Một nữ sinh 18 tuổi họ Park tại Yongin, tỉnh Gyeonggi, đã thực hiện "chế độ ăn kiêng bằng nước" trong gần một tuần. Trong thời gian này, cô chỉ uống nước, muối và một số thực phẩm bổ sung dinh dưỡng trong khi nhịn ăn.
Mục tiêu của cô là đạt 120 trên thang đo "chiều cao trừ cân nặng", điều mà cô tin là tiêu chuẩn lý tưởng để được thon gọn. Hiện tại cao 160 cm và nặng 47 kg, cô dự định giảm thêm 7 kg trước mùa hè.
Giới trẻ Hàn Quốc chỉ uống nước để giảm cân
Giống như Park, ngày càng nhiều nữ sinh Hàn Quốc đang thực hiện chế độ "ăn kiêng bằng nước" khắc nghiệt trước mùa hè, nhằm có một thân hình "chuẩn". Chế độ ăn kiêng cực đoan này đã thu hút sự chú ý, đặc biệt là khi những người nổi tiếng được cho là đã giảm cân nhanh chóng mà không cần tập thể dục, chỉ thông qua việc nhịn ăn.
Tính đến ngày 11/6, hơn 1.000 bài đăng đã được tải lên với hashtag "nhịn ăn bằng nước" trên Instagram, trong khi YouTube có một số video chia sẻ kinh nghiệm giảm mỡ thông qua chế độ ăn kiêng bằng nước và các mẹo để kiềm chế ham muốn thèm ăn.
"Tôi đang nhịn ăn, nhưng những cơn chóng mặt thường xuất hien ẹ hơn là cảm giác đói", một người dùng nói trên X, trước đây là Twitter. Nhiều người dùng trực tuyến cũng tuyên bố đã nhịn ăn gần một tháng và giảm hơn 10 kg.
Theo báo cáo của Bảo hiểm Y tế Hàn Quốc năm ngoái, số bệnh nhân nữ mắc chứng biếng ăn ở độ tuổi thiếu niên đã tăng gấp 7 lần trong vòng 4 năm, từ 275 năm 2018 lên 1874 năm 2022.
Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng chế độ ăn kiêng khắc nghiệt như vậy ở thanh thiếu niên chắc chắn sẽ phá vỡ sự phát triển thể chất và tinh thần của họ, thậm chí gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau do chế độ ăn uống, như loãng xương và rối loạn ăn uống.
"Các bác sĩ khuyên thanh thiếu niên không nên dựa chế độ ăn uống của mình vào ngoại hình mà là sức khỏe. Nhịn ăn gián đoạn, được nhiều người coi là một phương pháp ăn kiêng, cũng nên tránh nếu áp dụng hơn 16 giờ. Nếu thanh thiếu niên vượt quá giới hạn đó và bỏ đói bản thân, có thể có những hậu quả nguy hiểm", Sim Kyung-won, giáo sư y học gia đình tại Bệnh viện Đại học Phụ nữ Ewha Mokdong cho biết.
Kang Jae-heon, giáo sư y học gia đình tại Bệnh viện Gangbuk Samsung, cũng cho biết: "Rất khó để giải quyết tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng chỉ bằng nước khoáng và thực phẩm bổ sung vì cơ thể con người cần nhiều chất dinh dưỡng khác nhau như protein và chất béo".
Một số lưu ý rằng sự phổ biến của lookism (chủ nghĩa ngoại hình) ở Hàn Quốc đã góp phần vào hiện tượng này. Lim Myung-ho, giáo sư tâm lý học tại Đại học Dankook cho biết: "Khi cơ thể phụ nữ quá gầy trở thành hình ảnh lý tưởng thông qua (mạng xã hội), một số người có thể bị ám ảnh bởi chế độ ăn kiêng khắc nghiệt. Đặc biệt thanh thiếu niên có lòng tự trọng thấp có thể đang cố gắng thỏa mãn cảm giác thành tích của mình thông qua việc đạt được thân hình gầy gò".
Chanhee Park (Busan - Hàn Quốc) kể lại: "Thời mình học trung học phổ thông, một số bạn nữ trong lớp đã ngất xỉu trong lớp vì nhịn ăn để giảm cân. Sau này lên đại học, các bạn nữ xung quanh mình cũng chỉ bàn về việc ăn gì để thật gầy, bài tập nào tốt nhất để giảm cân".
Jung Eunji - thành viên của nhóm nhạc nữ A-Pink, trong chương trình The People Talk Show Hello phát sóng trên kênh KBS 2TV đã nói về tác dụng phụ của việc ăn kiêng theo trải nghiệm của bản thân. "Tôi đã bị viêm xoang lần đầu tiên trong đời do chế độ ăn kiêng" - cô nói. Ca sĩ trẻ này đã giảm từ 62 kg xuống còn 48kg.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.