Góc nhìn về thói xấu

Thứ sáu, ngày 18/04/2014 11:51 AM (GMT+7)
Vụ việc đứa trẻ ăn trộm 2 cuốn sách ở một siêu thị tại Gia Lai làm xôn xao dư luận. Thương cảm đứa bé, phẫn nộ người hạ nhục, tất cả đều phải lẽ.
Bình luận 0
Một thanh niên tên Chung Tử Dạ ở TP.HCM đeo biển tự xưng mình từng ăn cắp sách 10 năm trước để chia sẻ, động viên với em học sinh có lỗi ăn trộm sách để em vượt qua mặc cảm. Nhiều người trên các mạng xã hội đề xuất tặng sách cho em gái này. Siêu thị Vĩ Yên tổ chức cho nhân viên đến xin lỗi em và gia đình.

Nhưng cũng nên bình tĩnh lại để suy xét. Chúng ta lên án hành vi ứng xử thiếu nhân văn của nhân viên siêu thị Vĩ Yên đối với học sinh ăn trộm sách, nhưng không thể ủng hộ, hoặc làm cho những đứa trẻ khác hiểu rằng ăn cắp sách không phải là xấu.

Đúng ra, nhà trường, phụ huynh cũng phải nhận lỗi và xin lỗi siêu thị vì việc con em mình ăn cắp sách của siêu thị và hứa sẽ giáo dục con cái tốt hơn, hứa lần sau không tái phạm. Còn cá nhân những người hạ nhục em học sinh ăn trộm sách phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước dư luận và pháp luật lại là chuyện khác.

Nếu như mọi người đến xin lỗi em học sinh kia thì hóa ra mọi người có lỗi còn em không có lỗi hay sao? Nếu như xin lỗi em và gia đình, vậy thì cha mẹ em không có lỗi về hành vi lầm lỗi của con cái hay sao?
Chuyện cô bé trộm sách bị trói ở siêu thị làm cộng đồng bức xúc. Một thanh niên (ảnh) đã tự mang tấm biển này để thể hiện thái độ phản đối cách ứng xử của nhà sách ở Gia Lai.
Chuyện cô bé trộm sách bị trói ở siêu thị làm cộng đồng bức xúc. Một thanh niên (ảnh) đã tự mang tấm biển này để thể hiện thái độ phản đối cách ứng xử của nhà sách ở Gia Lai.

Còn nữa, nếu như cộng đồng thu gom sách tặng em thì chẳng khác gì cổ xúy cho hành động ăn cắp. Cho dù ăn cắp sách cũng là ăn cắp. Những đứa trẻ khác có thể hiểu nhầm rằng, hành động ăn cắp sách là “anh hùng” và bắt chước theo thì hậu quả đó là do tuyên truyền lệch lạc.

Một điều khác cũng cần chia sẻ, đó là nỗi khổ của các doanh nghiệp kinh doanh nhà sách, siêu thị. Các cơ sở kinh doanh này bị mất cắp rất nhiều bởi vì nạn ăn cắp vặt quá phổ biến. Tình trạng này chưa được hạn chế, thiệt hại của doanh nghiệp không nhỏ. Nếu như không lên án hành vi ăn cắp là xấu xa mà còn bênh vực thái quá, thi nạn ăn cắp sẽ lây lan.

Cuối cùng, người Việt có nhiều điều còn xấu xí, trong đó có thói quen ăn cắp. Từ ăn cắp vặt đến ăn cắp của công, ăn cắp thời gian nhà nước, và to hơn là ăn cắp với tên gọi tham nhũng. Phải đấu tranh với nạn ăn cắp đó bằng thái độ quyết liệt với mọi hành vi ăn cắp nhỏ nhất.

Phải nêu thói ăn cắp vặt của người Việt để sửa cho nó đẹp hơn, đừng nên tô vẽ hóa trang tạm thời che lấp sự xấu xí đó.

Chia sẻ và động viên em học sinh ăn cắp sách, xử lý những người sỉ nhục em theo quy định của pháp luật, nhưng phải làm sao để cho em và tất cả những đứa trẻ, con cái của chúng ta lánh xa hành vi ăn cắp, thấy đó là một hành động xấu xa. Đó là một việc phải làm, cần làm ngay lập tức.
Chân Tâm (Chân Tâm)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem