Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng: Nơi thông chỗ tắc (Kỳ 2)

Nguyệt Tạ Thứ hai, ngày 27/04/2020 10:32 AM (GMT+7)
Ở một vài tỉnh thành, đã có những người dân đầu tiên thuộc các nhóm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhận được hỗ trợ của Chính phủ. Trong lúc chờ Trung ương có văn bản hướng dẫn cụ thể, một số địa phương đã có sáng kiến triển khai linh động, sáng tạo, với mong muốn đưa tiền hỗ trợ về tay những người bị ảnh hưởng nhanh nhất.
Bình luận 0

Kỳ 2: Nơi thông, chỗ vẫn tắc

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH và Chính phủ cam kết đến cuối tháng 4, một số nhóm đối tượng thuộc diện được hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng sẽ được nhận tiền. Cam kết đó đã bước đầu thành hiện thực.

Giải ngân nhanh, đúng đối tượng

Trong ngày 26/4, Hải Phòng, Hà Nam tiến hành giải ngân cho một số nhóm đối tượng có sẵn danh sách thống kê. Đa phần trong số này là nhóm người nghèo, người cận nghèo, người bảo trợ, người có công, lao động có hợp đồng...

Để thực hiện hỗ trợ nhanh nhất cho người dân chịu ảnh hưởng, vừa qua Hà Nam đã ứng ngân sách 106 tỷ đồng để thực hiện chi trả cho 25.000 người có công, 34.000 người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và 42.000 người bảo trợ.

Ông Nguyễn Mạnh Tiến - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Hà Nam cho biết, dù chưa cân đối được ngân sách nhưng không vì thế mà đợi Trung ương, tỉnh đã chủ động ứng tiền ngân sách của tỉnh để thực hiện chi trả nhanh nhất đến người dân. Hiện các nhóm đối tượng trên đều trong danh sách tỉnh đang chi trả tiền trợ cấp hàng tháng nên việc thực hiện không có nhiều khó khăn.

img

Một số nhóm đối tượng như người có công, người bảo trợ, hộ cận nghèo đã bắt đầu nhận được tiền hỗ trợ. Ảnh: NT.

Còn tại Hải Phòng, việc thực hiện chi trả tiền hỗ trợ cho các nhóm này được thực hiện khá linh động, theo tiêu chí "giải ngân nhanh, đúng đối tượng" mà Bộ LĐTBXH, Chính phủ quy định.

Với một số người cao tuổi, người khuyết tật không có khả năng đi lại, tỉnh thực hiện chi trả tận nhà. Với các nhóm khác, tỉnh thực hiện chi trả tại UBND xã/phường, hoặc chi trả qua thẻ ATM.

Gỡ nút thắt giúp lao động tự do tiếp cận hỗ trợ

Chiều nay (27/4), Bộ LĐTBXH cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam họp triển khai thực hiện Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ. Cuộc họp nhằm tháo gỡ những khó khăn trong việc triển khai hỗ trợ, nhất là với nhóm lao động tự do. Đồng thời, cuộc họp cũng bàn các giải pháp nhằm thực hiện giám sát triển khai có hiệu quả.

Tuy nhiên, ngay cả ở các địa phương nói trên, nhóm lao động tự do vẫn chưa thể nhận được tiền hỗ trợ. 

Ông Nguyễn Mạnh Tiến - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Hà Nam cho biết, để gỡ nút thắt trong việc rà soát thống kê với lao động tự do, hiện tỉnh đã thống nhất sẽ tiến hành chi trả một tháng trợ cấp cho lao động tự do có danh sách.

"Trước mắt sẽ chi trả 1 tháng cho lao động tự do đã được thống kê và có danh sách. Tiếp đó, tỉnh sẽ vừa thực hiện rà soát, vừa thống kê, căn cứ tình hình thực tế sau rà soát để cân nhắc việc hỗ trợ xem ai được hỗ trợ 3 tháng hoặc 1 tháng", ông Tiến nói.

Mặc dù chưa thể trợ cấp ngay với các nhóm lao động bị ảnh hưởng, lao động tự do nhưng đến nay Hà Nội đã phát phiếu khảo sát cho nhóm này. Chỉ chờ Bộ LĐTBXH có thông tư hướng dẫn thì địa phương sẽ ngay lập tức phân tách đối tượng để thực hiện lên danh sách và hỗ trợ theo đúng quy định.Cũng như các địa phương khác, Hà Nội cũng mong muốn sớm gỡ "nút thắt" trong việc thống kê, rà soát lao động tự do.

img

Để gỡ nút thắt trong rà soát, thống kê lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều địa phương đã triển khai những cách làm sáng tạo. Ảnh: Người bán hàng rong tại Hà Nội - M.N.

Bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND phường Cầu Dền (Hai Bà Trưng) cho rằng, đối tượng thụ hưởng nhiều, thời gian thống kê ngắn, do vậy việc rà soát đối tượng lao động tự do rất khó. Hiện nhiều doanh nghiệp, cửa hàng trên địa bàn đang đóng cửa, lao động tự do cư trú không ổn định, ủy ban đã triển khai thông báo nhưng không gặp được chủ cửa hàng hoặc người lao động. Để liên lạc được với cửa hàng, doanh nghiệp, người lao động thời điểm này, không phải ngày một ngày hai làm được.

Ông Nguyễn Hồng Dân - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TP.Hà Nội cho biết, bước đầu TP xác định có khoảng 1,48 triệu người được hỗ trợ với số tiền dự kiến gần 3.534 tỷ đồng. Đây mới chỉ là danh sách rà soát bước đầu, sau khi có hướng dẫn cụ thể từ các Bộ, ngành, thành phố sẽ tiến hành rà soát lại để sàng lọc đối tượng và tránh bỏ sót. Dự kiến trong hôm nay (27/4), các nhóm lao động có danh sách sẵn (người nghèo, cận nghèo; người có công, người bảo trợ) sẽ được hỗ trợ. Còn nhóm có hợp đồng lao động, việc rà soát, lên danh sách phụ thuộc vào các doanh nghiệp.

Riêng với nhóm lao động tự do, theo ông Dân, sẽ mất một thời gian nữa vì hiện nay chưa có các tiêu chí rõ ràng để rà soát, thống kê lên danh sách. Nhiều phường, xã đang lúng túng trong triển khai. Ông Dân mong muốn Bộ LĐTBXH sớm có hướng dẫn cụ thể để các địa phương thực hiện.

"Với một số nhóm đặc thù như: giáo viên mầm non ngoài trường công lập, đối tượng không bảo hiểm y tế… nằm ngoài hỗ trợ gói an sinh xã hội, thành phố vẫn tính nguồn để có hỗ trợ riêng, nhằm góp phần ổn định cuộc sống cho người dân", ông Dân thông tin thêm.

TS Chang-Hee Lee - Giám đốc, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam:

"Tình trạng thất nghiệp, mất việc làm sẽ còn tác động nghiêm trọng hơn trong quý II/2020, do độ trễ ảnh hưởng của dịch bệnh. Chính bởi vậy, việc tạo hành lang pháp lý thuận tiện sẽ góp phần đưa tiền tới tay các nhóm đối tượng cần hỗ trợ nhanh nhất có thể".

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm UBCVĐXH Quốc hội:

"Ngoài quy định hiện hành, việc rà soát trong nhóm lao động tự do cũng cần linh động để tránh bỏ sót đối tượng. Ví dụ một lao động mở quán cắt tóc gội đầu phải nghỉ việc vì dịch, có thể chưa đăng ký tạm trú tại Hà Nội, nhưng người đó có đăng ký thủ tục mở cửa hàng, có đóng thuế môn bài, thì cũng cần phải lấy đó làm căn cứ phụ để đưa anh ta vào danh sách thống kê cần hỗ trợ. Việc rà soát đúng đối tượng hay không phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của địa phương. Linh hoạt, sáng tạo trong cách thức triển khai nhưng phải đúng quy trình, và phải thực hiện giám sát tốt thì không xảy ra trục lợi".

LTS: Ngày 24/4, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đây là một quyết định rất hợp lòng dân, nhận được sự ủng hộ của đông đảo dư luận.

Bởi quyết định này ảnh hưởng đến khoảng 20 triệu người dân đang gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, và họ đang mong chờ từng ngày có quyết định này để sớm nhận được hỗ trợ trong gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng theo nghị quyết của Chính phủ.

Theo quyết định, các đối tượng sau sẽ được nhận hỗ trợ: Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng liên tục kể từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 30/6/2020; Hộ kinh doanh có doanh thu do cơ quan thuế thực hiện quản lý thuế dưới 100 triệu đồng, được xác định tại thời điểm ngày 15/1/2020; tạm ngừng kinh doanh từ 1/4/2020; Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm. 

Tuy nhiên, việc triển khai gói hỗ trợ này đến đúng đối tượng một cách nhanh nhất và chính xác nhất vẫn còn mất khá nhiều thời gian do nhiều vướng mắc khách quan và chủ quan.

Loạt bài "Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng: Bao giờ tới tay người dân?" sẽ phản ánh tâm tư của những đối tượng chính của gói hỗ trợ, nêu ra một số khó khăn trong việc thực hiện giải ngân gói hỗ trợ này của cơ quan quản lý, với mong muốn góp 1 tiếng nói để cùng Nhà nước tháo gỡ vướng mắc, giúp gói hỗ trợ đến với đúng đối tượng cần hỗ trợ một cách kịp thời và công bằng nhất. 

(Còn nữa)

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem