” “Không phải khám”. Rồi ông Lai “chốt”: “Tất tần tật 17 triệu”.

Tình ngay lý gian?

Để làm rõ sự việc trên, chúng tôi đã trực tiếp gặp ông Nguyễn Văn Lai. Ông này thừa nhận đã gặp gỡ ông Lợi và có những trao đổi như ông Lợi tố cáo nhưng chuyện này là “tình ngay lý gian”, do khi trao đổi ông không nói rõ ràng với ông Lợi. Ông Lai cho biết, ông chỉ nhận tiền của học viên rồi sau đó sẽ giới thiệu cho họ vào một Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) để học lấy bằng THCS. “Khi học viên vào học chúng tôi sẽ giới thiệu đến một Trung tâm GDTX để học thêm chứ tôi không hề có khả năng làm bằng THPT giả. Cả việc làm giấy khám sức khỏe cũng vậy”- ông Lai nói.

Về việc người tên Tú cho rằng ông lấy tiền để “bao học” (không cần đi học lý thuyết vẫn thi được) ông Lai cho nói: “Tất cả các giáo viên của trường đều có thể bao học. Nhưng khi đi học thì giáo viên này phải trực tiếp hướng dẫn cho học viên, làm sao để đảm bảo khi đi thi học viên sẽ có đầy đủ kiến thức. Trong túi tôi lúc nào cũng có sẵn vài USB có đầy đủ tài liệu để cung cấp cho học viên. Việc thi cử được Sở GTVT quản lý rất chặt chẽ, không có cách nào để lách luật được”. Về việc nhận 800 ngàn để lo giấy khám sức khỏe, ông Lai cũng chối rằng: “Sau khi nhận xong tôi sẽ dẫn họ đi khám”.

img

 Vinasme- nơi ông Lai làm việc được cho là có nhiều mờ ám trong việc dạy và học bằng lái xe.

Trong một diễn biến khác, PV có được thông tin về việc ông Lại đã gọi điện cho ông Lợi sau khi sự việc có nguy cơ vỡ lở, với lời xin: “Cảm ơn anh đã cho em con đường sống. Em gọi đến cảm ơn anh, Tết vợ chồng em xuống hậu tạ anh... Vợ em đau ốm mổ xẻ mấy lần, em thì thương tật, nếu anh giúp thì đại gia đình em cảm ơn anh...Còn nếu mà anh đưa thì em cũng chịu chứ không biết làm thế nào”.

Trả lời câu hỏi của PV “nếu chẳng làm gì sai thì tại sao lại phải gọi điện xin ông Lợi?”. Ông Lai nói: “Tôi chỉ muốn các cuộc trao đổi giữa chúng tôi không bị tung lên mạng xã hội. Bởi nếu làm vậy, dù có đúng hay sai thì bản thân tôi và cả nhà trường sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Do đó vợ tôi mới bảo tôi gọi điện cho ông Lợi xin ông đừng đưa lên”.

Trong những ngày qua, dù rất cố gắng nhưng chúng tôi vẫn không thể liên lạc được để làm rõ thêm các thông tin trên phía từ lãnh đạo Vinasme. Tuy nhiên trước đó, qua điện thoại với chúng tôi, ông Trương Văn Lục, hiệu trưởng trường cho biết: “Quan điểm của nhà trường là cá nhân nào làm sai thì người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tôi đang đi công tác nên chưa làm rõ được vấn đề, nếu đúng thầy Lai nhận tiền để làm bằng giả thì nhà trường sẽ đuổi việc” - ông Lục nói.

Ông Đỗ Bình Chính - Phó giám đốc sở GT-VT tỉnh Đắk Lắk, cho biết đã nghe các thông tin trên nhưng hiện chưa có báo cáo cụ thể từ phía nhà trường. “Dù việc làm bằng giả và nâng bằng chưa thực hiện được và ông Lợi đã lấy lại tiền nhưng nếu đúng sự thật chúng tôi sẽ xử lý nghiêm”- ông Chính nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem