Góc khuất game online: "Không ai nghĩ nó giết người vì chơi game"
Góc khuất game online: "Không ai nghĩ nó giết người vì chơi game"
Việt An
Thứ ba, ngày 16/06/2020 07:00 AM (GMT+7)
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nghiện game ở lứa tuổi học sinh. Nhưng theo các chuyên gia, nguyên nhân chính lại liên quan tới việc các bậc phụ huynh quản lý con em mình không đúng cách, thiếu sót trong vấn đề giáo dục con cái và đã không hiểu tâm lý của con em mình.
Mới đây, vụ việc nam sinh Đ.N.H (17 tuổi; trú tại xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) trói, bịt miệng và giấu H.T.V.Đ (5 tuổi, trú cùng địa phương) trong một căn nhà hoang khiến em Đ. tử vong đã gây xôn xao dư luận. Theo thông tin ban đầu, nam sinh này là một người nghiện game, thường chơi các game cảm giác mạnh như bắt cóc, trinh thám. Việc bắt trói, giấu cháu Đ. được cho là mô phỏng theo game online...
Trước đó, năm 2018, Nguyễn Hữu Tình đã gây lên vụ thảm sát đẫm máu, khi ra tay giết hại cả 5 người trong gia đình anh Mai Xuân Chinh. Nguyên nhân dẫn đến hành động tội ác là do thù tức gia đình ông Chinh. Bị người vợ ông Chinh chửi, đánh do hay đi chơi game về khuya nên Tình đã uất ức và nuôi ý định trả thù.
Việc Tình gây án một cách manh động, không gớm tay, ngoài tâm lý bị tác động bởi điều kiện sống, sinh hoạt, va chạm... thì còn có thể xuất phát từ việc Tình bị ảnh hưởng bởi những hình ảnh bạo lực trong các game bắn giết mà hằng đêm Tình vẫn ngồi để "cày".
Thêm một vụ việc đau lòng khác xảy ra vào năm 2013 tại tỉnh Phú Yên, ông Tư bị đứa cháu ngoại là Võ Nguyễn Khánh Hòa giết để lấy 3 triệu đồng chơi game. Hòa bị bắt khi còn 3 tháng nữa mới đủ 18 tuổi.
Dẫu biết con nghiện game từ 4 năm nay, nhưng ông Võ Xuân Cảnh không bao giờ nghĩ rằng con trai mình đã gây chuyện tày trời.
"Cũng biết nó chơi game, nó mê game lắm nhưng không ai nghĩ nó giết ông lấy tiền chơi game", ông Võ Xuân Cảnh nói.
Làm gì để giúp trẻ bớt nghiện game?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nghiện game ở lứa tuổi học sinh. Nhưng theo các chuyên gia, nguyên nhân chính lại liên quan tới việc các bậc phụ huynh quản lý con em mình không đúng cách, thiếu sót trong vấn đề giáo dục con cái và đã không hiểu tâm lý của con em mình.
Một số phụ huynh có sai lầm là cấm con chơi game với sự giám sát chặt chẽ của người lớn. Nhưng phần lớn học sinh ở lứa tuổi trưởng thành lại có tâm lý là càng bị cấm lại càng muốn chơi. Và khi bị người lớn la mắng thì các em đối phó bằng cách trốn học, nói dối... để được chơi.
Theo các chuyên gia, thay vì cấm cản, đánh mắng, bố mẹ nên ngồi xuống và nói chuyện cởi mở hơn với con, tìm hiểu xem loại game con chơi để loại trừ những loại game có yếu tố bạo lực. Nói cho con hiểu về sự nguy hiểm của việc nghiện game và đưa ra thời gian học tập và vui chơi hợp lý.
Để ngăn chặn những vụ việc đáng tiếc tương tự trong tương lai thì cần có sự vào cuộc và chung tay từ cả phía gia đình cũng như là nhà trường. Về phía gia đình, cần phải có những cách dạy bảo khác, không nên khắt khe với các con, cần phải "mềm nắn rắn buông", trò chuyện với con nhiều hơn để hiểu suy nghĩ của con.
Hãy trở thành những người bạn của con, giúp con rời xa thế giới ảo và tìm thấy niềm vui từ những hoạt động vui chơi ở thực tại. Về phía nhà trường, cần phải tạo thêm nhiều sân chơi bổ ích cho các em học sinh để các em có thể tham gia, tạo ra các câu lạc bộ, các đội nhóm hoạt động nâng cao kỹ năng sống, trau dồi thêm hiểu biết, khiến cho các em tìm thấy niềm vui khi đi học chứ không phải là khi được nghỉ học và đi chơi điện tử.
Bên cạnh đấy các cơ quan chức năng có thẩm quyền cũng cần làm tốt nhiệm vụ của mình, chấn chỉnh và dẹp những quán Net sai quy định, tránh gây ảnh hưởng đến việc học hành của các em học sinh. Quan trọng hơn hết bản thân các em học sinh cũng phải tự nhận thức được, chơi điện tử thực sự không có tương lai, thay vào đó em hãy tìm thú vui và giải trí bằng những cách khác, như đọc sách hay tìm một môn thể thao nào đó để chơi, học một vài năng khiếu khác như đánh đàn, chụp ảnh, vẽ,…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.