Lực lượng kiểm lâm phát hiện 6 lóng gỗ thông đỏ tại nhà ông Nhẫn.
Theo đó ngày 29.8, Viện Nghiên cứu công nghiệp rừng thuộc Viện Nghiên cứu khoa học Việt Nam đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng huyện Đức Trọng. Trong đó xác định các mẫu gỗ có ký hiệu riêng từ mẫu số 1 đến mẫu số 6 (được lấy tại nhà ông Nguyễn Văn Nhẫn) có tên Thông đỏ nam (tên khoa học: Taxus wallichiana Zucc) thuộc nhóm IA nằm trong danh mục động, thực vật rừng nguy cấp quý hiếm theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ.
Ngoài ra, cũng theo kết quả giám định của Viện Nghiên cứu công nghiệp rừng, các mẫu gỗ lấy tại tiểu khu 277A, 277B thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh (nơi phát hiện quần thể thông đỏ bị tàn phá) cũng là thông đỏ quý hiếm.
Gốc một cây thông đỏ quý hiếm bị chặt hạ trong lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh.
Trước đó như Dân Việt đã đưa tin, ngày 9.8 tại nhà ông Nguyễn Văn Nhẫn (xã Phú Hội, huyện Đức Trọng), đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Lâm Đồng và huyện Đức Trọng đã lập biên bản tạm giữ 6 lóng gỗ rừng tự nhiên (đường kính từ 25 - 29 cm, dài từ 81 - 91 cm) nghi là thông đỏ quý hiếm. Đây là loại gỗ quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng, đang được bảo vệ nghiêm ngặt tại lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh.
Ông Nhẫn giải thích với đoàn kiểm tra: “Số gỗ này do người bạn làm ở một công ty trong khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng tặng, có nguồn gốc rõ ràng là mua từ gỗ tịch thu của cơ quan nhà nước ở TP.Đà Lạt nên mang về để ở nhà, tính đưa đi đục làm tượng trưng bày chơi nhưng bận quá chưa kịp làm”.
Ngoài số gỗ tại nhà ông Nhẫn, Hạt Kiểm lâm Đức Trọng cũng đã lập biên bản ghi nhận một cây thông đỏ tại tiểu khu 277A do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh bị chặt. Cây thông này có khối lượng 6,4 m3, tại hiện trường còn lại 3,1 m3.
Thông đỏ quý hiếm bị triệt hạ.
Liên quan đến việc phát hiện 6 lóng gỗ thông đỏ quý hiếm tại nhà ông Nhẫn, cũng như quần thể thông đỏ tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh bị xâm hại, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp các cơ quan chức năng xử lý, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30.8. Lý giải việc chậm trễ này, ông Phạm Văn Huy - Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng cho biết nguyên nhân do phải chờ kết quả giám định chủng loại, nhóm gỗ... để làm căn cứ xử lý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.