Gió mùa lạnh, nhớ vị bánh trôi của nghệ sĩ Phạm Bằng

Thứ năm, ngày 03/11/2016 11:47 AM (GMT+7)
Ra đi ở tuổi 85, NSƯT Phạm Bằng là một trong những gương mặt tiêu biểu nhất của lớp diễn viên thế kỷ trước. Bởi thế, cũng không lạ khi trong hai ngày qua, sự ngậm ngùi, tiếc nuối của khán giả dành cho ông nhiều tới vậy.
Bình luận 0

Nhưng với những người sống ở Hà Nội cùng với Phạm Bằng, những hoài niệm dành cho người diễn viên tài hoa ấy còn gắn liền với một hình ảnh khác: quán bánh trôi Tàu của ông.

img

NSƯT Phạm Bằng

Quán nhỏ, vốn là khoảng sân được nới ra tại căn nhà của NSƯT Phạm Bằng trên phố Hàng Giày. Không có bàn, khách tới đây bưng bát trên tay, hoặc đặt lên những chiếc ghế con. Ngoài bánh trôi Tàu, cũng chỉ có thêm 2 món chè, (cũng có xuất xứ từ cộng đồng Hoa kiều ở phố cổ) là lục tàu xá (đậu xanh) và chí mà phù (vừng đen).

Đơn giản vậy, nhưng từ 3 giờ chiều mỗi ngày, khách tới quán chè của bác Bằng “hói” – như cách mọi người gọi ông – vẫn đông nườm nượp. Hàng Giầy là cái rốn của phố cổ và Hà Nội đã đành. Nhưng, trong rất nhiều quán quà vặt trên con phố ấy, người ta vẫn muốn dừng lại ở chỗ Phạm Bằng, ít nhiều bởi “thương hiệu” từ cái tên ông chủ quán.

Mà chè cũng ngon thật. Như lời kể của Phạm Bằng, những món chè có xuất xứ từ cộng đồng người Hoa ấy tưởng đơn giản, nhưng lại luôn đòi hỏi độ tinh xảo cùng những kỹ thuật nhất định về tay nghề mà người chủ quán luôn giữ làm “vốn” riêng. Để nấu được chè ngon, vợ chồng ông khi xưa cũng từng phải lê la, đi hết các quán, ngồi ăn rồi tự cảm nhận hương vị để về nhà mày mò, sửa lại công thức nấu.

***

Bao nhiêu người sống ở Hà Nội từng ăn bánh trôi Tàu của bác Bằng?

Khó thống kê đủ, nhưng chỉ cần tìm kiếm trên mạng, người ta cũng có thể đọc hàng trăm bài viết của cộng đồng về quán chè đặc biệt ấy. Người ta đến quán bác Bằng như một điểm dừng chân sau khi dạo chơi phố cổ và Hồ Gươm, để thưởng thức món quà bình dân này.

Bản thân người viết, cũng đã có rất nhiều lần ghé lại địa điểm ấy. Và mỗi lần ăn chè lại mua thêm 2 suất để mang về nhà, cho những người lớn tuổi, vốn cũng là thực khách cũ của bác Phạm Bằng.

Quán đông, người ăn nhiều thường gọi luôn một lúc cả 3 món chè, bày ra ghế, vừa xuýt xoa nếm vị gừng cay, vừa ngắm ông chủ đứng giữa quán, với cái đầu hói và riềm tóc lưa thưa đặc thù. Sởi lởi vừa phải, nhưng khá điềm đạm và mực thước, ông vừa gật đầu chào thực khách, vừa thu tiền và giục người làm sớm bưng chè cho những khách đến sau.

Quán mở từ giữa thập niên 1990, khi Phạm Bằng về nghỉ hưu tại Nhà hát kịch Việt Nam. Khi ấy, trong sự chuyển mình của thời kinh tế thị trường, việc nghệ sĩ kiếm sống bằng nghề tay trái vẫn vô cùng phổ biến.

Quen ăn chè Phạm Bằng, những người lớn tuổi cũng dần quen với vị ngọt đậm đặc trưng ở hàng ông so với những địa điểm khác. Quen cả cách nấu có phần mộc mạc ở món lục tào xá và chí mà phù, khi không cho thêm củ mã thầy xắt nhỏ như những quán chè vẫn nấu bây giờ.

“Bác Bằng không chỉ là người cống hiến cho sân khấu. Bác còn là người âm thầm phát triển ẩm thực Hà Nội, với vị trí quan trọng… không kém gì”. Lời chia sẻ của NSƯT Xuân Bắc về sự ra đi của ông chủ quán – diễn viên ấy có lẽ cũng là cảm nhận chung của rất nhiều người đã từng ghé tới quán bánh trôi Tàu 30 Hàng Giày.

Anh Bảo (Thể thao & Văn hóa)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem