Giật mình với những cuộc ngã giá mua bán giấy đi đường tại Hà Nội: Cộp dấu, thích điền gì thì điền!

Nhóm PV Thứ năm, ngày 02/09/2021 11:44 AM (GMT+7)
PV Dân Việt đã thâm nhập các đầu mối bán giấy đi đường, những cuộc ngã giá - giao dịch giải thích một phần vì sao đường phố Hà Nội vẫn nhiều người đi lại như những ngày qua.
Bình luận 0

Người bán giấy đi đường chỉ cách sử dụng giấy đi đường khống để "thông chốt". 

Sau nhiều ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, lượng người ra đường vẫn đông, có những thời điểm dòng người ùn ứ tại các chốt kiểm soát giấy đi đường.

Lực lượng chức năng cũng phát hiện không ít trường hợp sử dụng giấy đi đường giả, giấy đi đường cấp khống hoặc thậm chí mua giấy đi đường ở hiệu cầm đồ. Điều này gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch, thực hiện đúng yêu cầu "ai ở đâu thì ở yên tại đó". 

PV Dân Việt đã thâm nhập, tìm hiểu việc mua bán giấy đi đường và thật sự bất ngờ với cả một "thị trường bùa hộ mệnh" để đi ra đường bất chấp quy định giãn cách xã hội. 

9bd449204858be06e749.jpg

Lực lượng chức năng tại Hà Nội căng mình kiểm soát người dân ra đường trong những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: Nguyễn Chương.

Ngày 31/8, phát biểu với lãnh đạo TP.Hà Nội và các quận, huyện, xã, phường về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận xét người dân ở Hà Nội ra đường vẫn đông, cho thấy việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 chưa đạt kết quả.

Mẫu nào cũng có, dấu má khỏi lo

"Mày bị ngáo à, tao giao trực tiếp để mày báo công an à", Đ.T.N (người bán giấy đi đường)  nói như hét vào điện thoại khi phóng viên Dân Việt yêu cầu đến trực tiếp xem giấy và trả tiền.

Chúng tôi tìm thấy Đ.T.N qua một hội nhóm về làm giấy tờ trên mạng xã hội Facebook. N cam kết giấy đi đường mẫu nào cũng có, từ TP Hồ Chí Minh đến Hà Nội.

Đ.T.N viện cớ khan hiếm, cũng như việc lấy dấu rất khó khăn, nên giá thành của một tờ giấy đi đường cũng không hề rẻ.

Giật mình với những cuộc ngã giá mua bán giấy đi đường tại Hà Nội: Cộp dấu, thích điền gì thì điền! - Ảnh 4.

Đ.T.N cho biết chỉ giao dịch bằng hình thức ship hàng. Ảnh: HN.

"1,5 triệu đồng/một tờ em nhé. Giá này là hữu nghị rồi. Dấu má đảm bảo chuẩn đét. Nếu em lấy nhiều chị sẽ giảm xuống cho một ít. Chốt nhanh để chị vào dấu luôn", N đon đả, mời chào chúng tôi.

Vừa dứt lời, N bảo chúng tôi gửi thông tin, sẽ có dấu và giấy ngay trong ngày.

N "trình diễn" ngay cho chúng tôi xem quy trình sản xuất giấy đi đường. "Đây nhé, mẫu giấy đi đường trắng đây, em thích điền gì thì điền, chờ chị cộp dấu vào" - N bắn tin.

Sau đó, N gửi bức ảnh tờ giấy đi đường đã được cộp con dấu đỏ chót phía dưới để làm tin. Con dấu có tên một Văn phòng đại diện Công ty nước ngoài tại Hà Nội, chưa rõ là dấu thật hay giả. 

Khi biết hình thức nhận qua người giao hàng, chúng tôi vờ chỉ gửi cọc, nhận được giấy mới gửi nốt tiền nhưng N không đồng ý. Ngay sau đó, N xé phăng tờ giấy đi đường vừa đóng dấu ra làm đôi, tỏ vẻ giận dỗi.

Trước N, chúng tôi trao đổi với một người tên T.K. Ngay đầu cuộc trò chuyện, K vào việc ngay để tránh mất thời gian hai bên.

"Bùa hộ mệnh" giấy đi đường tại Hà Nội: Dễ như mua rau và đắt như tôm tươi - Ảnh 4.

Người mua cần là có, người bán có thể cung cấp số lượng giấy đi đường không giới hạn. Ảnh: HN.

"Anh mẫu nào cũng có, dấu em khỏi lo vì đã bán cho không ít người. Anh nói thẳng luôn đỡ mất công.

Giá bên anh có 2 loại, loại 1 là giấy tờ đi đường bình thường (giá 1 triệu đồng) cọc trước 1 nửa còn lại nhận hàng thanh toán, loại 2 là giấy tờ đi đường có mộc đầy đủ mã quét của công an chuẩn (giá 1,5 triệu đồng) cọc 1 nửa còn lại thanh toán nốt sau khi nhận hàng.

Nhận xong thì thanh toán, nếu không được anh trả em tiền cọc. Được thì gửi liền thông tin anh làm không thôi đỡ mất thời gian", K hối thúc.

Ngoài Đ.T.N và T.K, chúng tôi tiếp cận với nhiều đầu mối rao bán giấy đi đường khác, theo hình thức chuyển tiền - giao hàng tận tay. 

Sau nhiều lần bắt mối, phóng viên tìm được H, người đồng ý giao giấy đi đường trực tiếp.

Hàng loạt trường hợp sử dụng giấy đi đường giả để thông chốt

Đơn cử, vào ngày 19/8, chốt kiểm soát dịch Covid-19 số 14 tại Km7+200 đường Hòa Lạc - Hòa Bình (thuộc địa phận xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, Hà Nội) phát hiện 3 xe ô tô di chuyển theo hướng Hà Nội - Hòa Bình đã sử dụng giấy đi đường làm giả để "thông chốt".

Trước đó, vào ngày 6/8, tại chốt phòng chống dịch Covid-19 ở đầu ngõ 214 Nguyễn Xiển, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, lực lượng chức năng quận Thanh Xuân phát hiện 3 trường hợp sử dụng giấy đi đường làm giả, được mua tại một cửa hàng cầm đồ tại đường Láng, quận Đống Đa với giá 1,3 triệu đồng/tờ.

Mày thích điền gì thì điền!

H quảng cáo, giấy này của Công ty thực phẩm, đi ra đường nhớ ngụy trang cẩn thận để qua mặt cơ quan chức năng.

"500.000 đồng/tờ, mày không lấy nhanh họ lấy mất là không có đâu. Cái này giờ đắt như tôm tươi, hở ra cái là có người lấy ngay" - H nói và hẹn chúng tôi tại Cầu Dậu (Thanh Trì, Hà Nội) để nhận giấy.

16h30 chiều 30/8, chúng tôi có mặt tại Cầu Dậu. Bốc máy gọi cho H, người này nói: "Mày qua cầu đi, một đoạn là thấy. Anh đi xe của "Bộ", cứ qua là anh vẫy vào".

Vừa đi qua điểm hẹn được một đoạn, chúng tôi thấy một thanh niên cởi trần, xăm kín lưng, đứng trong ngõ gọi vọng ra.

Giật mình với những cuộc ngã giá mua bán giấy đi đường tại Hà Nội: Cộp dấu, thích điền gì thì điền! - Ảnh 7.

Phóng viên Dân Việt trò chuyện cùng H tại một con ngõ gần Cầu Dậu (Thanh Trì, Hà Nội). H rao bán giấy đi đường với giá 500.000 đồng. Ảnh cắt từ Clip.

Phóng viên vờ hỏi: "Anh là người bán giấy à? Anh bảo đi xe của "Bộ" mà?".

H trả lời: "Mày đứng lại gần đây, tao bán chứ ai? Tao đi bộ thì chả là xe của Bộ".

Dứt câu H phá lên cười, đồng thời, tay rút nhanh trong túi quần một tờ giấy A4 rồi đưa cho phóng viên.

"Xem kỹ vào, rồi tao hướng dẫn cho. Đây nhá, mày ghi họ tên, nơi ở, năm sinh vào. Quan trọng là chỗ công việc, thì ghi là nhân viên giao thực phẩm. Đây là công ty giao thực phẩm, nên mày ghi thế mới đi được. Nhớ, ra đường ngụy trang cho cẩn thận vào", người này vừa chỉ, vừa mắng.

Khi chúng tôi thắc mắc địa chỉ công ty, người này cho biết, mọi thông tin sẽ gửi qua điện thoại để điền.

Chưa dứt câu nói, H lẩn nhanh vào ngõ rồi mất hút.

78e6f1310548f316aa59.jpg

Trên tờ giấy đi đường ghi rõ do Công ty TNHH Đầu tư An Khánh Phát cấp ngày 14/8, người đại diện pháp luật là ông Chử Văn Thắng. Ảnh: HN.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, trên tờ giấy đi đường ghi rõ do Công ty TNHH Đầu tư An Khánh Phát cấp ngày 14/8, để trống phần thông tin người được cấp giấy. 

Thông tin chúng tôi tìm hiểu, Công ty TNHH Đầu tư An Khánh Phát có địa chỉ tại thôn 3, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Địa chỉ này đúng như địa chỉ H bắn tin cho chúng tôi.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Công ty này đăng ký chính là ngành nghề kinh doanh khác, không phải kinh doanh thực phẩm.

Vậy là, thông qua mạng xã hội, có nhiều đối tượng đang rao bán giấy đi đường. Việc giao dịch giấy đi đường khống, thậm chí làm giấy đi đường giả là có thật, gây khó khăn cho hoạt động kiểm soát của cơ quan chức năng khi thực hiện giãn cách xã hội. 

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết Hà Nội đã giao lực lượng Công an nghiên cứu cấp Giấy đi đường cho những đối tượng được phép lưu thông và làm phần mềm quản lý nhằm kiểm soát, xử lý tình trạng sử dụng giấy đi đường khống, giấy đi đường giả gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Liên quan đến hành vi bán giấy đi đường luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên cơ quan chức năng áp dụng một số biện pháp như hạn chế đi lại của người dân vì lợi ích chung là phòng, chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, có một số người sử dụng giấy tờ không đúng quy định, mua giấy đi đường, giấy tờ giả nhằm hợp thức hoá thủ tục để được qua chốt kiểm soát dịch vì lợi ích cá nhân.

img

Luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP Hà Nội. Ảnh: HN.

Rõ ràng, lợi ích thì chưa thấy đâu nhưng hậu quả thì đã nhìn thấy là ngoài việc bị xử phạt hành chính thì họ còn có thể bị xử lý hình sự về hành vi vi phạm của mình. Ngoài ra, bản thân họ cũng có nguy cơ bị mắc bệnh cũng như làm lây cho người thân.

Luật sư Cường phân tích, trong trường hợp lực lượng chức năng xác định các cơ quan, tổ chức cấp giấy đi đường cho người không làm việc tại đơn vị có thể bị xử lý hình sự về hành vi giả mạo trong công tác theo quy định tại điều 359 Bộ luật hình sự 2015.

"Mặc dù con dấu trên giấy là đúng, nhưng lại sai về mặt nội dung, do người được cấp giấy không làm việc tại cơ quan, tổ chức đó và cũng không thực hiện nhiệm vụ được ghi ở trên giấy. Bởi vậy, trong trường hợp này giấy tờ được cấp sẽ được xác định là giấy tờ giả và người cấp giấy tờ giả sẽ bị xử lý hình sự về tội giả mạo trong công tác" - luật sư Cường cho biết.

Đối với người sử dụng giấy đi đường, họ biết đây là giấy không đúng nhưng vẫn dùng để thực hiện hành vi trái pháp luật thì cũng có thể bị xử lý hình sự về hành vi sử dụng giấy tờ giả của cơ quan tổ chức theo điều 341 Bộ luật hình sự 2015.

Theo luật sư Cường, trong trường hợp những người sử dụng giấy đi đường, giấy xét nghiệm COVID-19 giả thì cả người mua và người làm ra giấy này sẽ bị xử lý hình sự về tội làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức.

"Cụ thể, ở đây người mua đã cung cấp thông tin cá nhân cho các đối tượng thì có thể bị xử lý về hành vi giúp sức trong việc làm giả, vì nếu không có thông tin của họ thì không có giấy tờ giả đó. Còn nếu người mua là người đặt vấn đề, khởi xướng việc làm giả giấy tờ thì sẽ bị xử lý là chủ mưu" – luật sư Cường nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem