Giới trẻ thử môn thể thao "ruột" của Bill Gates: Thừa nhận "chơi là nghiện"
Giới trẻ thử môn thể thao "ruột" của Bill Gates: Thừa nhận "chơi là nghiện"
Thứ năm, ngày 25/04/2024 11:30 AM (GMT+7)
Chỉ sau thời gian ngắn du nhập vào Việt Nam, môn thể thao mang tên pickleball đã nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng. Nhiều người còn gọi pickleball là "hiện tượng" thể thao.
Thời gian gần đây, nhiều người trẻ và cả những nghệ sĩ, người nổi tiếng hào hứng khoe ảnh ra sân chơi pickleball cùng những lời nhận xét "môn thể thao siêu dễ", "môn thể thao gây nghiện", "môn thể thao tỷ phú Bill Gates yêu thích"…
Điều này khiến nhiều người tò mò pickleball là gì? Cũng là môn thể thao chơi cùng vợt, bóng và lưới tương tự bóng bàn, tennis, cầu lông, lý do gì khiến pickleball trở nên hấp dẫn và tạo "cơn sốt"?
Giảm 10kg nhờ chơi pickleball
Phóng viên Dân trí tìm đến một trong những câu lạc bộ pickleball có tiếng ở TPHCM. Thoạt nhìn, sân bãi để chơi bộ môn này không có gì đặc biệt, tương tự sân cầu lông nhưng lưới được treo thấp hơn. Trên sân, các "trai xinh gái đẹp" cầm chiếc vợt dáng vuông, liên tục di chuyển để đón lấy quả bóng từ đối thủ.
Anh Đỗ Hồng Phát (SN 2003, sinh viên Đại học Mỹ thuật TPHCM) - thành viên của câu lạc bộ pickleball này - cho biết gần 1 năm qua, bộ môn pickleball đã phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Anh cũng chính là một trong những người không biết gì về thể thao, nhưng lại bị pickleball chinh phục.
Hồng Phát kể, cách đây hơn 1 năm, anh có dịp chụp ảnh cho một giải đấu pickleball ở Bình Dương nên mới biết đến bộ môn này. Khi về TPHCM, anh lập tức tìm hiểu sân tập và một mình đến sân chơi thử.
"Trước đó, tôi chưa từng chơi môn thể thao nào, nhưng khi thử chơi pickleball trong 1-2 tuần, tôi nắm bắt được cách chơi rồi mê luôn. Thời điểm đó, bộ môn này chưa thu hút giới trẻ như bây giờ", anh nói.
Nam sinh viên cũng tâm sự, ban đầu, anh chơi pickleball chỉ vì môn thể thao này mang đến cho anh năng lượng, sự sảng khoái. Sau một thời gian theo đuổi, anh còn nhận ra cơ thể mình linh hoạt, khỏe khoắn hơn.
Đặc biệt, sau gần 1 năm đánh bóng, anh đã giảm được 10kg, từ 85kg xuống còn 75kg. Từ một người có thân hình mũm mĩm, Hồng Phát trở nên săn chắc và có sức bền hơn. Thời gian qua, anh duy trì chơi pickleball ít nhất 2-3 tiếng/ngày và nhiều nhất là 5-6 tiếng/ngày.
Hồng Phát đánh giá, đây là bộ môn khá nhẹ nhàng, không phân biệt độ tuổi, giới tính và cũng không cần trang bị, đầu tư quá nhiều nên dễ dàng thu hút và hấp dẫn nhiều người trẻ.
Cũng như những môn thể thao khác, giá vợt pickleball khá đa dạng, có thể dao động từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng.
Hiện tại, Hồng Phát vừa chơi pickleball, vừa sinh hoạt trong câu lạc bộ để hỗ trợ, hướng dẫn cho những người chơi mới khi họ tìm đến bộ môn này.
"Dù pickleball đã du nhập vào Việt Nam nhiều năm nhưng đến nay, các thông tin liên quan đến bộ môn này vẫn còn khá khiêm tốn. Chính vì thế, trong tương lai, tôi muốn xây dựng kênh truyền thông để truyền tải thông tin về bộ môn này đến với mọi người", Hồng Phát nói.
Dễ chơi, dễ "nghiện"
Không ít người chơi pickleball nhận xét, môn thể thao này phù hợp với thể trạng người Việt Nam và nó nhẹ nhàng hơn so với tennis. Đặc biệt, môn này giúp người chơi duy trì được sức bền, tăng độ dẻo dai, giảm cân và rèn luyện sức khỏe.
Chị Thanh Trang (SN 1987) - một trong những người tiên phong thành lập câu lạc bộ chơi pickleball ở Cung văn hóa Lao Động (TPHCM) - cho rằng luật chơi pickleball tưởng như rất phức tạp nhưng chỉ cần vào sân, người chơi sẽ nắm bắt được dễ dàng.
Chị Trang thông tin, vợt của pickleball có kích thước nhỏ hơn so với vợt tennis truyền thống và lớn hơn so với vợt bóng bàn. Vì thế, phái nữ có thể dễ dàng thử sức. Còn bóng để chơi pickleball được làm bằng nhựa, khá nhẹ nhưng có độ nảy tốt.
Về cách giao bóng và cách tính điểm, môn thể thao này có nhiều nét tương đồng với tennis, cầu lông và bóng bàn.
"Đặc biệt, ở môn này, bạn giao bóng, đối thủ không đỡ được, bạn mới "ăn" điểm, còn đến lượt đối thủ giao nhưng bóng hỏng, bạn vẫn không được tính điểm. Đây là một trong những yếu tố được xem là công bằng của pickleball", chị Trang cho biết.
Với chị Trang, pickleball là môn thể thao khá "dễ chịu", có tính kết nối cao. "Khi tôi bắt đầu chơi, pickleball vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam. Song, có người biết chơi môn này, từ Mỹ về, đã không ngại di chuyển từ Cần Thơ lên TPHCM để hướng dẫn chúng tôi chơi.
Không chỉ vậy, khi chúng tôi chơi rồi đăng ảnh lên mạng xã hội, có những người ở nước ngoài còn gửi vợt về tặng cho chúng tôi", chị Trang cho biết.
Hiện tại, chị Trang cùng gần 20 người khác đều đặn chơi pickleball ở Cung văn hóa Lao động vào 2 ngày thứ 7 và chủ nhật hằng tuần. Người đến sân gồm các thành viên cũ và mới, khách vãng lai hay du khách nước ngoài lưu trú ở TPHCM trong thời gian ngắn.
"Chúng tôi chia sẻ tiền sân bãi (khoảng 170.000 đồng/tiếng), cùng nhau chơi để thư giãn chứ không vì mục đích thi đấu. Người cũ sẽ cho người mới mượn vợt và hướng dẫn họ chơi, vì những người chơi lâu thường có nhiều hơn 1 cây vợt. Thật sự đây là môn thể thao gây nghiện, càng chơi càng thích", chị Trang cho biết.
Lan tỏa "thần tốc"
Theo tìm hiểu của phóng viên, 1 năm qua, các sân chơi pickleball trên địa bàn TPHCM gia tăng nhanh chóng. Tuy không phổ biến và có số lượng nhiều như sân cầu lông, nhưng hiện tại, sân pickleball cũng đã đủ để phục vụ người chơi ở TPHCM.
Thời gian qua, nhiều người nổi tiếng, TikToker cũng bắt đầu tìm hiểu, thực hiện những video clip trải nghiệm pickleball, làm tăng sự tò mò ở những người trẻ về bộ môn này.
Nói về sự phát triển của pickleball, chị Bảo Uyên (SN 1996) - thành viên trong Câu lạc bộ pickleball USC - cho biết, dù còn khá mới mẻ nhưng pickleball có tốc độ lan tỏa nhanh chóng tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Hiện tại, ở câu lạc bộ của chị, mỗi tuần đều có nhiều thành viên mới đăng ký.
"Khách đến câu lạc bộ ngày càng đông, có người còn phải chờ hơn 1 tuần để có sân chơi. Các công ty cũng thường tổ chức cho nhân viên đến chơi môn này. Đặc biệt, do môn thể thao không giới hạn độ tuổi, nhiều gia đình cùng ra sân với nhau, con cái không còn chơi điện thoại, máy tính nhiều nữa", chị Uyên chia sẻ.
Chị Bảo Uyên bày tỏ, câu lạc bộ của chị đang từng bước để lan tỏa môn thể thao này ra cộng đồng. Từ năm ngoái, câu lạc bộ của chị đã tiếp cận các trường học, để học sinh có cơ hội biết đến pickleball.
"Chúng tôi cung cấp vợt, có huấn luyện viên hướng dẫn cho học sinh tại các trường. Vợt của các bé sẽ có kích thước nhỏ hơn", chị Uyên thông tin.
Về việc đưa pickleball vào trường học, anh Đinh Thanh Tân (SN 1984), giáo viên thể chất trường THCS - THPT Ngọc Viễn Đông (quận 12, TPHCM), cũng bày tỏ sự đồng tình.
Anh nhận xét, pickleball phù hợp với môi trường giáo dục vì không giới hạn độ tuổi, đáp ứng được điều kiện sân bãi và không đòi hỏi sự đầu tư lớn.
"Pickleball chơi trong nhà hay ngoài sân đều được, không mất nhiều diện tích. Vì thế, tôi đã đề xuất và đưa môn này vào trường học để dạy cho các em được một thời gian.
Thiết bị, dụng cụ để chơi pickleball không quá tốn kém, nhà trường đã hỗ trợ vợt, bóng. Còn sân tập, thầy trò chúng tôi tận dụng sân cầu lông", anh Đinh Thanh Tân cho biết.
Theo anh, học sinh rất thích thú với môn học mới. Thậm chí, có những em chỉ mất 2-3 buổi đã quen và nắm bắt bóng tốt.
Anh Tân cũng thông tin, hiện nay Việt Nam chưa có liên đoàn pickleball chính thức, nhưng mức độ lan tỏa của môn này đã rất cao, các giải đấu cũng xuất hiện liên tục.
"Hiện tại, ở Việt Nam, pickleball hoạt động theo kiểu người đi trước hướng dẫn người đi sau là chính, chưa có nơi đào tạo hẳn hoi. Tôi cũng mong sẽ sớm có lớp tập huấn, cung cấp nguồn nhân lực chuyên nghiệp dồi dào hơn ở bộ môn này", anh Tân chia sẻ.
Pickleball ra đời vào năm 1965 tại đảo Bainbridge, Washington (Mỹ). Nhờ là môn thể thao tỷ phú Bill Gates yêu thích và có sự tham gia thi đấu của những cựu tay vợt hàng đầu thế giới, pickleball sớm trở thành môn thể thao được quan tâm và có sự tăng trưởng tốt.
Pickleball du nhập vào Việt Nam từ năm 2018, nhưng trong 1 năm trở lại đây, môn thể thao này mới được lan rộng, phổ biến, thu hút nhiều người trẻ, người nổi tiếng tham gia.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.