Ông Nguyễn Mạnh Hiền năm nay đã 65 tuổi và là nguyên Chủ tịch Hội CĐV Hải Phòng. Ông nói: “Tôi là người nặng lòng với bóng đá Hải Phòng. Nhà tôi gần sân Lạch Tray và từ nhỏ đã cùng cha vào sân xem Hải Phòng đá với Bát Nhất (Trung Quốc). Bầu không khí thật tuyệt vời".
"Tôi có thể khẳng định người Hải Phòng ăn to nói lớn nhưng vô cùng tâm huyết, có tình yêu chung thủy với bóng đá”.
CĐV Hải Phòng Nguyễn Mạnh Hiền (ngoài cùng bên phải) cho rằng những biến động liên tiếp ở đội bóng Hải Phòng thời gian qua có lỗi từ lãnh đạo đội bóng. Ảnh: I.T
Càng nhớ về quá khứ bao nhiêu, ông Hiền càng cảm thấy trăn trở với bóng đá Hải Phòng hiện tại bấy nhiêu:
“Chỉ trong một thời gian ngắn, bóng đá Hải Phòng đã xảy ra nhiều biến động. Từ chuyện ngoại binh Stevens đăng clip trên mạng xã hội đòi hợp đồng đến chuyện thủ môn Việt kiều Đặng Văn Lâm bị trợ lý Sỹ Mạnh hành hung. Mới đây, một “chiến binh” của bóng đá Hải Phòng là Minh Châu cũng tuyên bố giã từ sân cỏ. Tiếp theo là Khánh Lâm, Văn Nhiên… Và giờ HLV Trương Việt Hoàng cũng tuyên bố chia tay đội bóng”, ông Hiền nói.
Trước HLV Trương Việt Hoàng, nhiều HLV có tài cũng chỉ có thể trụ lại với bóng đá Hải Phòng 2-3 năm. Ảnh: I.T
Theo ông Hiền, đây là vấn đề đơn giản nhưng phức tạp mà quan trọng nhất xuất phát từ vấn đề lòng tin.
“Bóng đá Hải Phòng có truyền thống. Việc lên-xuống hạng cùng là bình thường nhưng buồn nỗi là “chất lửa” của Hải Phòng cứ rơi rụng dần”.
Ông Hiền lý giải nguyên nhân lỗi không phải từ phía CĐV mà đầu tiên là lãnh đạo các cấp cho tới lãnh đạo đội bóng.
Các CĐV Hải Phòng có tình yêu chung thủy đối với đội nhà. Ảnh: I.T
“Khánh Hòa từng bỏ đội K.Khánh Hòa và Hải Phòng mua lại. Họ làm lại với tên S.Khánh Hòa từ hạng Nhì, lên hạng Nhất rồi V.League. Lúc này, S.Khánh Hòa đang đứng thứ 4 sau 24 vòng đấu V.League 2017. Tôi thử hỏi, Khánh Hòa không đông người như Hải Phòng sao họ vẫn có đội ngũ như thế, họ vẫn kiên cường như thế?”
Ông Hiền dẫn ví dụ từ một đội bóng khác của người dân vùng biển là SHB.Đà Nẵng: “SHB.Đà Nẵng giữ anh Lê Huỳnh Đức từ năm 2004, từ khi anh còn là cầu thủ tới HLV sau này. Lúc này anh Đức ra đi, cũng là chuyện hợp-tan thôi, 13 năm trời rồi. Còn Hải Phòng, có HLV nào trụ nổi 5 năm không”.
“HLV Vương Tiến Dũng (HCĐ V.League 2008, HCB V.League 2010 cùng Hải Phòng-PV), một cựu danh thủ Thể Công, một con người đầy tâm huyết như thế cuối cùng cũng phải ra đi. Người tiếp theo là anh Hoàng Anh Tuấn, một HLV có tài cũng chẳng trụ nổi. HLV người Anh Dylan Kerr giúp Hải Phòng vô địch Cúp QG 2014 cũng không ngoại lệ. Giờ đến anh Trương Việt Hoàng (HCB V.League 2015) – người có công lao với bóng đá Hải Phòng cũng không ở nổi”.
Chốt lại, CĐV Nguyễn Mạnh Hiền nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng bóng đá Hải Phòng không bao giờ mất. Nhưng để phát triển, tìm lại được “chất lửa” của mình thì cần có những lãnh đạo có niềm tin, tình yêu, biết tôn trọng CĐV, người hâm mộ. Nếu Hải Phòng rớt hạng ở mùa giải năm sau, tôi nghĩ sẽ mất rất nhiều thời gian để trở lại V.League”.
Giữa tháng 8 năm nay, trên facebook cá nhân, tiền đạo Errol Stevens của Hải Phòng đã đăng tải video dài khoảng 24 giây, trong đó, anh đứng trước phòng Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng để đòi trả hợp đồng vừa đã ký kết giữa hai bên hồi tháng 5.2017. Nguyên nhân là anh cần có hợp đồng lao động để làm hộ chiếu cho con trai mới sinh nhưng không được đáp ứng.
Cùng với video này, Errol cũng gửi thông điệp: “Câu lạc bộ Hải Phòng cần một Chủ tịch tốt hơn. Tôi cần nói cho lãnh đạo và người dân thành phố biết về việc này, làm ơn chia sẻ video này để họ thấy được”.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.