Nguyễn Công Phượng có lẽ là cầu thủ bóng đá nổi tiếng nhất bóng đá Việt Nam hiện tại. Nổi lên từ lứa U19 HAGL năm 2014, tiền đạo quê Nghệ An nối gót những người đàn anh như Văn Quyến, Công Vinh khi thừa hưởng kỹ năng đi bóng khéo léo cùng khả năng dứt điểm xuất sắc. Là đầu tàu của học viện danh tiếng HAGL Arsenal–JMG và thi đấu với tư cách đội trưởng, không bất ngờ khi Công Phượng luôn là tâm điểm của truyền thông.
Mức lương của Công Phượng thấp hơn “chuẩn” cho một cầu thủ trung bình tại V.League.
Kể từ sau ngày Văn Quyến vướng vòng lao lý và không thể có những bước trở lại chuyên nghiệp đủ ấn tượng, Công Vinh kế vị với tư cách tiền đạo số 1 của ĐTQG Việt Nam nhưng cầu thủ này vẫn luôn chịu cái bóng của người đàn anh. Ngoài việc bị đánh giá không quá cao và “ăn hên”, Công Vinh còn để lại một số điều tiếng không tốt khi thi đấu, mặc dù có thể nói anh không thể thoát khỏi vòng xoáy của V.League khi “cả xã hội đều vậy”.
Và rồi, ngày lò đào tạo HAGL JMG ra mắt lứa đầu tiên với đầu tàu Công Phượng, tiền đạo trẻ nhanh chóng “chiếm sóng” cả Việt Nam bằng kỹ năng cá nhân điêu luyện cùng khả năng ngoại ngữ tốt, lối sống chuẩn mực. Cộng hưởng với danh tiếng của HAGL, Công Phượng sớm trở thành siêu sao ở tuổi 20.
Những tưởng với tầm ảnh hưởng lớn đến NHM cả nước, Công Phượng sẽ có một mức lương và thu nhập tốt, để có thể trang trải cuộc sống và giúp đỡ gia đình. Tuy nhiên, theo tiết lộ mới nhất thì mọi chuyện không thực sự quá tốt đẹp. Cụ thể, một người thân trong gia đình Công Phượng tiết lộ trên Khám Phá: “Theo tôi được biết, lương của Công Phượng hiện tại 15 triệu đồng/tháng, chưa kể mỗi trận thắng được thưởng nữa. Ngoài ra, các hợp đồng quảng cáo của Công Phượng lúc này đều thông qua đội bóng chủ quản HAGL… Thu nhập ít nhưng Công Phượng vẫn cố gắng hàng tháng gửi tiền về cho bố mẹ dưỡng già, cố gắng tiết kiệm các khoản thu nhập khác để lo cho tương lai.”
Thời cầu thủ, Công Vinh nhận lương rất cao. Làm công tác huấn luyện ông cũng rất “thoáng” với anh em.
Mức lương 15 triệu/ tháng của Công Phượng thực sự khiến người viết phải ngỡ ngàng. Còn nhớ, thủ môn Minh Nhựt của CLB Long An (người bị cấm thi đấu 2 năm vì hành vi phản cảm vòng 11), một cầu thủ không mấy tiếng tăm và đã có tuổi hưởng lương 20 triệu/tháng tại đội bóng miền Nam. Cũng theo tìm hiểu, mức lương 20 triệu/ tháng là mức “chuẩn” của một cầu thủ đủ chuyên môn thi đấu tại V.League thời điểm này.
Điều đó có nghĩa là, với những cầu thủ được xác định là “ngôi sao” của đội như Công Phượng, đáng ra anh phải được nhiều hơn. Cách đây gần 10 năm tại Hà Nội, Công Vinh từng hưởng lương trên, dưới 40 triệu/ tháng khi chuyển sang CLB Hà Nội (của bâu Kiên) thi đấu, và hơn 72 triệu/ tháng tại Bình Dương năm 2014. Những cầu thủ trụ cột của các đội bóng khác như Thành Lương (CLB Hà Nội), Quốc Phương (FLC Thanh Hóa), Anh Đức (B. Bình Dương)… chắc chắn hưởng nhiều hơn con số 15 triệu của Công Phượng.
Trong khi đó, các khoản thưởng sau mỗi trận thắng, thua… rõ ràng HAGL thời điểm này đang thấp hơn các đội bóng khác. FLC Thanh Hóa treo giải 400 triệu cho mỗi trận thắng, 600 triệu cho một trận thắng trên sân khách, hòa cũng được 300 triệu, còn “tân binh” CLB TP.HCM cũng là 300 triệu cho một trận thắng sân nhà, 500 triệu cho một trận thắng sân khách cùng nhiều lần “vượt khung” khác. HAGL được cho là rất tiết kiệm tiền thưởng, có khi không bẳng một nửa của FLC Thanh Hóa nên Phượng cũng không thể “cá kiếm” quá nhiều từ khoản này khi mà thành tích chung của cả đội cũng không quá tốt.
Chỉ có các khoản quảng cáo là Công Phượng và các đồng đội đang nhỉnh hơn so với những người đồng nghiệp, tuy nhiên, điều này rất mơ hồ bởi Phượng hoàn toàn phụ thuộc vào HAGL và ít khi có những quảng cáo cá nhân. Bản hợp đồng thương mại giá trị nhất của Phượng có lẽ là lần hợp tác với Z.com từ năm ngoái, nhưng cũng không thể nắm rõ Phượng đút túi bao nhiêu từ những lần hiếm hoi làm quảng cáo này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.