Góp sức cho “con rồng Việt” trỗi dậy: Đưa công nghệ điều trị ung thư máu về Tổ quốc

Đăng Thuý Thứ năm, ngày 30/01/2025 14:20 PM (GMT+7)
Với khát khao cháy bỏng và trí tuệ bừng sáng, nhiều tập thể và cá nhân đã, đang đóng góp công sức, trí tuệ của mình cho những thành tựu lớn của đất nước trên nhiều mặt kinh tế, văn hóa, xã hội... Câu chuyện của TS Lê Đức Dũng, của VinBigData, VinFast, SunGroup... là những minh chứng điển hình.
Bình luận 0

"Sự phát triển của Việt Nam là một minh chứng cho tinh thần đoàn kết và khát vọng vươn lên của dân tộc. Để duy trì và phát triển hơn nữa, tôi nghĩ Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào giáo dục, khoa học công nghệ, và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những người Việt xa quê được đóng góp". Đó là chia sẻ của tiến sĩ (TS) Lê Đức Dũng- trưởng nhóm nghiên cứu chuyên sâu về ung thư máu tại Bệnh viện đại học Wuerzburg (Đức), với phóng viên Báo NTNN.

Sau gần 20 năm nghiên cứu, tiếp xúc với các tiến bộ khoa học trong y học ở Đức, được biết TS đã tìm cách chuyển giao các công nghệ điều trị bệnh ung thư máu về Việt Nam. Hành trình đó đang và sẽ diễn ra thế nào?

- Nhận thấy Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn trong điều trị ung thư, tôi đã quyết tâm thúc đẩy hợp tác khoa học và điều trị giữa Đức và Việt Nam để có thể chuyển giao các phương pháp điều trị hiện đại này để người bệnh tại Việt Nam cũng có thể hưởng lợi.

Góp sức cho “con rồng Việt” trỗi dậy: Đưa công nghệ điều trị ung thư máu về Tổ quốc- Ảnh 1.

TS Lê Đức Dũng cùng các đồng nghiệp ở bệnh viện đại học Đức trao đổi hợp tác với đồng nghiệp Việt Nam. Ảnh: N.V

Quá trình này bắt đầu từ khi tôi được làm việc tại Khoa huyết học - ung thư của Bệnh viện đại học Wuerzburg, là một trong những trung tâm điều trị ung thư nổi tiếng tại châu Âu. Tôi đã cố gắng kết nối và thiết lập các mối quan hệ hợp tác giữa các bệnh viện lớn tại Việt Nam với các bệnh viện và chuyên gia tại Đức bằng các chuyến thăm làm việc giữa các bên, các buổi thảo luận online để trao đổi về chuyên môn và các khả năng hợp tác, chuyển giao khoa học công nghệ và đào tạo.

Tuy nhiên, việc chuyển giao công nghệ y học không chỉ đơn giản là chuyển giao máy móc hay kỹ thuật. Điều quan trọng là đội ngũ y tế, từ bác sĩ, điều dưỡng đến kỹ thuật viên, phải có nền tảng kiến thức vững chắc, hiểu rõ và thành thạo các kỹ thuật mới. Họ cần được đào tạo, thực hành thường xuyên và học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia quốc tế, đồng thời xây dựng hệ thống đào tạo bền vững để các bác sĩ Việt Nam không chỉ áp dụng được các công nghệ mới mà còn có thể phát triển và cải tiến chúng trong tương lai.

Góp sức cho “con rồng Việt” trỗi dậy: Đưa công nghệ điều trị ung thư máu về Tổ quốc- Ảnh 2.

TS Lê Đức Dũng.

"Việt Nam cần coi đầu tư vào nghiên cứu khoa học y học cần được xem là ưu tiên hàng đầu. Điều này đòi hỏi sự hỗ trợ từ cả Chính phủ và các tổ chức tư nhân để xây dựng các trung tâm nghiên cứu hiện đại".

TS Lê Đức Dũng

Sau các cuộc trao đổi trực tiếp với các đồng nghiệp Việt Nam, các giáo sư tại Đức..., tôi đã đưa ra các giải pháp, chương trình hợp tác và đào tạo phù hợp với điều kiện thực tế của các bệnh viện và đồng nghiệp Việt Nam, nhằm đảm bảo rằng các phương pháp này có thể được áp dụng hiệu quả. Một số dự án hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo đã được triển khai, các bác sĩ Việt Nam đã được sang Đức đào tạo, đã có những hội chẩn chung với các đồng nghiệp Đức về các ca bệnh khó. Các chuyên gia Đức đã chia sẻ kiến thức khi đã tham gia các hội nghị khoa học của Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn đầu mới triển khai các hợp tác thì nhiều bệnh nhân đã được các bác sĩ Việt Nam giới thiệu sang Đức để điều trị bằng các phương pháp tiên tiến và đã thành công.

Mỗi lần trở về Việt Nam, anh mang theo những khát vọng gì, thưa TS?

- Những người con xa quê họ đều có một tình yêu đặc biệt cho quê hương, luôn muốn được đóng góp cho đất nước. Tôi cũng thế, luôn mang theo những khát vọng đóng góp bằng chính chuyên môn và các mối quan hệ của mình, cụ thể ở đây là đóng góp cho nền khoa học, y tế của nước nhà, đặc biệt là trong lĩnh vực điều trị ung thư máu. Sau nhiều năm nghiên cứu và làm việc tại Đức, tôi muốn mang những công nghệ tiên tiến, những phương pháp điều trị hiện đại mà tôi đã tiếp xúc, về Việt Nam.

Khát vọng lớn nhất của tôi là nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân trong nước bằng việc phát triển nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo bác sĩ, các nhà khoa học từ các dự án hợp tác quốc tế, đặt biệt là với Đức.

Những dự định anh muốn đóng góp cho ngành y tế Việt Nam là gì?

- Tôi dự định vẫn sẽ tiếp tục đóng góp cho ngành y tế Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực điều trị ung thư, chuyển giao công nghệ y tế tiên tiến và đào tạo. Một trong những ưu tiên của tôi là mang các phương pháp điều trị hiện đại như liệu pháp tế bào CAR-T và liệu pháp miễn dịch, ghép tuỷ về Việt Nam. Tôi cũng muốn tập trung giúp các bác sĩ trong nước được tiếp cận với các kiến thức khoa học mới, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà chúng ta đang yếu đó là miễn dịch học, huyết học và ung thư…

Tôi hy vọng những dự định này sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam và giảm bớt gánh nặng cho bệnh nhân, đồng thời giúp Việt Nam trở thành một trung tâm điều trị và nghiên cứu y tế tiên tiến của khu vực.

Xin cảm ơn TS!

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem