Saba tại bệnh viện sau khi bị người thân hành hạ và bắn vào đầu
Sau khi đoạt Oscar thể loại phim tài liệu vào ngày 29.2, bộ phim A Girl in the River (Tạm dịch: Cô gái trôi sông) chắc chắn nâng cao nhận thức từ số đông về hủ tục "giết người vì danh dự" hiện vẫn đang tồn tại ở một số nước Trung Đông.
Không thuộc loại "bom tấn" cũng chẳng có những ngôi sao hàng đầu Hollywood, phim có nhân vật chính là một phụ nữ Pakistan mới 19 tuổi, Saba Qaiser. Câu chuyện bắt đầu khi cô yêu người trái với ý muốn của gia đình, rồi bỏ trốn để kết hôn với bạn trai. Sau đám cưới chỉ vài giờ, cha và chú Saba dụ cô vào ô tô, đưa tới bờ sông và sát hại nhân danh "danh dự".
Đầu tiên, họ đánh đập, rồi người chú giữ Saba để cha cô gí khẩu súng ngắn vào đầu và bóp cò. Máu đổ xuống, cả hai người cho cô vào bao tải lớn và ném xuống sông. Họ thản nhiên lái xe đi, nghĩ rằng đã phục hồi danh dự cho gia đình mình.
Saba Qaiser được tái hiện trong phim
Kì diệu là Saba không chết. Cô đã quay đầu khi súng nổ. Viên đạn bắn ra xé rách mặt trái nhưng cô vẫn sống sót. Nước sông làm cô hồi tỉnh, chui ra khỏi bao tải, trèo lên đất liền, cố gắng bò vào một trạm xăng.
Cứ mỗi 90 phút, lại có một vụ giết người vì danh dự xảy ra trên thế giới, chủ yếu ở các quốc gia và vùng lãnh thổ theo Hồi giáo. Các hình thức "xử tử" này rất đa dạng, từ dùng súng cho tới man rợ như tẩm xăng thiêu sống hay ném đá.
Cơ chế của hủ tục này bị chi phối mạnh bởi sắc lệnh Hồi giáo (fatwa) tùy theo cộng đồng địa phương, hay định nghĩa về đẳng cấp như ở Ấn Độ, nhưng đều có cách thức chung: nạn nhân hầu hết là nữ giới, bị chính người thân như cha mẹ, anh chị em ruột ra tay sát hại vì tin rằng nạn nhân đã có hành vi vấy bẩn danh dự và cái chết sẽ gột sạch điều đó.
Hiện tại cô đã hồi phục sức khỏe
Đây là vấn nạn nhức nhối của chính phủ các nước Trung Đông, nhất là khi điều này đang bị lạm dụng làm công cụ trả thù.
Đôi khi, hành vi giết người vì danh dự diễn ra cả ở những cộng đồng Hồi giáo tại châu Âu. Riêng ở Pakistan có tới hơn 1000 vụ mỗi năm và thủ phạm đều lọt lưới pháp luật.
Vào thế kỷ 19, thách thức đạo đức của con người là chế độ nô lệ. Thế kỷ 20 là độc tài phát xít, còn lúc này là những áp bức và chèn ép mà phụ nữ và trẻ em gái nhiều nơi đang âm thầm chịu đựng. Lúc này, khi đã đoạt giải Oscar cho phim tài liệu hay nhất, "Cô gái trôi sông: Cái giá của sự tha thứ" chắc chắn sẽ tạo biến chuyển. Nhắc tới bộ phim, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã hứa sẽ cải thiện luật pháp để hủy bỏ hủ tục man rợ này.
Trường hợp của Saba cho thấy tình trạng lách luật diễn ra thường xuyên với lý do là "danh dự". Sau khi được cứu sống, cảnh sát đã phải canh gác phòng bệnh để ngăn cản người thân cô 'hoàn tất' việc sát hại. Sau đó, Saba quyết định truy tố cha và chú của mình.
Trên mặt Saba vẫn còn một vết sẹo lớn
"Họ xứng đáng đứng dựa cột ở giữa chợ, để việc này không bao giờ xảy ra nữa" Saba nói với nhà làm phim, Sharmeen Obaid-Chinoy. Cha cô, Maqsood bị bắt, nhưng biện hộ rằng ông ta chỉ đang làm điều đúng đắn: "Nó đã lấy đi danh dự của tôi. Một con sâu làm rầu nồi canh, đó là những gì nó đã làm, nên tôi quyết định ra tay". Maqsood, cha cô về nhà và thông báo với vợ "Bà ấy đã khóc, nhưng bà ấy làm được gì? Tôi là chồng, còn bà ấy chỉ là vợ".
Lỗ hổng của luật pháp Pakistan là cho phép gia đình nạn nhân "tha thứ" cho kẻ ra tay. Nhưng phần lớn thủ phạm là người thân, nên gia đình sẽ tự dàn xếp và cuối cùng thủ phạm lọt lưới.
Cộng đồng những người lớn tuổi đã gây áp lực để Saba tha thứ cho cha và chú. Cuối cùng, anh trai chồng, người đứng đầu gia đình mới của cô, khuyên cô tha thứ và bỏ qua "Chẳng có cách nào khác cả, chúng ta vẫn phải sống chung làng xã" Saba đồng ý, và cả hai được ra tù. "Sau vụ đó, ai cũng nói tôi được tôn trọng hơn. Tôi có thể tự hào mà nói rằng thế hệ tiếp theo sẽ không bao giờ dám hành xử như Saba" cha cô khoe khoang. Hiện hai gia đình vẫn sống gần nhau, và cha cô đã hứa sẽ không cố gắng thực hiện hành vi này.
Người biểu tình chống giết người vì danh dự tại Islamabad
Cách thức giảm bớt việc giết người vì danh dự là hạn chế tối đa sự nhân nhượng. Saba đã thực hiện phần việc của mình. Hiện tại, chỉ còn trông chờ vào Thủ tướng Shariff rằng ông sẽ kết thúc cơ chế "tha thứ".
"Tôi muốn gây làn sóng lớn về vấn đề này" Obaid Chinoy, đạo diễn bộ phim nói. "Trừ khi họ bỏ tù một số để làm gương, nếu không thì tội ác vẫn sẽ tiếp diễn"
Nicholas Kristof, cây bút của New York Times nhận xét: "Nước Mỹ đã dành hàng tỷ USD tái cơ cấu Afghanistan và Pakistan, nhưng tôi nghĩ rằng kết quả sẽ lớn hơn nếu như giáo dục và trao quyền vào tay phụ nữ nhiều hơn. Đầu tiên phải khuyến khích chính quyền bảo vệ trẻ em gái khỏi chính cha chú, những kẻ giết người tiềm năng. Cân bằng quyền lợi và nghĩa vụ để đạt được bình đẳng giới là thử thách lớn nhất trong thế kỷ mới."
Vui lòng nhập nội dung bình luận.