Gỗ lớn bị đốn la liệt, ngổn ngang ở khu bảo tồn thiên nhiên

Chủ nhật, ngày 12/06/2016 14:55 PM (GMT+7)
Nhiều cây gỗ bị "lâm tặc" đốn hạ la liệt trên con đường từ bản Kịt đi sâu vào Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Giám đốc khu bảo tồn này thừa nhận có thực trạng rừng bị chặt phá.
Bình luận 0

img

Khu bảo tồn thiên Pù Luông (thuộc địa phận huyện Bá Thước và Quan Hóa, Thanh Hóa) được đánh giá đóng vai trò quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn sông Mã. Từ khi được thành lập năm 1999, việc bảo vệ hệ sinh thái rừng là vấn đề đau đầu cho các nhà quản lý.

img

Ghi nhận của Zing.vn, dọc theo lối mòn nhỏ dẫn từ bản Kịt (xã Lũng Cao, huyện Bá Thước) đi sâu vào khu rừng thuộc khu bảo tồn có nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ nằm la liệt tại nhiều vị trí trong rừng. Những cây gỗ xanh tốt khỏe mạnh, hàng chục năm tuổi, hai người ôm không xuể bị cưa chặt phá nằm ngổn ngang.

img

Việc cưa xẻ gỗ thành ván phẳng được "lâm tặc" thực hiện ngay trong rừng.

img

Những cây có giá trị bị lâm tặc mang, còn cây ít giá trị được bỏ lại, có dấu hiệu mục nát.

img

Một cây gỗ được đánh dấu ký hiệu ghi ngày 12/5 vừa qua. Dưới các con số còn ghi nhiều cái tên khác nhau. 

img

Nhiều diện tích rừng thành những bãi chiến trường gỗ vứt bỏ và mùn cưa nhếch nhác.

img

Ông Lê Thế Sự, Giám đốc, kiêm Hạt trưởng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thừa nhận có tình trạng chặt phá rừng diễn ra, song không cung cấp số liệu cụ thể.

img

Cũng theo ông Sự, khu vực rừng bị khai thác trái phép thuộc Tiểu khu 254, những cây gỗ bị khai thác thuộc nhóm 5 và nhóm 7. “Gỗ bình thường thôi, không phải gỗ quý” - ông Sự nói. 

img

Còn ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho hay, ông đã nắm được vụ việc này. "Sắp tới, huyện sẽ làm việc với Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông để làm rõ trách nhiệm" - ông Dũng nói.

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông được thành lập năm 1999, với diện tích 17.662 ha, gồm 13.320 ha phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và 4.343 ha phân khu phục hồi sinh thái. Rừng nguyên sinh tại Khu bảo tồn là loại rừng kín nhiệt đới, thường xanh theo mùa.

Khu bảo tồn có hệ động thực vật phong phú, đa dạng về số lượng và chủng loại với 598 loài động vật thuộc 130 họ động vật có xương sống, trong đó có 51 loài quý hiếm (gồm 26 loài thú, 5 loài dơi, 6 loài chim, 5 loài cá nước ngọt, 6 loài bò sát)... Đây cũng là nơi cư trú của báo gấm, beo lửa, hương sao, gấu ngựa, voọc quần đùi trắng,..

Nguyễn Dương (Zing News)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem