GS Hồ Ngọc Đại: "Tiêu chí đầu tiên chọn giáo viên của tôi là... cô giáo phải đẹp"

Tào Nga Chủ nhật, ngày 24/09/2023 07:52 AM (GMT+7)
Trước câu hỏi tiêu chí về chọn giáo viên, GS Hồ Ngọc Đại - "cha đẻ" của Trường Thực Nghiệm đã khiến cả hội trường bất ngờ khi thẳng thắn cho biết "Tiêu chí lựa chọn đầu tiên của tôi là cô giáo phải đẹp".
Bình luận 0

Trong buổi giao lưu tại TP.HCM ngày 23/9, GS Hồ Ngọc Đại đã có nhiều chia sẻ về vấn đề giáo dục, những câu chuyện xoay quanh việc xây dựng Trường Thực Nghiệm và tư vấn cho phụ huynh trong việc nuôi dạy con.

Trước câu hỏi tiêu chí về chọn giáo viên, GS Hồ Ngọc Đại thẳng thắn cho biết: "Tiêu chí đầu tiên chọn giáo viên của tôi là cô giáo phải đẹp. Khóa đầu tiên ở Trường Thực Nghiệm, có mấy trăm cô, tôi chỉ chọn được hơn chục cô giáo. Có người nói ông Đại chọn giáo viên như chọn hoa hậu".

Câu trả lời của GS Hồ Ngọc Đại khiến nhiều người bật ngửa vì xưa nay các trường học đều lựa chọn giáo viên theo tiêu chí giỏi giang. GS Đại lý giải, ông chọn giáo viên không phải cho ông mà chọn cho học trò, chọn vì trẻ nhỏ. Đẹp ở đây là giáo viên phải tạo được sự thiện cảm, thân thiện, thu hút, có sức ảnh hưởng đến học trò. Điều quan trọng nhất của giáo dục, đó là coi trọng học sinh. Từ nhỏ một đứa trẻ được coi trọng, lớn lên sẽ có lòng tự trọng.

GS Hồ Ngọc Đại: "Tiêu chí lựa chọn đầu tiên của tôi là cô giáo phải đẹp" - Ảnh 1.

GS Hồ Ngọc Đại - "cha đẻ" của Trường Thực Nghiệm. Ảnh: P.T

GS Hồ Ngọc Đại cũng có những kết luận thoạt nghe rất “lạ tai”: Trẻ em hiện đại tự sinh ra chính mình; Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là đổi mới tận nguyên lý triết học của Nghiệp vụ sư phạm.

Giáo dục hiện đại, theo ông, chính là phương thức thiết kế và thi công thay vì giảng giải – ghi nhớ theo phương thức truyền thống, với mục tiêu để cho mỗi em trở thành chính mình, thành một cá nhân duy nhất, có một không hai trên hành tinh này. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là đổi mới tận nguyên lý triết học của Nghiệp vụ sư phạm. Chuyện gì sẽ xảy ra, nếu thầy không giảng? Từ “giảng” sang “không giảng” mới là đổi mới căn bản và toàn diện.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại cũng đưa ra các phân tích, lập luận chặt chẽ về những giới hạn của phương pháp giáo dục đại trà truyền thống, ông cho biết: “Vượt bỏ công thức cũ: Thầy giảng giải – Trò ghi nhớ thì cái mới là gì? Đó chính là cách làm mới: Thầy thiết kế – Trò thi công;  Trẻ em tự mình làm ra sản phẩm giáo dục cho chính mình, vì chính mình, để trở thành chính mình”. 

GS Hồ Ngọc Đại: "Tiêu chí lựa chọn đầu tiên của tôi là cô giáo phải đẹp" - Ảnh 2.

Chia sẻ của GS Hồ Ngọc Đại khiến cả hội trường bất ngờ và cảm phục. Ảnh: P.T

Nguyên tắc cơ bản của nghiệp vụ sư phạm hiện đại là không đưa đến cho trẻ em sản phẩm làm sẵn, buộc phải chấp nhận (học thuộc lòng). Thầy hiện đại giao việc cho trẻ em làm. Trẻ em tự mình làm, làm theo trật tự của công nghệ giáo dục, chỉ làm một lần, chỉ tiêu dùng lượng thời gian cấp cho việc ấy. Mỗi em tự làm ra sản phẩm giáo dục cho chính mình, lấy năng lượng mới cấp cho mình phát triển: Không đưa sản phẩm làm sẵn đến cho trẻ em, buộc trẻ em phải chấp nhận.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại bày tỏ, trách nhiệm lớn nhất của chúng ta là trách nhiệm với thế hệ trẻ. Đừng nghĩ thế hệ trẻ sai lầm, thế hệ trẻ chính là thứ cảnh báo rõ ràng nhất về thực trạng đất nước. Lịch sử đất nước như thế nào đều thể hiện qua trẻ nhỏ.

Chia sẻ này của GS Đại cũng nằm trong cuốn sách ông vừa ra mắt "Giáo dục hiện đại". Là một nhân vật đặc biệt trong giới giáo dục tại Việt Nam, có thể nói là một người hiếm hoi nếu không muốn nói là duy nhất trong giới khoa học giáo dục tại Việt Nam có chủ thuyết riêng và dành cả cuộc đời để nghiên cứu, triển khai, bảo vệ chủ thuyết đó, Giáo sư Hồ Ngọc Đại có một vị trí quan trọng không chỉ trong giới nghiên cứu giáo dục trong nước, mà còn cả đối với giới khoa học quốc tế. Công trình cả cuộc đời ông chỉ vỏn vẹn trong 4 chữ: Công nghệ giáo dục. Điều này có nghĩa là, nói tới Công nghệ giáo dục, người ta nói đến Hồ Ngọc Đại. Nói đến Hồ Ngọc Đại, người ta nói đến Công nghệ giáo dục. 

GS. TSKH Hồ Ngọc Đại sinh năm 1936 trong một gia đình có truyền thống khoa cử. Năm 1968, ông theo học ngành Tâm lý học tại Liên Xô, trường Đại học Tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov. Năm 1976, ông hoàn thành luận án Tiến sĩ khoa học về Những vấn đề tâm lý trong giảng dạy Toán học cho học sinh cấp 1. Năm 1978, ông sáng lập ra Trung tâm Công nghệ Giáo dục để tiến hành thực nghiệm công nghệ giáo dục, công nghệ phát triển con người cả về lý thuyết lẫn thực tiễn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem