Bao giờ thị trường Trung Quốc mới tăng sức mua hồ tiêu trở lại?

Trần Khánh Thứ tư, ngày 21/12/2022 14:19 PM (GMT+7)
Năm 2022, hồ tiêu trong nước chịu nhiều tác động xấu. Riêng thị trường Trung Quốc, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam dự kiến phải đến đầu quý II năm 2023, sức mua mới tăng trở lại.
Bình luận 0

Một năm nhiều khó khăn với hồ tiêu Việt Nam

Đây là nhận định đưa ra tại hội thảo thúc đẩy xuất khẩu hồ tiêu và gia vị Việt Nam theo hiệp định EVFTA do Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) tổ chức tại TP.HCM, ngày 21/12.

Hội thảo nhằm tiếp tục triển khai dự án Thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu Việt Nam do Liên minh châu Âu tài trợ, được triển khai dưới sự điều phối của Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH), phối hợp cùng VPA. Hoạt động này hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam nâng cao năng lực xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Hội thảo thúc đẩy xuất khẩu hồ tiêu và gia vị Việt Nam theo hiệp định EVFTA do VPA phối hợp tổ chức tại TP.HCM. Ảnh: Trần Khánh

Hội thảo thúc đẩy xuất khẩu hồ tiêu và gia vị Việt Nam theo hiệp định EVFTA do VPA phối hợp tổ chức tại TP.HCM. Ảnh: Trần Khánh

Theo VPA, giá hồ tiêu giảm liên tục từ đầu năm tới nay đã tác động không nhỏ đến việc đầu tư, chăm sóc của nông dân đối với cây tiêu.

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sâu bệnh, giá vật tư, phân thuốc, nhân công vẫn ở mức cao cũng tác động tới lợi nhuận của người trồng.

Room tín dụng bị thắt chặt, lãi suất ngân hàng tăng cao làm cho việc kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Ảnh hưởng của xung đột Đông Âu, giá nhiên liệu tăng cao, lạm phát kinh tế toàn cầu kéo dài ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu, đặc biệt là ở các nước khu vực châu Âu và Mỹ.

Riêng thị trường Trung Quốc, dù nước này đã nới lỏng chính sách zero Covid. Tuy nhiên VPA dự kiến phải đến đầu quý II năm 2023, sức mua mới có thể tăng trở lại.

VPA dự kiến cả năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 230.000 tấn hồ tiêu. Chế biến tiêu sọ xuất khẩu ở Đồng Nai. Ảnh: Trần Khánh

VPA dự kiến cả năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 230.000 tấn hồ tiêu. Trong ảnh: Chế biến tiêu sọ xuất khẩu ở Đồng Nai. Ảnh: Trần Khánh

Thống kê sơ bộ của VPA, lũy tiến từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, Việt Nam xuất khẩu được 211.507 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 183.708 tấn, tiêu trắng đạt 27.799 tấn.

Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 911,1 triệu USD; trong đó tiêu đen đạt 748,6 triệu USD, tiêu trắng đạt 162,5 triệu USD.

So với cùng kỳ năm trước, lượng hồ tiêu xuất khẩu giảm 14,9%; tương đương 37.015 tấn. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu lại tăng 3,9%, tương đương 3,4 triệu USD.

Bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch VPA cho biết, năm 2022, những yếu tố bất lợi khiến nhu cầu tiêu dùng thế giới biến động.

Tuy nhiên, năm 2022,  ngành hồ tiêu trong nước đã có nhiều cố gắng, và vẫn đạt những kết quả nổi bật.

Dự kiến cả năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 230.000 tấn hồ tiêu; kim ngạch đạt 970 triệu USD.

Mùa hồ tiêu mới đang bắt đầu ở miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Ảnh: Trần Khánh

Mùa hồ tiêu mới đang bắt đầu ở miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Ảnh: Trần Khánh

Trong ngành gia vị, hồ tiêu vẫn là ngành chủ chốt. Bản thân các loại gia vị khác như quế, hồi cũng có những biến chuyển tích cực.

Dự báo cả ngành gia vị Việt Nam có thể năm nay đạt 1,5 tỷ USD (năm ngoái đạt 1,4 tỷ USD). Ngành gia vị Việt Nam đã ổn định và đi vào chuỗi giá trị của ngành gia vị và hồ tiêu thế giới.

Thời gian qua, Hiệp định thương mại EVFTA cũng đã tác động nhiều đến ý thức và sự chuẩn bị của doanh nghiệp.

"Vượt qua nhiều khó khăn, năm 2023, ngành hồ tiêu vẫn có niềm tin sẽ duy trì và đẩy mạnh hơn nữa nhịp điệu xuất khẩu hồ tiêu", bà Liên chia sẻ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem