Tin từ Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, ngay giữa đêm, khoa Thăm dò chức năng của bệnh viện đã nội soi gắp 1 con giun dài 20 cm từ ống mất chủ cho 1 bé bị giun chui ống mật. Nếu chậm chễ xử lý, tính mạng của bé có thể nguy hiểm.
Bệnh nhi là bé T.T.N.H (11 tuổi, trú tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng đau bụng từng cơ vùng thượng vị, buồn nôn và nôn ra thức ăn.
Qua thăm khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị giun chui ống mật. Sau khi hội chẩn các chuyên khoa, ngoại, nội soi và gây mê hồi sức, bệnh nhi được chỉ định nội soi mật tụy ngược dòng cấp cứu lấy giun đường mật ngay trong đêm.
Các bác sĩ đã gắp khỏi ống mật chủ của bệnh nhân 1 con giun dài gần 20cm. Sau can thiệp, tình trạng bệnh nhân ổn định, không còn đau bụng và đang được theo dõi tại khoa Nhi của bệnh viện.
Bác sĩ CKI Nguyễn Quảng Đại, Phó khoa phụ trách chuyên môn khoa Thăm dò chức năng (Bệnh viện Bãi Cháy) cho biết, nhờ phát hiện và điều trị kịp thời đã giúp giảm đến mức tối đa các biến chứng của viêm tụy cấp, nhiễm trùngđường mật.
Nếu để muộn hơn, giun chết trong ống tụy thì khó có thể nội soi gắp ra hoàn toàn, về sau xác giun vôi hóa có thể gây ra sỏi ống mật chủ.
Giun chui ống mật có nhiều biến chứng nguy hiểm
Theo bác sĩ Đại, giun chui ống mật là một biến chứng của tình trạng nhiễm giun trong đường tiêu hóa. Giun ký sinh ở ruột non có thể di chuyển ngược lên tá tràng, đến cơ vòng oddi và lọt vào ống mật chủ, ống gan chung, ống túi mật và hệ thống đường mật trong gan.
Vào đường mật, giun có thể sống ký sinh tại chỗ, xác giun sau khi chết trở thành nhân để hình thành sỏi đường mật sau này. Biến chứng của giun chui ống mật có thể là nhiễm trùng đường mật, ấp xe đường mật, áp xe gan.
Nguy hiểm nhất là nhiễm trùng huyết dẫn đến suy gan, suy thận cấp, sốc nhiễm trùng nặng… có nguy cơ tử vong.
"Triệu chứng thường gặp của giun chui ống mật là cơn đau bụng dữ dội ở vùng thượng vị làm cho toát mồ hôi, mặt tái xanh, tái nhợt, vậtvã, quằn quại, đau từng cơn, buồn nôn, sốt…
Vì vậy, ngay khi gặp các biểu hiện này, người bệnh cần đến cơ sở y tế có trang thiết bị, đội ngũ bác sĩ chuyên khoa để thăm khám, chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng nguy hiểm.
Đề phòng giun chui ống mật, người dân nên thực hiện ăn chín, uống sôi, không nên ăn các loại thực phẩm tươi sống chưa qua chế biến. Hạn chế ăn rau sống, chỉ ăn khi mua ở nơi đảm bảo và vệ sinh rửa rau sạch đúng quy trình; Tăng cường vệ sinh môi trường, giữ gìn nơi ở sạch sẽ; tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần…", bác sĩ Đại khuyến cáo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.