Tôi là con út trong một gia đình có 8 anh chị em ở tận bản Nậm Than, xã Nậm Cang, cách thị trấn Sa Pa (Lào Cai) gần 50 cây số. Mọi người bảo, Nậm Cang nhiều người giàu, bản nào cũng có triệu phú, vậy mà em lại thấy thanh niên và cả trẻ con ở đó đua nhau ra thị trấn kiếm sống.
Người Mông quan niệm rằng, ai kiếm được tiền người ấy giữ, nên cách đây 4 năm khi đó mới 15 tuổi, nghe các bạn gái cùng lứa khoe đã tích được vốn riêng lại mua được nhiều váy áo đẹp, tôi xin bố mẹ về phố kiếm tiền.
|
Thào Thị Rủ. |
Thời gian đầu, tôi đi theo những bạn đã quen việc vừa để học tiếng Anh, vừa bán hàng rong theo các đoàn khách. Một dịp tình cờ, khi đang đứng bán trước cửa nhà thờ đá, một đoàn người Tây để ý, quây lấy tôi. Với vốn ngoại ngữ bập bõm, tôi hiểu họ muốn mình dẫn xuống chơi ở mấy thôn bản dưới chân núi Hàm Rồng và hứa sẽ trả công xứng đáng. Đó là lần đầu tiên tôi vào nghề hướng dẫn, song hết sức khó khăn, vất vả vì do chưa thạo ngoại ngữ.
Từ đó, tôi đã bắt đầu chú ý học những thứ tiếng lạ hoắc kia. Khách chỉ vào cái gì phát âm là tôi cố gắng nhớ. Hơn một ngày đi theo khách, tôi đã học được cách chào, cách mời ăn, mời uống cùng mấy đồng tiền xanh lạ lẫm. Số tiền ấy tôi không tiêu được ngay mà phải đổi cho một người Kinh bán vải ở chợ được gần 200 nghìn đồng…
Kể từ đó, ngoài bán hàng rong, tôi tham gia vào đội quân hướng dẫn khách tham quan, đặc biệt là khách nước ngoài vì họ rất chuộng con gái Mông đưa đường. Công việc của tôi và các bạn có khi chỉ trong nửa ngày nhưng cũng có khi cả tuần trời lang thang cắt đường, đưa khách vượt suối, vượt đèo, thậm chí còn mang cả hành lý cho họ và quan trọng hơn cả là phải biết mua bán và nấu ăn dọc đường.
Chuyện ăn uống của khách Tây phức tạp lắm. Nấu không đúng khẩu phần, không hợp vệ sinh là họ bỏ ăn, thậm chí nếu ăn vào sẽ gây bệnh, khổ mình, khổ họ, tiền công cũng bị bớt xén. Cũng chính từ những chuyến đi đưa khách, từ cách phục vụ họ, tôi đã nấu được những món ăn hợp khẩu vị với khách rất nhiều nước, trong đó có món sở trường là súp gà, bánh mì trứng. Khách cũ gặp lại ai cũng nhớ và đề nghị tôi phải nấu cho họ ăn.
Ngoài những cái lo trên còn phải học một số bài thuốc dân gian để chữa bệnh dọc đường cho khách như cảm cúm, đau trật khớp và đôi khi còn là cả rắn cắn nữa.
Năm nay đã ngoài 20 tuổi, cái tuổi mà ở bản của tôi người ta đã có con bồng, con bế, nhưng tôi vẫn chưa một lần nhận lời yêu ai mặc dù cũng có không ít chàng trai tìm đến, người Mông có, người nước ngoài cũng có.
Điều tôi tự hào nhất đó là dù cuộc sống rất khó khăn, phải thuê phòng trọ, phải lo tích cóp tiền gửi về giúp bố mẹ già nhưng tôi không giống với nhiều bạn cùng lứa đánh mất mình theo những cuộc tình chớp nhoáng với khách.
Đôi khi nhìn những đứa trẻ tóc vàng, da trắng, mắt xanh lang thang ở thị trấn, tôi tự nhủ, mình phải vượt lên tất cả những cám dỗ để thực hiện ước mơ trở thành một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp...
Thào Thị Rủ - bản Nậm Than, Nậm Cang, Sa Pa, Lào Cai.
Hoàng Minh (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.