Giật mình với con số 72% nhân viên y tế từng bị bạo hành

Nhóm PV Thứ ba, ngày 29/08/2017 15:52 PM (GMT+7)
Tại buổi giao lưu trực tuyến “Ai bảo vệ y, bác sĩ?” do Báo Dân Việt tổ chức, PGS-TS Lê Thanh Hải – Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, theo nghiên cứu nhỏ tại viện, 72% nhân viên y tế từng bị bạo hành.
Bình luận 0

Clip: Giao lưu trực tuyến "Ai bảo vệ y, bác sĩ?"

PGS Hải chia sẻ: “Câu chuyện y bác sĩ bị hành hung vừa qua theo tôi chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Càng ngày, vấn đề này càng đáng lo ngại vì sự gia tăng về số lượng và cấp độ. Điều này đang làm các y bác sĩ tại những cơ sở y tế, cơ sở khám chữa bệnh rất lo lắng. Về lâu về dài, nó sẽ ảnh hưởng tới cả một hệ thống. Khi nhân viên trong bệnh viện bị hành hung, ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng, các nhân viên khác sẽ cảm thấy stress, lo lắng, tâm lý khám chữa bệnh của họ bị ảnh hưởng. Thực trạng này làm tôi cảm thấy lo lắng và buồn”.

img

PGS-TS Lê Thanh Hải – Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư.

Theo PGS Hải, thời gian qua, Bệnh viện Nhi T.Ư đã tiến hành một số nghiên cứu về nhân viên y tế bị bạo lực. Kết quả có tới 72% điều dưỡng viên bị đe dọa, 32% bị hành hung về cơ học (cấu, véo, đạp, xô đẩy).

PGS Hải phân tích, cần phải hiểu tâm lý người bệnh và người thân người bệnh. Đa số bệnh nhân và người nhà tới cơ sở y tế là để thăm khám chứ không phải đến gây hấn. Họ rất stress, rất lo lắng vì bản thân bị đau đớn hoặc lo lắng vì người thân của mình đang bị bệnh, lo lắng những tình hình bệnh tật. Chính vì thế, tâm lý này rất dễ bị kích động và phản ứng. Còn đối tượng thứ hai dễ gặp trong bệnh viện là những đối tượng bị nghiện hút buộc phải vào viện, hoặc người nhà bệnh nhân có sử dụng bia rượu trước đó. Đối tượng thứ 3 là người nhà hoặc bệnh nhân có ý thức pháp luật chưa tốt, họ cứ bực bội hoặc bị kích động là tạo nên phản ứng, bạo hành nhân viên y tế. Bạo lực ở đây không chỉ là bạo lực cơ học mà còn là bạo lực phi cơ học như bằng lời nói: Lăng mạ, chửi bới, đe dọa.

img

Còn về phía nhân viên y tế khi khám chữa bệnh, PGS Hải cũng thẳng thắn thừa nhận: Có 2 yếu tố đè nặng lên điều dưỡng và bác sĩ. Một là khối lượng công việc của họ khá lớn, đặc biệt là tuyến trung ương. Mỗi ngày họ phải giải thích cho hàng trăm bệnh nhân, phải lo lắng làm sao cứu chữa được cho bệnh nhân. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới vấn đề giao tiếp. Nhiều người bên ngoài có cảm giác như quát tháo, hoặc thờ ơ với người bệnh. Đó là sự bất tương xứng giữa nhu cầu của người dân (bệnh nhân đông và đòi hỏi về chất lượng ngày càng cao) với số lượng y bác sĩ.

Điều thứ 2 là y bác sĩ khi bị bạo lực phản ứng không rõ ràng, họ cam chịu nhiều hơn. Bởi để trở thành một bác sĩ họ phải học hành vất vả, mất thời gian, họ không muốn vì một tranh cãi mà làm to chuyện. Bởi vậy, nhiều đe dọa, bạo lực không được khai báo. Những trường hợp rõ ràng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng mới khai báo.

Điều thứ 3 là yếu tố bảo vệ của tổ chức, của công luận và xã hội chưa được công bằng với nhân viên y tế. Nhiều người vẫn cho rằng, khi nhân viên y tế bị hành hung thì “phải có lửa mới có khói”. Các lãnh đạo bệnh viện cũng lo lắng khi xảy ra hành hung, họ thường chọn cách xử lý giảm nhẹ đối với cả hai bên người dân và y bác sĩ.

"Theo tôi đây là xu hướng đáng lo lắng, để giải quyết vấn đề này cần có sự cảm thông sâu sắc giữa người bệnh, gia đình người bệnh với nhân viên y tế. Người lãnh đạo đơn vị phải tổ chức bộ máy để tạo sự phối hợp nhuần nhuyễn trong hệ thống để tạo thành mạng lưới chăm sóc bệnh nhân một cách tốt nhất có thể, cần ngăn ngừa tốt hơn là xử lý" - PGS Hải nhận định. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem