Thấu hiểu nỗi khổ Là những người “cùng nông dân lội ruộng”, hơn ai hết những phóng viên NTNN thấu hiểu được cuộc sống khó khăn, vất vả và những khoản đóng góp làm nặng gánh người nông dân. Nhớ lại những ngày đó, TKTS Hoàng Sơn – người trực tiếp tham gia đề tài “Một hạt thóc, 40 khoản đóng góp” cho biết, từ một cái tin ngày 9.4.2007 về số liệu điều tra của Cục HTX và phát triển nông thôn, tòa soạn đã hội ý nhanh và xác định đây là một đề tài thiết thực, liên quan tới hàng chục triệu nông dân nên cần phải triển khai ngay. Cả tòa soạn, các văn phòng lúc đó “sôi sùng sục”, và loạt bài “Một hạt thóc, 40 khoản đóng góp” đã ra đời. Bởi vậy ngày 16.5.2007, sau khi chuyên đề “Một hạt thóc, 40 khoản đóng góp” kết thúc, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 154 miễn toàn bộ thuỷ lợi phí cho nông dân. Ngày 17.10.2007, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ bỏ 340 loại phí và lệ phí thu sai, trong đó có hàng chục khoản thu mà nông dân phải đóng.
Phóng viên Hoàng Sơn tác nghiệp vụ Một hạt thóc, 40 khoản đóng góp.
Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa diễn ra chóng mặt, tình trạng thu hồi đất tràn lan khiến nông dân trắng tay. Chúng tôi, những người bạn của nhà nông lại vào cuộc bảo vệ họ bằng lòng nhiệt huyết và “vũ khí” của mình để giành lại cho họ miếng cơm, manh áo. Tại Thừa Thiên– Huế, từ khi Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Phong Phú Lăng Cô được cấp phép đầu tư Khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô trên địa bàn thôn Phú Hải 2, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc đã không chỉ làm người dân mất đất sản xuất, cuộc sống bị đảo lộn, mà còn xoá sổ 250ha rừng phòng hộ ven biển bao đời nay che chắn, bảo vệ làng mạc. Không thể khoanh tay trước nguy cơ cuộc sống của người dân bị đe dọa, PV Báo NTNN đã đến tìm hiểu viết bài “Sân golf “nuốt” rừng phòng hộ” (số 41, ngày 17.2. 2012). Năm ngày sau, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 1109/VPCP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế kiểm tra sự việc báo nêu.
Loạt bài “Ngang nhiên bán hồ thủy lợi”, đề cập việc Công ty Cà phê Phước An ở Đăk Lăk bán gần hết các hồ thủy lợi sai quy định cho một số cá nhân. Việc làm sai trái này của công ty đã làm hàng trăm hộ dân ở xã Ea Yông (huyện Krông Păk) rơi vào cảnh khốn cùng do cà phê không có nước tưới. Sau khi báo đăng, UBND tỉnh Đăk Lăk; Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) đã có công văn yêu cầu Công ty Cà phê Phước An trả lại hồ thủy lợi cho chính quyền, đảm bảo nước tưới cho người dân. Những dòng nước tưới lại chảy về trên rẫy cà phê và nụ cười cũng rạng người trên khuôn mặt một nắng hai sương của những người nông dân quanh năm chân lám tay bùn.
“Hạ nhiệt” từ “đường dây nóng”Mỗi năm, NTNN nhận được hàng nghìn cuộc điện thoại và đơn thư của bạn đọc gửi về tòa soạn, phản ánh những bức xúc của mình. Đủ thứ chuyện, từ việc hành xử lộng quyền, ức hiếp nhân dân của một số cán bộ, đến chuyện gia đình, con cái… Có người vì quá phẫn uất, không kiềm chế được, gọi đến “đường dây nóng” để “xả”. Ngay cả những chuyện không liên quan đến báo chí, bạn đọc cũng gọi về, họ bảo “chỉ muốn tâm sự với nhà báo thôi”. Như mọi lần, chúng tôi vẫn niềm nở tiếp chuyện với bạn đọc bởi biết rằng bạn đọc gọi đến với mình là hầu như họ đã hết chỗ bấu víu rồi. Thậm chí, nếu thấy họ thực sự bị oan khuất thì phải quyết tâm làm bằng được, để trả lại cho họ lẽ công bằng.
Một hạt thóc, 40 khoản đóng góp sau đó đoạt giải A báo chí quốc gia, nhưng điều đó không quan trọng bằng “đôi vai” của người nông dân đã bớt nặng hơn, đó là giải thưởng lớn nhất đối với chúng tôi”. Hoàng Sơn tâm sự
|
Mới đây nhất, rất nhiều người dân ở ngõ 178 phố An Đà, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền (Hải Phòng), liên tục gọi điện về “đường dây nóng” với tâm trạng vô cùng bức xúc, phản ánh việc ông Phạm Đức Nhạn (giáo viên nghỉ hưu) xây nhà trái phép trên ngõ đi chung, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, đi lại của người dân nơi đây. Họ cho rằng, ngôi nhà xây trái phép đó, thực chất là của cháu ông Nhạn, một sĩ quan công an nên được cán bộ chính quyền địa phương bảo kê, bởi vậy mặc dù đã có văn bản khẳng định ngôi nhà đó xây dựng trái phép, nhưng đã 3 năm nay vẫn không bị xử lý!
So với những vụ việc tiêu cực trong xã hội thì đây chưa phải là chuyện lớn, nhưng không thể để người dân mất lòng tin mà họ đã gửi gắm, nên chúng tôi quyết tìm thủ phạm. Sau khi đăng bài “Bảo kê xây nhà trái phép”, UBND TP. Hải Phòng đã có công văn yêu cầu UBND quận Ngô Quyền kiểm tra, xử lý dứt điểm sự việc báo nêu...
Có thể nói, những điều mà chúng tôi làm được trong 30 năm qua là còn nhỏ nhoi, chưa đáp ứng được hết kỳ vọng của bạn đọc. Thế nhưng, trong hành trang của những chặng đường tiếp theo, chúng tôi luôn nỗ lực, phấn đầu để sát cánh cùng nhà nông, cùng nhau thắp sáng niềm tin về một tương lai tốt đẹp.
Nhóm PV Ban Bạn đọc (Nhóm PV Ban Bạn đọc)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.