Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Chia sẻ lợi ích giữa các bên

Thứ bảy, ngày 03/11/2012 08:25 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cần phải minh bạch và công bằng trong thu hồi, bồi thường đất, cơ chế xác định giá đất bồi thường là 3 trong tổng số 13 khuyến nghị Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố nhằm góp ý cho Luật Đất đai sửa đổi của Việt Nam.
Bình luận 0

Minh bạch, công bằng trong thu hồi đất

Một trong nhiều nhận định của nhóm nghiên cứu của WB cho rằng: Ngày càng có nhiều khiếu kiện từ những người bị ảnh hưởng, mà trong một số trường hợp họ là những người bị bần cùng hóa, khiến họ là nạn nhân của quá trình phát triển kinh tế. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy cần phải bồi thường công bằng cho những người mất đất và những người chịu ảnh hưởng bất lợi từ việc thu hồi đất.

img
Trong thu hồi và bồi thường đất cần có sự minh bạch và công bằng. (Ảnh minh họa)

Nhóm tác giả của báo cáo kiến nghị cần phải làm rõ và giới hạn lại quyền của Nhà nước trong thu hồi đất bắt buộc. Hiện nay, việc thu hồi đất bắt buộc đang được áp dụng không chỉ cho các mục đích phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia… mà còn cho một số mục đích phát triển kinh tế như xây dựng khu công nghệ cao, dự án với 100% vốn đầu tư nước ngoài…

Việc thu hồi đất theo phương thức bắt buộc và giao lại đất thường gây ra sự không công bằng trong chia sẻ lợi ích giữa những người sử dụng đất trước và sau khi thu hồi. Do vậy, WB khuyến nghị, hình thức thu hồi đất theo phương thức bắt buộc cần phải thay đổi theo hướng thay đổi phạm vi được phép thu hồi đất chỉ áp dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh và phục vụ cho các dự án vì lợi ích công cộng như đường sá, công viên, trường học…

Giá bồi thường trong thu hồi đất bắt buộc

Luật Đất đai hiện hành quy định giá đất của Nhà nước phải sát với giá thị trường và giá đất để tính bồi thường khi thu hồi đất cũng phải sát với giá thị trường. Tuy nhiên pháp luật hiện hành lại không có hướng dẫn nào cụ thể về việc thi hành chính sách này. Vì vậy, trên thực tế giá đất để tính bồi thường về đất luôn thấp hơn nhiều so với giá trên thị trường. Việc này dẫn đến sự không hài lòng của người có đất bị thu hồi, khiến tình trạng khiếu kiện ngày một nhiều và phức tạp, làm chậm tiến độ triển khai các dự án.

Ông Nguyễn Thế Dũng - thành viên trong nhóm thực hiện báo cáo cho biết: Bản khuyến nghị trên tinh thần “khắc phục những kẽ hở và thiếu sót của Luật Đất đai hiện hành nhưng cũng phải tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường và làm nền tảng cho quản lý các nguồn lực đất đai khan hiếm một cách hiệu quả”.

Dựa trên kinh nghiệm quốc tế và pháp luật hiện hành, WB đưa ra khuyến nghị: Yêu cầu bắt buộc giao cho tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất xác định giá đất phù hợp với giá thị trường. Tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất cần được lựa chọn trên sự đồng thuận giữa những người dân bị ảnh hưởng và các bên liên quan về quyền lợi, nghĩa vụ trong thu hồi đất. Giá đất để tính bồi thường cần được quyết định thông qua các hội đồng độc lập cấp tỉnh và cấp TƯ, dựa trên kết quả định giá đất của tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất.

Chia sẻ lợi ích giữa các bên

Cơ chế chia sẻ lợi ích đang được các nước áp dụng chủ yếu cho các dự án thủy điện lớn có tác động đến cộng đồng dân cư nơi có đất. Tuy nhiên, VN cũng có thể áp dụng rộng rãi với các dự án có tác động tới phần lớn cộng đồng dân cư. Chia sẻ lợi ích không chỉ là việc giảm nhẹ thiệt hại và bồi thường cho các tài sản bị mất mà còn bao gồm rất nhiều các công cụ tiền tệ và phi tiền tệ khác như việc chia sẻ lâu dài nguồn lợi thu được từ các dự án đầu tư (thanh toán trực tiếp phần lợi nhuận, giá điện ưu đãi, trả tiền cho các dịch vụ liên quan đến môi trường và sinh thái…) hoặc các biện pháp phi tiền tệ nhằm cải thiện thu nhập, môi trường sống và việc làm của những người bị ảnh hưởng

WB cho rằng cần phải đưa ra quy định về việc chia sẻ lợi ích giữa các bên nhằm phát triển và phục hồi sinh kế lâu dài cho người dân địa phương bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện, khai thác mỏ hay các dự án có tính chất tương tự.

Ông Lê Cao - Công ty Luật hợp danh FDVN (Đà Nẵng): Giải quyết vấn đề gốc rễ là quyền sở hữu

Theo tôi, bên cạnh xác định hình thức sở hữu Nhà nước về đất đai cũng cần công nhận sở hữu tư nhân về đất đai. Chỉ khi trao quyền sở hữu đất đai thực sự cho người dân thì họ mới yên tâm đổ công sức vào đầu tư, làm tăng giá trị của đất đai, mang lại lợi ích cho chính họ và qua đó là cho Nhà nước. Đối với đất sản xuất nông nghiệp, việc tăng thời hạn sử dụng lên 40 năm, 50 năm cũng chỉ thể hiện về mặt hình thức, và vẫn giữ tư duy cần chia lại đất sau một thời hạn chứ chưa có đột phá trong việc bỏ hạn điền để người nông dân có thể đầu tư lớn, đổ mồ hôi công sức vào việc khai thác tiềm năng của đất.

Luật sư Trương Ngọc Trung (Đoàn Luật sư Quảng Nam): Cần nghiên cứu phương án đất đổi đất

Theo tôi, nếu đã thu hồi đất nông nghiệp của người nông dân thì coi như họ đã mất mảnh đất đó vĩnh viễn, nên cần phải có một chủ trương đúng đắn, hợp lý, cụ thể và cái gì lợi cho người bị thu hồi thì phải làm trước tiên. Nên nghiên cứu phương án đất đổi đất, thu hồi đất của nông dân, bồi thường một phần, phần còn lại phải giao đất nơi khác để họ có công ăn việc làm, cải thiện đời sống. Thứ hai là phải đào tạo một công ăn việc làm, nghề nghiệp mới cho người dân trước khi đất của họ bị thu hồi và chuyển họ đi nơi khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem